Những giọt nước mắt của người dân Quảng Ngãi sau 'cuồng phong' số 9

Trở về nhà một ngày sau khi cơn bão số 9 đi qua, hàng nghìn người dân ở nhiều làng quê nghèo ven biển Quảng Ngãi không thể tin vào mắt mình. Những ngôi làng, ngôi nhà yên bình của họ giờ đây tan hoang, đổ nát như một bãi chiến trường. Họ dường như đã quá mệt mỏi, hoảng loạn và đau đớn trước những mất mát khi bão vừa đi qua...

Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ảnh: Nguyễn Ngọc

Một ngày sau khi cơn bão lịch sử Molave quét qua, chúng tôi đã có mặt tại vùng thiệt hại nặng nhất của huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát ở nơi mảnh đất đầu sóng ngọn gió có thể nhận thấy rõ mức độ tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 9.

Nhiều hộ dân sau khi đi tránh bão trở về thì nhà chỉ còn là “vườn không nhà trống”. Nhà cửa đổ sập. Cây cối gãy ngã nằm ngổn ngang. Tôn, ngói lợp, hàng rào bị gió bão quật đổ, đánh bay theo gió. Hàng chục người dân mếu máo, vừa khóc vừa dọn dẹp. Nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay sau bao nhiêu năm tích góp, gây dựng.

 Một cảnh tượng tan hoang, đổ nát ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi sau cơn bão số 9. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Một cảnh tượng tan hoang, đổ nát ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi sau cơn bão số 9. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Nhặt những vật dụng còn sót lại trong đống đổ nát, chị Trần Thị Thúy Tưởng (trú thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) cho hay, sống cả mấy mươi năm rồi, chị mới chứng kiến một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp đến như vậy. Cũng chưa bao giờ thấy nhiều người dân phải sơ tán khỏi nơi ở để đi tránh bão như thế.

“Hơn 4 chiều 28/10 sau khi bão tan, tôi cùng chồng quá sốt ruột nên vội chạy về nhà. Lúc này, gió vẫn còn gào rú, trời vẫn mù mịt. Từ xa, tôi đau đớn khi nhìn ngôi nhà, đồ đạc, mọi thứ đều đã bị thổi phăng đi tất cả. Tôi chỉ còn biết gào khóc…”, chị Tưởng mếu máo kể. Căn nhà vợ chồng chị Tưởng nay đã trống huơ trống hoác chỉ còn lại bốn bức tường. Ngày mai đây vợ chồng, con cái sẽ lấy gì ăn qua ngày?

Cách nhà chị Tưởng không xa là nhà của Bà Phạm Thị Mây. Đứng thẫn thờ bên đống đổ nát, dường như người đàn bà này không còn chút sức lực. Thở những hơi mệt nhọc, bà nghẹn ngào: “Đi biển bao nhiêu năm tôi cùng chồng dành dụm, chắt chiu từng đồng mới xây được căn nhà này vậy mà giờ tan nát hết cả rồi…”, bà Mây nói trong nước mắt.

Bà Mây kể lại, vào sáng 27/10, bà cùng với hàng trăm hộ dân địa phương được di dời lên Khu nghỉ dưỡng Công an huyện Bình Sơn để tránh bão. Suốt đêm ở điểm sơ tán, bà không thể nào chợp mắt được. Khoảng 9-10 giờ tối cùng ngày, những đợt gió bắt đầu gầm rú, nhìn ra khe cửa sổ thấy cây cối nghiêng ngả va vào nhau liên hồi, bà sợ hãi khi nghĩ đến căn nhà không có ai trông coi. Đến hơn 3 giờ sáng (28/10) gió cứ mạnh lên dần, những mái tôn va vào nhau phát ra những âm thanh ghê rợn, ngồi mà cứ lo căn nhà bị sập, không có chỗ để trú sau bão....

“Khi đi thì nhà cửa kiên cố, khi về chỉ còn lại bốn bức tường và đống đổ nát, hoang tàn. Tôi sống ở đây đã hơn 30 năm nhưng chưa bao giờ có một cơn bão mạnh với sức tàn phá khủng khiếp như vậy. Đồ đạc, tài sản cũng bị thổi bay theo gió, đời tôi không còn cái gì nữa cả, nhà cửa tan hoang hết rồi…”, giọng bà Mây bật khóc.

 Nhà bị bão đánh bay mái, mọi vật dụng trong nhà bị hư hỏng khiến chị Trần Thị Thúy Tưởng ở xã Bình Hải không biết xoay xở ra sao trong những ngày sau bão. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Nhà bị bão đánh bay mái, mọi vật dụng trong nhà bị hư hỏng khiến chị Trần Thị Thúy Tưởng ở xã Bình Hải không biết xoay xở ra sao trong những ngày sau bão. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Sau rất nhiều năm, người dân Quảng Ngãi mới trải qua một cơn bão mạnh đến như vậy, đi đến đâu cũng thấy cảnh đổ nát, xác xơ. Bao nhiêu cơn nhà tốc mái, ngói vỡ vương vãi khắp nơi. Người dân Quảng Ngãi hay đùa, bão lũ đang trở thành 'đặc sản' của địa phương. Nhưng chắc rằng, chưa mấy ai trong đời chứng kiến cơn cuồng phong có sức công phá khủng khiếp đến như vậy.

Sau hơn 6 tiếng đi vào đất liền, bão số 9 vẫn quần thảo trên bầu trời Quảng Ngãi, gió cứ vẫn gầm rú. Những hạt mưa chưa kịp rơi xuống đất đã bị cuồng phong xé tan thành hơi nước. Bầu trời ngập trong một màu sẩm đen, không còn nghe thấy gì ngoài tiếng gió gào thét và tiếng mái tôn đập liên hồi, oằn mình rồi tung bay như những miếng giấy mỏng.

 Bà Phạm Thị Mây khóc nghẹn bên căn nhà cấp 4 sau cơn bão số 9 càn quét qua. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Bà Phạm Thị Mây khóc nghẹn bên căn nhà cấp 4 sau cơn bão số 9 càn quét qua. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Nằm ở khúc ruột miền Trung, người dân Quảng Ngãi quanh năm vốn đã quen với gió bão, lũ lụt nhưng đối với người dân bị thiệt hại, mất mát lần này là quá lớn…Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên những khuôn mặt hốc hác của người dân “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”. Biết bao giờ người dân ở vùng đất này mới cóa thể ổn định lại cuộc sống như thường ngày?

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 165 nhà dân bị sập, 84.499 nhà tốc mái, hư hỏng, 1 trụ BTS ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị ngã đổ, gần 300 trụ sở cơ quan tốc mái, hư hỏng, 151 điểm trường học bị tốc mái, hư hỏng. Về nông nghiệp, hơn 477ha rừng bị thiệt hại, 6.0000 cây xanh ở TP Quảng Ngãi bị ngã đổ, 8 ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh (huyện Lý Sơn) bị đứt neo, sóng đánh chìm, cá nuôi trong 48 lồng bè bị chết,…

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường giao thông bị tắc nghẽn do sạt lở, cây cối ngã đổ. Bão và mưa lớn đã khiến hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Hiện các địa phương đang tập trung khắc phục các điểm trường hư hỏng, cơ sở y tế và đường giao thông, sớm ổn định đời sống cho người dân.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-giot-nuoc-mat-cua-nguoi-dan-quang-ngai-sau-cuong-phong-so-9-1742732.tpo