Những gương sáng vươn lên từ nỗi đau da cam
Sau khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh dù bị nhiễm chất độc hóa học nhưng vẫn nỗ lực vươn lên, hăng hái tham gia phát triển kinh tế, trở thành những tấm gương lao động sản xuất, góp phần tích cực xây dựng và phát triển quê hương.
Ông Nguyễn Bách Chiến chăm sóc cây ăn quả.
Ông Nguyễn Bách Chiến ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn là một trong những gương điển hình như vậy. Sinh năm 1954, khi vừa tròn 18 tuổi ông Chiến xung phong nhập ngũ, được phân làm nhiệm vụ hậu cần, áp tải nhu yếu phẩm vào chiến trường miền Nam. Năm 1980, ông phục viên và về công tác tại Lâm trường Ngân Sơn. Sau khi lập gia đình, ông bắt tay vào xây dựng đời sống mà không biết rằng mình đã bị nhiễm chất độc hóa học. Năm 1982, anh con trai đầu ra đời không được lành lặn như bao đứa trẻ khác. Vợ chồng ông ôm con đi khám và đau xót khi biết tin con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Từ đó, hai vợ chồng thay nhau chăm sóc, tắm rửa, bón con từng thìa cơm, chén nước... Kinh tế gia đình cũng vì thế mà thêm nặng gánh. Không vì thế chán nản, buông xuôi, ông nỗ lực xoay sở, tìm hướng đi mới để ổn định gia đình. Năm 2008, nhận thấy nhu cầu của người dân ngày càng cao, ông mạnh dạn đầu tư vốn mở quán kinh doanh dịch vụ giải trí. Theo thời gian, mô hình kinh doanh của gia đình ông ngày càng phát triển. Không dừng lại ở đó, ông còn trồng thêm 2ha rừng, nhiều cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà để tăng thêm thu nhập. Đến nay, gia đình ông đã có nhà ở kiên cố, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt...
Chia sẻ với chúng tôi, ông Chiến trăn trở: "Có được ngày hôm nay với gia đình tôi là một nỗ lực, cố gắng rất lớn. Ban đầu tôi cũng suy nghĩ, đắn đo nhưng cuộc sống quá khó khăn, nếu mình không tìm hiểu và bắt tay vào làm thì sẽ khổ mãi. Đến nay, gánh nặng cơm áo không quá vất vả như trước kia nhưng tôi vẫn còn nhiều điều lo lắng về tương lai của các con"…
Ông Luân Tiến Dũng thành công với mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi.
Đến thăm gia đình ông Luân Tiến Dũng ở xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, chúng tôi không khỏi cảm phục tinh thần và nghị lực của người cựu chiến binh đã gần 70 tuổi. Xung phong đi bộ đội khi mới 19 tuổi, trải qua nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, làm đường Trường Sơn... ông Dũng xuất ngũ khi đã hơn 30 tuổi. Trở về quê hương, ông được người dân tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Pác Chang, xã Lục Bình. Với tinh thần trách nhiệm, ông gương mẫu tham gia các phong trào và vận động người dân chung tay xây dựng quê hương. Do gia đình đông con, chỉ làm ruộng không đủ ăn nên ông trăn trở phát triển kinh tế. Có sẵn diện tích đất đồi, ông đầu tư nuôi trâu vỗ béo, chủ động tìm hiểu cách thức chăn nuôi đúng kỹ thuật nên đàn trâu hơn 10 con phát triển tốt, cho thu nhập cao.
Cựu chiến binh Luân Tiến Dũng cho biết: Do ảnh hưởng từ chiến tranh nên sức khỏe tôi không tốt, mỗi khi trở trời đau nhức thường xuyên. May mắn là các con sinh ra đều khỏe mạnh và hiện nay đã ổn định cuộc sống. Trở về từ chiến trường, tôi thấy rằng được sống là một may mắn, chính vì vậy càng phải cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Đến năm 2018, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chăn nuôi ngày càng khó khăn. Không lùi bước, ông Dũng lại tiếp tục suy nghĩ tìm hướng đi mới bằng cách cải tạo đất, trồng cây ăn quả và đào ao nuôi cá. Đến nay, gia đình ông đã có 4.000m2 ao cá, hơn 7.000m2 đất trồng lúa nước, ngô, rau màu… trung bình cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.
“Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều nạn nhân da cam đã nỗ lực vươn lên, chiến thắng đói nghèo. Những hội viên tiêu biểu đó thực sự là tấm gương sáng để tuyên truyền, vận động các nạn nhân không may bị nhiễm chất độc da cam học tập và noi theo”, ông Thăng Văn Luận- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Bắc Kạn cho biết.
Anh dũng trong chiến đấu, mạnh mẽ trong thời bình, dù di chứng chất độc da cam đã và đang hành hạ cả thể xác, tinh thần, nhưng ý chí của những “Người lính Cụ Hồ” năm xưa vẫn vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống./.