Những gia đình 'chồng Nam - vợ Bắc' vẫn đong đầy hạnh phúc
Dù 'chồng Nam - vợ Bắc' nhưng với sự tin tưởng dành cho nhau và sự hỗ trợ của công nghệ, vợ chồng anh Lê Văn Tới (31 tuổi) và chị Đoàn Thị Linh Chi (25 tuổi) vẫn có thể trò chuyện, chia sẻ với nhau những khoảnh khắc trong cuộc sống hằng ngày.
Lê Văn Tới và Đoàn Thị Linh Chi hạnh phúc bên nhau
Xa mà gần, nhờ công nghệ
"Em đón Valentine ở một nơi hơi đặc biệt nhưng mà em vẫn vui lắm" - đó là dòng chữ ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều niềm vui được viết trên trang Facebook cá nhân của Linh Chi đúng Ngày Lễ Tình nhân 14/2 năm nay, kèm theo đó là hình ảnh một bó hồng đỏ thắm.
Lúc này, Linh Chi đang nằm điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An vì lý do sức khỏe, còn bó hoa hồng là món quà được chồng cô, đang ở cách đó hơn 1.000 cây số, gửi tặng.
"Thật ra việc tặng quà, hay nhận quà vào những ngày lễ đối với vợ chồng mình không quá quan trọng. Có những ngày lễ, do ở xa hoặc một lý do nào đó mình cũng không tặng quà cho vợ nhưng rồi có khi, mình lại tặng quà cho vợ vào một ngày bình thường nào đó. Quan trọng là cả hai đều cảm thấy thoải mái, hạnh phúc", anh Lê Văn Tới chia sẻ.
Hai vợ chồng anh Tới đều cùng quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Vào năm 2014, cả hai bắt đầu "cảm nắng" nhau. Hai năm sau đó, Tới quyết định đi Nhật Bản làm việc.
"Trước khi sang Nhật Bản, tuy hai đứa không hứa hẹn với nhau điều gì nhưng trong tim thì vẫn tin tưởng, chờ đợi nhau", Tới kể. Sau khi sang "đất nước mặt trời mọc", hai người vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau. Đến năm 2019, Tới trở về nước và một thời gian sau đó, hai người "về chung một nhà".
Sau khi kết hôn, Linh Chi làm việc cho một công ty thương mại điện tử ở Nghệ An. Còn Tới tiếp tục làm việc cho một công ty của Nhật Bản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. "Nếu về quê, ở gần vợ thì công việc sẽ khó khăn hơn, thu nhập cũng không bằng. Nên cả hai vợ chồng mình chấp nhận sống xa nhau. Quan trọng là cả hai đều hiểu nhau, chia sẻ với nhau, vì hạnh phúc của gia đình", Tới nói.
Theo Linh Chi, sự phát triển của công nghệ, của mạng xã hội đã giúp cho hai vợ chồng "gần nhau" hơn, dù khoảng cách về địa lý là không nhỏ. Mỗi tối, vào những ngày cuối tuần, cả Tới và Linh Chi đều gọi điện cho nhau, nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại để chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.
Nhờ công nghệ mà Linh Chi thấy được căn phòng chồng ở, những món ăn chồng ăn, công việc chồng làm… Còn với Tới, anh cũng có thể thấy được nụ cười của vợ sau những giờ làm việc tại công ty.
Đặc biệt hơn, cũng qua chiếc điện thoại thông minh, Tới có thể nhìn thấy được đứa con đầu lòng của mình đang lớn lên từng ngày trong cơ thể vợ và cảm nhận được cả những thay đổi, vất vả mà vợ phải trải qua trong quá trình mang thai.
"Chỉ khoảng hơn 1 tháng nữa là đứa con đầu lòng của hai vợ chồng sẽ ra đời. Thật sự, với tình cảm dành cho nhau và nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, tình cảm của hai vợ chồng ngày càng lớn hơn.
Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là chúng tôi có thể nói với nhau mọi điều, chia sẻ ngay với nhau những khoảnh khắc trong cuộc sống. Thật sự, cả hai chúng tôi đều an tâm dù phải xa nhau. Bản thân tôi rất tin tưởng và cảm ơn vợ luôn là hậu phương vững chắc, quan tâm đến hai bên gia đình khi tôi phải làm việc ở xa", anh Tới tâm sự.
Vì mưu sinh, vợ chồng trẻ chấp nhận sống xa nhau
Thấm thoắt, Tạ Thu Yến (SN 1996, quê ở Phù Ninh, Phú Thọ), công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, đã tạm trú trong khu trọ thuộc xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội) được 7 năm. Căn phòng khép kín chừng 15m2 mà Yến đang sống cùng con trai 5 tuổi có giá thuê là 1,6 triệu đồng/tháng.
Chồng Yến hơn cô 3 tuổi (quê ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang). Anh không làm công nhân trong khu công nghiệp (KCN) như Yến mà làm thuê cho một nhà hàng ở gần chỗ Yến trọ. Hiện tại, nếu đi làm đủ ngày công, lương của Yến được khoảng 8,2 triệu đồng/tháng. Còn lương của chồng Yến dao động từ 7,5 triệu đến 8,5 triệu đồng/tháng.
Khi chưa sinh con, thu nhập của hai vợ chồng cũng đủ chi tiêu và dành dụm mỗi khi lễ, Tết về quê, biếu bố mẹ hai bên vài triệu. Nhưng từ khi sinh con, sau đó mất hơn 1 năm bấp bênh vì dịch Covid-19, thu nhập của vợ chồng Yến giảm, cuộc sống rất khó khăn.
"Sau dịch Covid-19, nhà hàng chỗ chồng em làm không tiếp tục kinh doanh nữa nên anh ấy thất nghiệp. Chồng em đi làm shipper, làm phục vụ ở quán cà phê trên thị trấn nhưng công việc bấp bênh.
Không có việc làm ổn định, ăn Tết xong, hai vợ chồng em bàn bạc và đi đến quyết định, nhờ người quen giúp đỡ, chồng em vào TPHCM vừa làm vừa học pha chế ở một nhà hàng. Anh ấy rất khéo tay, nấu nướng ngon nên hy vọng anh ấy sẽ học hỏi được nghề này. Khu trọ của em khá đông người thuê trọ nên sau này, chồng em về mở dịch vụ giải khát, ẩm thực sẽ có triển vọng", Yến chia sẻ.
Đã 5 tháng chồng vào TPHCM học việc, hai mẹ con Yến ở lại khu trọ. Ông bà nội -ngoại ở quê thương Yến, khuyên cô gửi con về ông bà trông nom giúp, khi nào ổn định, con vào học lớp 1 thì đón xuống. Nhưng nhớ con, không thể sống xa con nên Yến không chịu.
Trước đây, khi chồng ở nhà, lúc Yến làm ca thì chồng sẽ trông nom, đưa đón con đi mẫu giáo. Giờ vợ một nơi, chồng một nẻo, Yến phải thuê bà hàng xóm hỗ trợ đưa đón và trông con với giá 500.000 đồng/tháng. Trung bình một tuần, Yến làm 3 ca chiều (từ 2 giờ chiều đến 10 giờ đêm).
Yến cho biết, nhiều khi đi làm về mệt, gặp lúc con ốm đau sài đẹn, trái gió trở trời, một mình xoay xở, cô thấy tủi thân vô cùng.
"Nhưng vì cuộc sống sau này, vì tương lai của con, vợ chồng em lại động viên nhau phải cố gắng. Cũng may, giờ có điện thoại thông minh kết nối mạng nên ngày nào vợ chồng em và con cũng được nói chuyện qua camera, nhìn thấy nhau nên đỡ buồn, đỡ nhớ. Tuy ở xa song mọi diễn biến cuộc sống hằng ngày, chúng em đều cập nhật cho nhau qua điện thoại và mạng xã hội", Yến cho biết.
Mới 27 tuổi, thanh xuân phơi phới nhưng vì mưu sinh, vợ chồng Yến chấp nhận "đôi người đôi ngả". Yến thú nhận, vợ chồng trẻ sống xa nhau, nhiều khi "nhớ chồng phát khóc nhưng đành lòng vậy".
Nửa đùa nửa thật hỏi Yến, vợ chồng trẻ xa nhau, có sợ chồng không chung thủy?, Yến cười nói: "Ở xa nhau thế này, nếu vợ hoặc chồng muốn làm gì khuất tất thì người kia khó mà biết được. Thế nên, quan trọng là tin tưởng nhau thôi ạ. Nếu cứ nghi ngờ nhau rồi tra hỏi, dằn vặt nhau thì tình cảm cũng sẽ bị sứt mẻ".
Yến thủ thỉ, trước khi chồng đi xa, họ cùng thống nhất với nhau là tạm thời chấp nhận hy sinh cuộc sống vợ chồng để "lấy ngắn nuôi dài". Yến khoe, chồng cô bảo tháng 9 tới học nghề xong, có thể cuối năm anh ấy sẽ ra ngoài này tính chuyện khởi nghiệp, cũng có thể anh ấy ở lại đó thêm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi thêm việc kinh doanh.
Nói về tương lai, Yến thoáng suy tư nhưng khá lạc quan: "Muốn khởi nghiệp, chúng em cũng phải tính chuyện chuẩn bị vốn liếng. Chắc chúng em sẽ được bố mẹ hai bên hỗ trợ nhưng mình phải chủ động là chính.
Tháng 9 sang năm, con em vào học lớp 1, rồi chúng em cũng phải tính sinh thêm bé nữa. Có lúc ngồi nghĩ đến bao nhiêu việc phía trước mà sợ. Nhưng chồng em bảo, bây giờ sợ nghèo thôi chứ không đói. Chỉ cần hai vợ chồng tin nhau và cùng quyết tâm thì khó khăn mấy rồi cũng qua".