Những 'giọt yêu thương' lắng chảy về nguồn

Kể ra, nhà anh phải gọi là đông người: cha mẹ, bốn cô con gái và hai cậu con trai. Rồi như lẽ thường tình, nhà đã đông lại thêm đông, nối tiếp thế hệ con cháu. Cặp đôi đầu và thứ tư yên bề gia thất ngay 'làng trên xóm dưới', sát bên đến độ 'có bát canh cần nó cũng mang cho'. Cặp thứ hai dắt nhau lập nghiệp tận miền đất đỏ bazan Tây Nguyên. Cặp thứ năm kinh doanh ở miền Tây Nam bộ. Chị thứ ba dấn thân vào con đường ơn gọi trở thành nữ tu phục vụ Giáo hội. Còn cậu út, là anh.

Nhà đông người là thế, nhưng mỗi người/gia đình mỗi phương trời sinh sống, lập nghiệp. Chỉ có cha mẹ vẫn cần nhẫn dưới mái nhà nguyên quán cho con cháu có nơi để trở về và… ngóng đợi chúng về.

Kể ra, trong nhà, anh là đứa con đi “xa nhất”, cả trên con đường học vấn lẫn đường đời. Từ Bắc chí Nam, nơi những thành phố lớn hầu anh đều có trải nghiệm riêng, dốc tâm sức làm việc, rồi anh thử sức mình nơi xứ người - ở tận Úc châu xa xôi, rộng lớn. Tới được nơi ấy, người ta bảo anh cố gắng mà kiếm thẻ xanh. Anh biết thẻ xanh ở đâu chứ! Chỉ là anh sẽ phải đeo đuổi trên con đường leo lên đỉnh để lấy tấm thẻ thường trú nhân (Permanent Resident - PR) vốn không dễ dàng gì bởi sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, song cũng không phải không có cách.

Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể bảo lãnh nhân viên, nếu họ chứng minh với Bộ Di trú Úc rằng, họ cần chiêu mộ nhân viên ưu tú này hết sức cấp thiết, do nhu cầu tại bản xứ không thể đáp ứng nguyện vọng họ đang tìm kiếm. Trí lực của anh là điều đã xác tín, còn “ý người” sắp đặt mới là điều kiện tiên quyết để anh được ở lại hay không. Đó cũng là một ví dụ về duyên phận nơi xứ người.

Anh có bạn đồng hành người Úc, nếu hai người tiến tới hôn nhân thì đó sẽ là cách nhanh nhất để anh được ở lại xứ người và bên người. Ngẫm tới, nếu kết hôn thì cả hai sẽ thành bạn đời, cùng chí hướng để gầy dựng cuộc đời chung. Chuyện sẽ êm đềm không có gì đáng kể, cho đến một lần. Bạn hỏi anh về kế hoạch chi tiêu trong tuần (vì họ được trả lương theo tuần). Trong những khoản chi trả thiết yếu, anh vô tư kể về một khoản anh dành ra để chu cấp cho cha mẹ. Ngay lập tức, bạn hỏi, tại sao anh phải làm vậy? Anh sững người. Khoảng lặng giữa hai người khi ấy khiến anh suy tư mãi.

Có lẽ, bạn chưa từng (đến tuổi) làm việc đó, nên bạn tỏ vẻ ngạc nhiên thay. Cũng có thể đó là một sự khác biệt về văn hóa. Nếu sống đâu - biết đấy! Ở Úc, một khi người ta có công ăn việc làm ổn định sẽ đóng thuế, quỹ lương hưu đầy đủ minh bạch thì đảm bảo họ sẽ được hưởng an sinh xã hội đầy đủ, lãnh lương hưu đủ tiêu xài. Nên bạn đâu hay biết ở nơi anh chào đời có thể có một thực tế những cha mẹ không có điều kiện hay nền tảng sống tương đương. Cũng đâu biết nhiều người trong số đó dành cả đời làm lụng vất vả để nuôi nấng con cái nên người nên nghiệp, rồi già đi bên nếp nhà giản dị, sống chịu thương chịu khó chỉ để chờ dịp chúng trở về!

Và anh đã quyết định, khi nào visa hết hạn, anh sẽ về nước “về vườn” sớm. Một khi xu hướng đã có những công dân toàn cầu thì cũng không thiếu những cơ hội việc làm toàn cầu, không giới hạn không gian hay thời gian. Và anh sẽ trở thành một trong số đó.

Trong dịp họp gia đình online, cả nhà khuyên anh, hãy lập gia - làm nhà, đừng chần chừ chi nữa. Không thể chấp niệm đợi đủ ngân sách mới thực thi, khởi công để có động lực mà phấn đấu. Nhà luôn có cha mẹ, người thân “sờ sờ” cả đây, đâu ai nỡ ngó lơ hay để cậu út một mình làm “chuyện đời người”.

Anh quyết tâm xây nhà. Mảnh đất cha mẹ chia đôi, phần cho người anh để đó, phần cho người em tính chuyện an cư. Bao kỹ năng làm việc với khách hàng/đối tác, anh vận dụng vào công cuộc xây nhà online. Từ duyệt bản thiết kế đến theo sát các đối tác cung ứng vật liệu, xây dựng, thi công… anh đều thương thảo với họ từ xa - đôi bên cùng thực thi với niềm tin “đúng người - đúng việc”. May thay, anh còn có cha mẹ trực tiếp xác nhận các đơn hàng, trông nom đội thợ; có anh chị tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình kiểu “alô là có”; cậu út vừa mừng vừa lo cho công trình cuộc đời, cho tới khi thành toàn. Ngôi nhà đủ rộng, đủ tiện nghi để vừa sống và làm việc, vừa để sum họp, bởi nhà này được thiết kế nối chung sân với nhà xưa của cha mẹ, nhất là những dịp lễ Tết.

Kể nghe, nhà anh còn có kế hoạch “trả góp Tết”. Ngay sau khi đón Tết năm này, cả nhà bắt đầu “trả góp Tết” - mỗi tháng mỗi người/gia đình trích ra một khoản quy định gửi tới thủ quỹ - người sẽ lo liệu chi tiêu trong dịp đại gia đình đoàn viên vào Tết năm tới. Mỗi món tiền tiêu đều có mục đích sử dụng phù hợp với từng đối tượng người lớn hay con trẻ. Trộm nghĩ, nếu ý tưởng “trả góp Tết” được thực hiện thành TVC(1) thì chắc sẽ lan truyền một kế hoạch vừa thực tế vừa mang đến nguồn động lực thiết thực để mỗi người con xa xứ “đi để trở về” trong an vui ấm yên. Chắc chỉ có Tết mới có sức vẫy gọi người ta ôm hết hành trang ta có để trở về.

*

* *

Trong cuộc đời người trưởng thành, có bao lần ta lên đường vì nghĩa lớn ấp ủ trong lòng. Ta có thể nắm trong tay cả dòng tiền nỗ lực kiến tạo, từng vất vả một chút hay nhiều chút cũng để cuộc sống có những thay đổi tốt hơn. Dẫu có bôn ba khắp trời năm châu, con người ta cũng chỉ mong điều giản dị.

Như một sớm mai, ta thức dậy trên mảnh đất quê nhà thân thuộc đến từng ngóc ngách, sau những tháng năm miên viễn thiên di dưới bầu trời tha phương. Thứ cảm giác được trở về miền thương tưởng bấy lâu, được nhìn ngẫm với cả tâm hồn, tấm lòng là những xúc chạm khó tả. Những khoảnh khắc giản dị, trong lành mà ta phải đánh đổi, dành dụm hàng năm trời mới có.

Như một chiều cuối năm ta được ngồi dưới hiên nhà mình, ta đã qua bao chốn xa mà vẫn nhất dạ quay về khi còn có thể, gác lại hết những lo toan đời thường quá đỗi con người. Có lẽ đó là buổi chiều bình yên, an lòng nhất trong những buổi chiều, vì nhiệm vụ cuộc đời trong năm cũng khép lại, mở ra những khởi nguyện cho tương lai.

Tết vốn là cuộc trùng phùng ý nghĩa trong đời người. Đó cũng là dịp để ta sẻ chia những yêu thương ta có trong đời. Bởi đâu ta có? Bởi duy nhất trên đời này, chỉ cha mẹ ta mới có “mỗi đứa một phương/bao nhiêu giọt yêu thương đã chia hết rồi”(2), nên hãy để Tết là dịp đoàn viên và cũng là dịp để những “giọt yêu thương” lắng chảy về nguồn.

(1) TVC (Television Commercial): quảng cáo trên truyền hình

(2) Lời trong bát hát “Lời ru cho con” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương

Trần Duy Thành

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-giot-yeu-thuong-lang-chay-ve-nguon/