'Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki' - Êm như nỗi buồn

'Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki' (Nhà xuất bản Hà Nội và Nhã Nam ấn hành) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn trẻ Nhật Bản Yagisawa Satoshi (sinh năm 1977). Nhưng tác phẩm nhỏ nhắn, giản dị chỉ gần 200 trang này lại chứa đựng một cái nhìn sâu sắc, ấm áp về cuộc sống và hành trình sống ý nghĩa của đời người.

“Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” từng giành giải thưởng văn học Chiyoda (Giải thưởng của đặc khu Chiyoda thuộc thành phố Tokyo), và đã được dựng thành phim, công chiếu tháng 10/2010, vai chính do nữ diễn viên Kikuchi Akiko thể hiện.

Tác giả Yagisawa sinh năm 1977 tại tỉnh Chiba, tốt nghiệp Đại học Nihon, Khoa Nghệ thuật. Bối cảnh chính của “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” cũng là khu Kanda Jimbocho và quán cà-phê Kanda Brazil trên khu phố này mà tác giả thường lui tới.

Tác phẩm mang đến cảm xúc thú vị, nhẹ nhàng, càng về sau càng lắng đọng khi các nhân vật được kết nối, xâu chuỗi trên nền bối cảnh một hiệu sách cũ truyền đời ở Nhật Bản.

Đó là không khí một khu phố “như một chốn thám hiểm” với hơn 170 tiệm sách cũ, hàng cà phê, quán bar phong vị nước ngoài… Là những tên tuổi văn nhân xuất hiện như Akutagawa Ryunosuke, Natsume Soseki, Mori Ogai… và nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Nhật Bản có thể trở đi trở lại cùng nhân vật.

Sách như là người bạn

Các nhân vật trong cuốn sách theo nhiều cách đã gặp nhau ở hiệu sách cũ Morisaki và khu phố bình yên này.

Takako-cô gái trẻ trong sáng, mới đi làm đã vớ phải anh người yêu lừa dối. Sau một cuộc sắp đặt khéo léo của bà mẹ, Takako đồng ý chấm dứt nằm bẹp, xách ba-lô lên trông cửa hiệu sách cùng người cậu từng gắn bó thuở thiếu thời. Nhưng tuổi trẻ ai mà không một lần nhận ra như Takako: “Rằng mình vẫn chưa đặt được bất kỳ dấu chấm nào cho chuyện ấy. Tôi chỉ đang tạm gác nó sang một bên, chờ thời gian giúp xói mòn ký ức”.

Takako tiếp tục nằm bẹp cho đến khi tình cờ chạm vào thế giới sách của gia đình mà người cậu đang gìn giữ. Trong cuốn “Tâm cảnh” của Kajii Motojirou, Takako bắt gặp đoạn gạch chân “đồng cảm” của một người đọc, một thanh đánh dấu trang bằng cánh hoa khô… Và cô nhận ra: “Duyên hạnh ngộ vượt thời gian như thế chỉ nhờ có sách cũ ta mới được nếm trải”.

Các tuyến nhân vật khác cũng được tác giả xây dựng dí dỏm và có duyên, gắn liền với những cuốn sách và hiệu sách Morisaki khiến con phố thú vị này càng trở nên sinh động, ấm áp.

Người cậu Satoru của Takako từng khoác ba lô dọc ngang nhiều châu lục rồi cũng quay về nhận lại hiệu sách chỉ bởi: “Đối với người yêu sách mà nói không có nơi thứ hai tuyệt vời như khu phố này” và “Cậu chỉ muốn biết cuộc đời của chính bản thân mình, không phải của bất kỳ ai khác…”.

Momoko - người mà Satoru đã gặp trong một quầy sách cũ ở Paris, rồi lấy làm vợ cũng đã yêu hiệu sách Morisaki và trở thành linh hồn của hiệu sách ngay cả khi cô buộc phải rời đi trong những day dứt của riêng mình…

Suốt hành trình tìm lại bản thân, sách đánh thức trong tâm hồn Takako một mong muốn kết nối và tin tưởng vào con người, mà gần nhất là những người thân quanh cô, những người bạn trong khu phố.

Các tuyến nhân vật khác cũng được tác giả xây dựng dí dỏm và có duyên, gắn liền với những cuốn sách và hiệu sách Morisaki khiến con phố thú vị này càng trở nên sinh động, ấm áp.

“Chỉ cần có thể thành thật với trái tim”

Cuốn sách vẫn lưu dấu không khí xã hội và nét đặc trưng tâm hồn Nhật Bản. Đâu đó phảng phất sự chịu đựng, ẩn giấu những nỗi niềm và cái gồng mình cố tránh làm phiền người khác. Một ngôi chùa trên núi cao, kiến trúc nhuốm màu thời gian, chỏm núi bao phủ màu xanh ngút mắt… dường như luôn là nơi cất giấu những đau đáu đời người. Nhưng văn phong của một tác giả thế hệ 7X như Yagisawa Satoshi lại có những nét trẻ trung, tươi tắn, dí dỏm mà vẫn sâu lắng. Càng về cuối càng nhiều sức nặng.

Cô Momoko đột ngột rời bỏ hiệu sách cũ và cậu Satoru, rồi đột ngột trở về sau 5 năm đơn giản vì tấm lòng dành cho Satoru và hiệu sách cũ. Cuộc trở về cũng hé lộ một nỗi đau riêng mà nhờ đó Takako thêm thấu cảm với cuộc đời. Cậu Satoru dù bị người vợ bỏ lại vẫn lặng im chịu đựng và hướng về Momoko chỉ vì “đấy là người mà cậu yêu”…

Văn phong của một tác giả thế hệ 7X như Yagisawa Satoshi lại có những nét trẻ trung, tươi tắn, dí dỏm mà vẫn sâu lắng. Càng về cuối càng nhiều sức nặng.

Takako khi mạnh mẽ bước ra khỏi sự im lặng, cam chịu để đối diện với nỗi đau, đã có thể mở lòng kết giao với cuộc đời. Như cách mà cậu Satoru nói với cô: “Tình yêu là thứ tuyệt vời. Cháu đừng quên điều đó. Những ký ức khi cháu yêu một người tuyệt đối không được xóa khỏi trái tim. Chúng sẽ từ từ sưởi ấm cho cháu.”

Hay cậu chàng Wada ngồi mãi trong quán cà phê quen dù không bao giờ còn gặp lại bạn gái cũ, nhưng tấm lòng trọn vẹn đó vẫn dẫn anh đến với một cảm xúc tích cực…

Sự hoài nghi trong cuộc sống, điều ta tưởng về người khác có thể không như nó có vẻ là, âu cũng dễ hiểu. Nhưng mọi hồ nghi, băn khoăn, thất vọng nào rồi cũng trở về ở nơi có một tấm lòng trọn vẹn cùng nhau.

Các nhân vật của Yagisawa Satoshi là như vậy, giống như cách Takako ôm lấy cô Momoko ở một góc bồn tắm rộng lớn như ôm lấy nỗi buồn từng mênh mang suốt cả cõi người…

(Ảnh: Nhã Nam)

(Ảnh: Nhã Nam)

“Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” mang những nỗi buồn, giúp chạm tới nhau trong sự thấu hiểu và chia sẻ. Như nhân vật Satoru nói với cô cháu gái: “Không đơn giản là chuyện ở đâu, mà là chuyện của con tim. Dù ở đâu hay với ai, chỉ cần có thể thành thật với trái tim thì đó sẽ là nơi dành cho mình.”

Ngòi bút của nhà văn trẻ vẻ như lãng đãng, nhẹ nhàng, trong trẻo mà lại từng chút một lôi kéo người đọc vào những bí ẩn của tâm hồn con người-nơi không ai chắc mình nắm bắt đo đếm hết được.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-giac-mo-o-hieu-sach-morisaki-em-nhu-noi-buon-post765884.html