Những giám đốc nông dân
Nhờ có sự đột phá trong tư duy, cách làm mà giá trị mang lại trên một đơn vị canh tác được nâng lên, nông sản địa phương được nâng tầm, có chỗ đứng trên thị trường. Những người chèo lái doanh nghiệp, HTX đã nỗ lực không ngừng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.
Cơ duyên
Anh Trần Quốc Văn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Trà, Phó Giám đốc Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm (Yên Sơn) đã có gần 30 năm gắn bó với cây chè. Năm 1994, tốt nghiệp ngành Kỹ sư quản lý kinh tế nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) anh Văn về công tác tại Xí nghiệp Nông công nghiệp Chè tháng 10, nay là Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. Tại đây anh đã làm việc và trải qua nhiều vị trí từ đội phó, đội trưởng đội sản xuất đến phụ trách phòng kế toán rồi làm Phó Giám đốc công ty. Quãng thời gian là kỹ sư nông nghiệp phụ trách các đội sản xuất không chỉ giúp anh Văn gắn bó hơn với đất và người làm chè, mà còn gợi mở trong anh ý tưởng về việc xây dựng vùng chè an toàn, sản xuất trà túi lọc.
Chị Bàn Thị Liên (bên phải), Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm giới thiệu sản phẩm
chế biến từ thảo dược tới người tiêu dùng tại TP Tuyên Quang.
Nhấp ngụm trà trên môi, anh Văn bảo, cuộc sống bận rộn, không phải ai thích uống trà cũng có thời gian ngồi tráng ấm pha trà rồi đợi trà ngấm để thưởng thức. Để tiết kiệm thời gian, họ hay dùng các loại trà Dilmah, Lipton túi lọc. Anh nghĩ, vậy tại sao lại không làm trà xanh theo dạng trà túi lọc? Ý tưởng của anh được đề xuất với công ty nhưng do chiến lược kinh doanh của công ty đang tập trung phát triển sản phẩm chè khô xuất khẩu sang thị trường các nước Anh, Nga, Ba Lan, Ai Cập, Pakistan, Indonesia... nên không đầu tư làm sản phẩm này. Vì vậy, năm 2015, anh thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Trà và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên để bắt tay vào sản xuất trà túi lọc.
Để có sản phẩm được thị trường chấp nhận như ngày nay, anh cũng phải bỏ đi không ít sản phẩm trà chưa ưng ý. Đến nay các sản phẩm “Hương trà xứ Tuyên” của Công ty như: Trà xanh túi lọc hoa nhài, trà thảo dược xạ đen và nhiều sản phẩm chè khô cao cấp đóng gói, hộp làm quà tặng… được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm của công ty được tiêu thụ ở nhiều cửa hàng, siêu thị trong cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội. Doanh thu của công ty tăng dần qua các năm, năm 2019 đạt 2 tỷ đồng.
Còn chị Bàn Thị Liên, dân tộc Dao, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm (TP Tuyên Quang) có gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng nay chị Liên đã chọn hướng đi hoàn toàn mới: Sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thảo dược. Kể về cái duyên đến với nghề, chị Liên bảo, chị sinh ra trong một gia đình làm nghề bốc thuốc gia truyền của người Dao ở Trung Sơn (Yên Sơn). Từ nhỏ chị đã theo cha vào rừng tìm cây thuốc nên chị hiểu rất rõ giá trị của các loại thảo mộc, dược liệu ở rừng núi của đồng bào mình. Lớn lên vì cuộc sống mưu sinh nên chị chọn hướng kinh doanh vật liệu xây dựng. Nay cha đã cao tuổi nhưng chưa có người kế nghiệp, sau 2 tháng suy nghĩ, tháng 9-2018 chị quyết định dừng lại công việc kinh doanh để nối nghiệp cha. Nhận thấy các bài thuốc gia truyền chủ yếu là sắc nước để uống không còn phù hợp, nên chị đã đầu tư vốn lên tới 3 tỷ đồng rồi dày công nghiên cứu, liên kết với các công ty dược để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm dạng cao, dạng viên nang đạt chuẩn GMP. Đến nay công ty đã cho ra những sản phẩm đặc trị các bệnh xương khớp, dạ dày và các sản phẩm tinh dầu, sản phẩm làm đẹp da, trị nám, trị mụn... Công ty tạo việc làm cho 9 nhân viên và trình dược viên phát triển sản phẩm ở các tỉnh và có Văn phòng bán và giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội...
Anh Trần Quốc Văn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Trà
kiểm tra sản phẩm trà túi lọc trước khi xuất bán.
Niềm tin năm mới
Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp, HTX. Tuy nhiên, với sự nhạy bén trong cách làm nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, HTX đã nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
HTX Dịch vụ Phong Lưu (Hàm Yên) thành lập năm 2008, hoạt động ban đầu chỉ gói gọn cung cấp các dịch vụ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân trên địa bàn xã Phù Lưu. Nhưng bằng sự năng động, linh hoạt của mình, anh Nông Văn Nghiệp, Giám đốc HTX cùng cộng sự đã đưa sản phẩm cam sành của những người trồng cam trên địa bàn có mặt trong các siêu thị lớn trong cả nước.
Anh Nghiệp chia sẻ, để đưa cam vào siêu thị là chuyện không hề đơn giản bởi chất lượng được kiểm định rất nghiêm ngặt. Vì vậy, anh vận động các thành viên HTX tập trung sản xuất cam VietGAP để từng bước chiếm lĩnh thị trường. Anh hoàn thiện đủ các giấy tờ, nhờ đó năm 2011, sản phẩm cam sành Hàm Yên do HTX chào hàng được siêu thị BigC tiêu thụ 1 tấn quả đầu tiên. Các năm sau anh tìm đến các siêu thị lớn khác như Co.opMart, Metro, Lotte và FiviMax chào hàng và được chấp nhận. Riêng năm 2019, HTX đã cung cấp 250 tấn cam vào siêu thị và hơn 300 tấn cam ở các chợ đầu mối trong cả nước. Ngay từ đầu tháng 11-2020, HTX đã xuất bán 20 tấn vào siêu thị. Năm 2020, dự kiến sản lượng tiêu thụ tăng hơn năm ngoái, 300 tấn vào siêu thị, 400 tấn bán ở các chợ đầu mối.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Ngân Sơn Trung Long
kiểm tra chất lượng chè trước khi thu hoạch.
Trong nhiều năm buôn bán chè đến các tỉnh, anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) luôn trăn trở, tìm tòi những ý tưởng về sản xuất, kinh doanh để cây chè quê mình ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Năm 2018, anh đã vận động các thành viên sản xuất chè hữu cơ quy mô 3 ha. Sản phẩm chè hữu cơ được thị trường đón nhận và chinh phục được những khách hàng khó tính nhất, giá bán từ 800 - 900 nghìn đồng/kg, loại đặc biệt 1 tôm, 1 lá là 1,5 triệu đồng/kg. HTX Ngân Sơn Trung Long hiện nay bao tiêu sản phẩm chè cho 8 thành viên và liên kết bao tiêu cho 32 hộ trồng chè khác, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Dù sản phẩm chè hữu cơ của HTX được “sinh sau đẻ muộn”, song những người tâm huyết với cây chè nơi đây như anh Thắng vẫn đang ngày đêm miệt mài nâng bước cho chè Trung Long tỏa hương bay xa, để chè xanh Trung Long trở thành món quà sức khỏe cho mọi người.
Bằng sự nhiệt huyết, những giám đốc “làm bạn với nhà nông” đã góp phần nâng tầm sản phẩm nông sản địa phương, mang lại giá trị cho người dân.