Những giả thuyết về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Hàn Quốc

Một ngày sau khi xảy ra thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất tại Hàn Quốc, câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến sự cố với chuyến bay của Jeju Air vẫn còn là ẩn số.

Lực lượng cứu hỏa dựng hàng rào tạm thời xung quanh máy bay chở khách của hãng Jeju Air bị rơi tại Sân bay quốc tế Muan hôm 29/12. Ảnh: Yonhap

Lực lượng cứu hỏa dựng hàng rào tạm thời xung quanh máy bay chở khách của hãng Jeju Air bị rơi tại Sân bay quốc tế Muan hôm 29/12. Ảnh: Yonhap

Ngày 29/12, chiếc máy bay mang số hiệu 2216 của hãng hàng không Jeju Air đã buộc phải hạ cánh bằng bụng tại Sân bay Quốc tế Muan, cách Seoul 288 km về phía Nam. Sau đó, máy bay tiếp tục chạy quá đường băng và va chạm với một gò bê tông trước khi phát nổ. Sự cố đã gây ra cái chết thương tâm cho 179 trong số 181 hành khách.

Dù các chuyên gia hàng không vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác, họ cho rằng việc chim va vào động cơ có thể không phải là yếu tố duy nhất gây ra vụ tai nạn.

Theo báo cáo, tháp kiểm soát không lưu tại Sân bay Quốc tế Muan đã ban hành cảnh báo va chạm với chim ngay trước khi xảy ra vụ tai nạn. Một quan chức của Bộ giao thông Hàn Quốc cho biết phi công đã thông báo rằng máy bay đã va chạm với chim trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Video xem lại khoảnh khắc chiếc bay của hãng hàng không Jeju Air phát nổ như quả cầu lửa ngay sau khi hạ cánh (Nguồn Reuters):

Giả thuyết ban đầu cho rằng cú va chạm với chim đã khiến động cơ cung cấp năng lượng cho bánh đáp bị hỏng, từ đó dẫn đến việc máy bay phải hạ cánh bằng bụng – một tình huống vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cao cấp về thiết kế hàng không vũ trụ tại Đại học New South Wales, bày tỏ sự nghi ngờ về giả thuyết này.

“Một vụ va chạm với chim vẫn được coi là sự cố có thể sống sót. ĐIều đó lẽ ra không nên dẫn đến kết cục nghiêm trọng như vậy, đặc biệt là vì trong bất kỳ tình huống nào mà một động cơ không hoạt động (như videocho thấy), vẫn còn rất nhiều năng lượng”, bà Brown lập luận và nói thêm rằng va chạm với chim rất phổ biến đến mức chúng được đưa vào thiết kế của máy bay hiện đại.

Theo chuyên gia này, một chiếc Boeing 737 và bất kỳ máy bay thương mại nào cũng có các lớp dự phòng, đặc biệt là đối với bánh đáp, được vận hành bằng thủy lực. Bà Brown giải thích ngay cả khi hệ thống thủy lực bị hỏng, bánh đáp vẫn có khả năng được triển khai nhờ cơ chế dự phòng sử dụng trọng lực. Về cơ bản, bánh đáp có thể mở rộng mà không cần đến hệ thống thủy lực, nhờ vào thiết kế đặc biệt cho phép chúng tự hạ xuống dưới tác động của trọng lực, đảm bảo an toàn cho quá trình hạ cánh của máy bay trong những tình huống khẩn cấp.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tai nạn máy của Hãng hàng không Jeju Air ở Muan, Hàn Quốc, ngày 30/12/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tai nạn máy của Hãng hàng không Jeju Air ở Muan, Hàn Quốc, ngày 30/12/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Ngoài ra còn có hệ thống dự phòng quan trọng khác, như cánh tà và thanh chắn. Tiến sĩ Brown ví thanh chắn giống như cánh gió trên ô tô, được thả ra trước khi hạ cánh để tăng lực cản và giúp máy bay giảm tốc độ. Những công cụ này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình hạ cánh, và theo lý thuyết, chúng lẽ ra vẫn phải được kích hoạt, ngay cả khi hệ thống chính gặp sự cố, nhằm đảm bảo an toàn cho máy bay.

“Máy bay đang chạy bằng hai hệ thống thủy lực độc lập và rất khó có khả năng một vụ va chạm với chim phá hủy cả hai hệ thống thủy lực độc lập đó. Có vẻ như còn nhiều nguyên nhân hơn thế gây ra vụ tai nạn này còn”, bà nói.

Giáo sư Doug Drury tại Đại học Central Queensland, cũng đồng tình rằng chỉ riêng vụ va chạm với chim không thể là nguyên nhân duy nhất.

“Một vụ va chạm với chim vào động cơ sẽ không làm hỏng toàn bộ các hệ thống của máy bay. Một chiếc Boeing 737 có thể vận hành chỉ với một động cơ”, ông Drury, một phi công dày dặn kinh nghiệm, đã từng vận hành cả máy bay thương mại, quân sự và tư nhân, cho biết.

Video Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường sau vụ rơi máy bay ở Hàn Quốc (Nguồn Reuters):

Các nhà điều tra hiện đang phân tích dữ liệu hộp đen và bản ghi âm giọng nói trong buồng lái để tìm ra câu trả lời chính xác, nhưng quá trình này có thể mất thời gian.

Giáo sư Drury cũng bày tỏ hoài nghi về tốc độ của máy bay khi tiếp cận đường băng. Ông cho rằng, khi hạ cánh bằng bụng, phi công cần phải giảm tốc độ, nhưng chiếc máy bay này lại tiếp cận đường băng với tốc độ cao, làm dấy lên thêm nhiều nghi vấn.

“Nếu dự định hạ cánh bằng bụng, máy bay sẽ phải giảm tốc độ. Nhưng chiếc máy bay này đang lao xuống đường băng với rất nhiều năng lượng”, ông nói.

Ông cũng lưu ý máy bay đã hạ cánh theo hướng ngược lại với hướng thường được sử dụng, có thể là do gió đuôi. Trong điều kiện bình thường, máy bay thường hạ cánh ngược chiều gió để dễ dàng giảm tốc.

“Tại sao máy bay lại bay nhanh như vậy? Hiện tại, chúng ta vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời,” ông Drury kết luận.

Giới chức trách đang điều tra đống đổ nát của chiếc máy bay Jeju Air tại Sân bay quốc tế Muan ngày 30/12. Ảnh: Yonhap

Giới chức trách đang điều tra đống đổ nát của chiếc máy bay Jeju Air tại Sân bay quốc tế Muan ngày 30/12. Ảnh: Yonhap

Hiện nay, cũng có nhiều giả thuyết được nêu ra ra xung quanh sự tồn tại của một gò bê tông tại sân bay nơi xảy ra vụ tai nạn. Cấu trúc này, được sử dụng để hỗ trợ hệ thống dẫn đường cho máy bay hạ cánh, nằm cuối đường băng khoảng 250 mét, với phần cao nhất đạt khoảng 4 mét.

Gò bê tông này được xây dựng khi hệ thống định vị được thay thế vào năm ngoái, nhằm đảm bảo máy định vị hoạt động chính xác do mặt đất tại khu vực cuối đường băng bị nghiêng. Tuy nhiên, một số chuyên gia và giới quan sát đã bày tỏ sự lo ngại về sự an toàn của cấu trúc này, đặt câu hỏi liệu nó có thể đã góp phần vào số thương vong lớn trong vụ tai nạn. Chiếc máy bay đã trượt khoảng 1.600 mét trước khi va chạm với cấu trúc này.

Một phi công giấu tên cho biết: “Tôi đã thấy nhiều hệ thống ăng-ten ở các sân bay, nhưng chưa bao giờ thấy kiểu gò bê tông như thế này. Ngay cả khi cần nâng cao ăng-ten, không nhất thiết phải có bức tường bê tông.”

Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc đã lên tiếng, khẳng định hệ thống máy định vị này được lắp đặt cách đường băng 251 mét và được xây dựng tương tự ở nhiều sân bay khác, cả trong nước và quốc tế. Bộ cũng cho biết, việc sử dụng bê tông cho các cấu trúc này không phải là hiếm.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hàn Quốc lên kế hoạch kiểm tra mức độ an toàn của tất cả máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không trong nước khai thác sau vụ tai nạn.

Một quan chức của Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này có kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng xem các hãng hàng không có tuân thủ đúng các quy định khác nhau đối với mẫu máy bay Boeing 737-800 hay không, bao gồm việc kiểm tra tỷ lệ sử dụng máy bay, kiểm tra chuyến bay và hồ sơ bảo dưỡng.

Cũng theo bộ này, giới chức đã tạm thời xác định được danh tính của 141 nạn nhân trong số 179 người thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Thân nhân các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Thân nhân các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Yonhap, The Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-gia-thuyet-ve-nguyen-nhan-gay-ra-vu-tai-nan-may-bay-tham-khoc-o-han-quoc-20241230191139815.htm