Những gương mặt vàng của thể thao
Trong những năm gần đây, thể thao thành tích cao của Tuyên Quang đã gặt hái được nhiều thành tích cao. Những thành tích này không chỉ thể hiện sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần của tỉnh, mà còn là cả quá trình khổ công luyện tập và phấn đấu không mệt mỏi của các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) ở mỗi bộ môn, phấn đấu vươn đến những khoảnh khắc 'vàng'. Trong đó, nhiều VĐV đã khẳng định mình trong các giải đấu lớn như: Trịnh Hồng Phương, Khổng Duy Khánh, Lý Thị Na, Hoàng Mạnh Lượng, Phạm Việt Hưng, Nguyễn Xuân Đại, Ma Thu Hà…
Hoàng Mạnh Lượng - đô vật xứ Tuyên
Cơ duyên đưa Lượng đến với bộ môn vật rất tình cờ. Trong một lần cán bộ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh xuống tuyển sinh tại trường phát hiện em có năng khiếu với môn vật. Nhưng năm đó gia đình em không đồng ý cho em đi vì thấy em còn trẻ, sợ không theo tập luyện tại Trung tâm được. Thấy vậy các thầy của Trung tâm đã đến nhà vận động gia đình để xin cho em theo học lớp vật tại Trung tâm. Bước ngoặt ấy đã tạo nên đô vật Hoàng Mạnh Lượng dẻo dai, khéo léo nhưng cũng đầy sức mạnh như hiện nay.
Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực tập luyện cộng với năng khiếu của bản thân, nên chỉ sau vài tháng tập luyện tại Trung tâm, Lượng đã giành giải cao ngay trong lần đầu tham gia Giải vô địch các lứa tuổi vật cổ điển, vật tự do được tổ chức (năm 2022), em đã giành được Huy chương Bạc. Nối tiếp thành công, năm 2023 VĐV Lượng đã "bội thu" huy chương như: Tại Giải vật tự do cúp 15/5 dành cho thanh thiếu niên Lượng đã giành được 1 tấm Huy chương Vàng; tại Giải vô địch trẻ Jujitsu quốc gia Lượng tiếp tục mang về tấm Huy chương Vàng, 1 tấm Huy chương Bạc. Tại Giải vô địch trẻ và thiếu niên vật dân tộc toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 10 vừa qua em đã xuất sắc vượt qua 15 VĐV để mang về tấm Huy chương Vàng.
VĐV Lượng chia sẻ, những thành tích, thành công của bản thân phải do chính mình nỗ lực để có được. Bởi vậy, em luôn nhắc nhở mình, không được ỷ lại và "ngủ quên" trên chiến thắng, hơn nữa con đường phía trước mà em phải đi vẫn còn rất dài, nên em đang tiếp tục tập trung vào tập luyện, phấn đấu đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa tại các giải đấu trong nước. Đặc biệt em sẽ nỗ lực, phấn đấu để được tham gia thi đấu ở các giải đấu quốc tế.
Chàng trai trẻ Pencak Silat Khổng Duy Khánh
Sinh ra và lớn lên tại xã Chân Sơn (Yên Sơn), VĐV Khổng Duy Khánh, dân tộc Cao Lan là một trong những gương mặt trẻ xuất sắc của đội tuyển Pencak Silat Tuyên Quang. Tham gia luyện tập dưới sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của HLV Đặng Quốc Tuấn từ năm 2016, Duy Khánh đã nhanh chóng thể hiện được tố chất của một VĐV giỏi. Điều đó được thể hiện ở ngay lần đầu tiên Khánh tham gia Giải vô địch trẻ Pencak Silat toàn quốc, chỉ sau 4 tháng tập luyện tại trung tâm em đã mang về tấm Huy chương Đồng.
Tuy tấm huy chương không được như mong muốn nhưng đây cũng là động lực để em tiếp tục phấn đấu ở những giải sau. Đến nay sau 7 năm rèn luyện tâm lý thi đấu và phát triển toàn diện các kỹ năng phòng ngự, phản công, các miếng đòn gây bất ngờ cho đối thủ để giành được điểm tối đa... em đã mang về cho thể thao tỉnh nhà 7 huy chương các loại - VĐV Khánh chia sẻ.
Ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, HLV Trưởng bộ môn Pencak Silat cho biết: "Những kết quả mà VĐV Khánh đạt được mới chỉ là bước đệm cho những thành công sau này bởi chúng tôi đang tập trung đào tạo, huấn luyện để Khánh có thể giữ vững vị thế của mình hiện tại và hướng tới là VĐV triển vọng của đội tuyển quốc gia. Ở độ tuổi của Khánh như hiện nay đang là thời kỳ "vàng" cho quá trình phát triển. Chính vì vậy, ban huấn luyện thường xuyên bố trí đưa Khánh đi thi đấu, giao lưu cọ sát ở các giải đấu. Qua đó, giúp Khánh trưởng thành và vững vàng hơn về cả kỹ thuật, chuyên môn cũng như tâm lý thi đấu để tiếp tục viết tiếp những trang sử mới cho thể thao xứ Tuyên trong tương lai.
"Tay chèo vàng" Lý Thị Na
Sinh năm 2003, tại xã Trung Yên (Sơn Dương), VĐV Lý Thị Na, đội tuyển đua thuyền của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao đang nổi lên là "tay chèo vàng" của đội tuyển đua thuyền Tuyên Quang và đang trong tầm ngắm của các huấn luyện viên đội tuyển quốc gia.
Quyết định gắn bó với đội tuyển đua thuyền không phải là lựa chọn đầu tiên của Na, mà là môn điền kinh. VĐV Na cho biết: Thời gian đầu ở nhà em thường tập luyện môn điền kinh, em tập luyện môn này được gần 1 năm. Đến giữa năm 2018, thấy có các thầy HLV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh về trường tuyển chọn VĐV môn đua thuyền Rowing và Canoeing nên em đã đến đăng ký ứng tuyển và đã "lọt" vào tầm ngắm của các HLV. Sau khi kiểm tra chiều cao, cân nặng và một số động tác em đã được gọi vào đội tuyển năng khiếu môn đua thuyền của tỉnh.
Chuyển sang luyện tập ở đội tuyển năng khiếu, VĐV Na đã nhanh chóng thể hiện được tố chất của một VĐV đua thuyền, đặc biệt là khi nhận được sự hướng dẫn tận tình của HLV Lâm Văn Hưng.
Chia sẻ về thành tích đạt được, VĐV Lý Thị Na bộc bạch: "Không có thành công nào tự nhiên mà có, cái gì cũng phải cố gắng, nỗ lực và phấn đấu. Em đến với môn đua thuyền như một cái duyên, mới đầu em cũng không hiểu gì về đua thuyền, nhưng khi đã theo đuổi, em luôn quyết tâm tìm hiểu, tập luyện, vượt qua khó khăn để nâng cao thể lực, hoàn thành tốt các bài tập mà huấn luyện viên thử thách, để có được cơ hội tham gia vào các giải đấu lớn". Cũng theo Na, để có được thành tích cao trong các giải đấu như vậy là nhờ một phần ở yếu tố khách quan như: Thuyền, chèo, thời tiết, song quan trọng nhất phải có thể lực và rèn luyện chuyên môn.
Với những cố gắng và quyết tâm của bản thân, đến nay sau hơn 5 năm gắn bó với môn đua thuyền, cô gái trẻ Lý Thị Na đã mang về 18 tấm huy chương các loại cho môn đua thuyền tỉnh nhà, trong đó có 8 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng.
Hy vọng rằng, với sự tập luyện kiên trì cùng sự cổ vũ, động viên của gia đình, nhà trường, sự hỗ trợ kịp thời của các HLV, các VĐV thể thao của tỉnh sẽ góp thêm những tấm huy chương quý giá. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế của thể thao xứ Tuyên trong các giải đấu trong nước và quốc tế.