Những giá trị bất biến
Dù xã hội có thay đổi và giữa bộn bề cuộc sống, không ít giá trị sống mãi với thời gian, trong đó có ký ức, tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng về mái trường, thầy cô, tuổi học trò.
“Tôn sư trọng đạo”, “Lương sư hưng quốc” đã trở thành đạo lý từ ngàn đời nay, thể hiện vị trí quan trọng của người thầy, của sự học. Nền kinh tế thị trường dù tác động vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, thì thầy - trò vẫn luôn là mối quan hệ được trân trọng. Thầy cô, mái trường vẫn luôn gắn với quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời con người.
Bởi thế nên không bất ngờ khi cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” đã thu hút được sự quan tâm lớn của nhiều thành phần trong xã hội. Riêng năm nay - năm thứ 3 tổ chức – gần 80 nghìn bài dự thi trong một thời gian không dài phát động cho thấy nhà trường, thầy cô giáo luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người. Là một giám khảo của cuộc thi, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân cho biết bị cuốn theo những cảm xúc chứa chan tình yêu thương, thấm đẫm nỗi nhớ nhung, khắc khoải, hoài niệm… trên mỗi trang giấy, bài viết.
Những kỷ niệm được gửi đến đều mang tính giáo dục sâu sắc. Thông qua các tác phẩm dự thi, những điều tốt đẹp ở mỗi mái trường, thầy cô được ghi dấu ấn ở cả một giai đoạn, quá trình của ngành Giáo dục. Nó có ý nghĩa rất lớn để khẳng định những giá trị bất biến trong mỗi nhà trường, mỗi thầy cô, mà đâu đó trong bối cảnh hiện nay, đôi lúc còn bị buông lơi. Chắc chắn rằng, dư âm của cuộc thi và giá trị của các tác phẩm sẽ góp phần vun đắp tình cảm của các thế hệ học trò với thầy cô, mái trường, để những giá trị nhân văn sẽ lan tỏa rộng khắp.
Khi chủ đề về thầy cô, mái trường được quan tâm và có thể khơi lên nhiều xúc cảm đến vậy, điều đó cũng đặt ra vấn đề về trọng trách của mỗi nhà trường, người làm giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục nước ta đứng trước những yêu cầu mới, đội ngũ nhà giáo phải đảm đương sứ mệnh của giáo dục của nước nhà với những đòi hỏi cao về năng lực, phẩm chất và nhân cách.
Mỗi nhà giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo; phải có năng lực dạy học, cảm hóa, giúp người học hình thành và phát triển cảm xúc, thái độ, hành vi đúng đắn trong các mối tương tác đa dạng với con người, xã hội và tự nhiên. Nhà giáo không chỉ đóng vai trò định hướng, tư vấn hoạt động, mà quan trọng hơn là hình thành và phát triển nhân cách người học. Thông qua việc dạy học, giáo viên “nhân mầm” những phẩm chất tốt đẹp, tạo dựng cho người học thái độ và năng lục nghề nghiệp cần thiết, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Còn nhà trường không chỉ truyền dạy tri thức mà còn ươm mầm nhân cách; nuôi dưỡng tình cảm, mơ ước, để con người vươn tới những giá trị tốt đẹp.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến giáo dục. Mô hình trường học hạnh phúc được Bộ GD&ĐT phát động đã bắt đầu lan tỏa. Đội ngũ nhà giáo được chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các chế độ chính sách ngày càng được quan tâm, đặc biệt là vùng sâu, hải đảo, dân tộc thiểu số...
Nhưng, trước đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục, bên cạnh nỗ lực về chính sách, cố gắng nội tại của nhà trường, thầy cô giáo, rất cần sự đồng hành của toàn xã hội, mà trước hết là sự đồng cảm và thấu hiểu. Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” cũng là một sự đồng hành đầy ý nghĩa, giúp những người làm giáo dục thêm tự hào, tin yêu vào lựa chọn của mình và nhân thêm lên những giá trị nhân văn cao đẹp.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/nhung-gia-tri-bat-bien-pukXPrJGR.html