Những 'hàng hóa' đặc biệt trên máy bay - Chuyện ít người biết
Với những người làm công tác vận chuyển hàng hóa trên máy bay, nhiều khi hàng hóa không phải là một đồ vật vô tri mà có rất nhiều câu chuyện trong đó.
Nhiều hàng hóa đặc biệt
Chị Trần Linh Giang là chuyên viên chính sách làm việc tại đội chính sách, Phòng Thương mại Hành khách, Chi nhánh Việt Nam của Vietnam Airlines.
Là một chuyên viên thương mại thuộc lĩnh vực vận chuyển hàng hóa quốc tế, tức là hàng hóa xuất khẩu bằng đường hàng không từ Việt Nam đi tới các sân bay quốc tế, từ các nước Châu Âu đến, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc…, chị Giang có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc chi nhánh Việt Nam và cả các đơn vị thuộc Tổng công ty như Ban hàng hóa… để tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận mảng khai thác hàng hóa. Đồng thời, phải duy trì chất lượng dịch vụ ổn định và không ngừng nỗ lực nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng - là các đại lý hàng hóa/ công ty giao nhận tại thị trường Việt Nam. Hằng ngày, chị dựa trên tình hình tải của các chuyến bay để chào bán, đánh giá nhận định tình hình thị trường để đề xuất các chính sách phù hợp với quản lý cấp trên nhằm lấp đầy tải chuyến bay một cách tối ưu nhất.
Bên cạnh các mặt hàng thông thường như hàng may mặc, giày dép, linh kiện điện tử, còn có những mặt hàng đặc biệt như: Hàng mau hỏng, hàng động vật sống, hàng quan tài/ tro cốt, hàng cứu trợ/ hàng nguy hiểm/ hàng nội tạng hiến tặng…
Trong đó, với hàng quan tài, điều quan trọng nhất là ưu tiên sắp xếp tải nhanh chóng, đảm bảo về thủ tục giấy tờ (giấy chứng tử/ thông tin người gửi người nhận…), không chất xếp chung hàng hóa khác với hàng quan tài… "Vận chuyển hàng quan tài nhiều nên cho mình trải nghiệm về ý nghĩa của sống - chết, sự vô thường và rằng cái chết thực ra rất gần và là một phần của cuộc sống chúng ta… Nên chúng ta phải trân trọng cuộc sống đang có của mình"- chị Giang chia sẻ…
Đằng sau những món quà đến với vùng bão lũ
Năm qua, Vietnam Airlines đã vận chuyển miễn phí khoảng 200 tấn hàng hóa cứu trợ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão Yagi. Mặc dù phụ trách lĩnh vực vận chuyển hàng hóa quốc tế, chị Giang được tăng cường tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ.
Để vận chuyển hàng cứu trợ được suôn sẻ, Vietnam Airlines đã tăng cường công tác truyền thông tới các đầu mối quan trọng: Bộ phận nhận công văn chủ trương , bộ phận hướng dẫn quy trình cho khách, bộ phận tiếp nhận hàng, lên chứng từ...
Thường người gửi hàng là những nhà hảo tâm không có kinh nghiệm làm thủ tục vận chuyển nên cần người hướng dẫn kĩ càng cụ thể, "cầm tay chỉ việc".
"Mình còn nhớ có những chị đưa mấy tấn hàng ra kho hàng mà chỉ có mỗi bác tài xế và chị ấy. Vậy nên các anh nhân viên thuộc Đội khai thác của Vietnam Airlines đã hỗ trợ bốc xếp hàng xuống, cân hàng và làm các thủ tục khác. Dù mồ hôi nhễ nhại sau khi bốc xếp hơn 3 tấn hàng nhưng các anh ấy đều hoan hỉ và khẩn trương, tất cả lúc ấy đều hướng về đồng bào Miền Bắc"- chị Giang chia sẻ.
Chị nhớ lại với những "hàng hóa" đặc biệt là hàng cứu trợ, tất cả mọi người trong đội lúc ấy luôn phục vụ với tinh thần hỗ trợ nhiệt tình nhất có thể, không quản ngày đêm để đảm bảo hàng đến tay người nhận nhanh nhất.
"Chúng tôi sẽ hướng dẫn khách địa điểm kho hàng, cho người đón nhận hàng,hỗ trợ bốc xếp xuống hàng, cân hàng, xuất không vận đơn… Điểm đặc biệt khi vận chuyển loại hàng này là cần phải hướng dẫn kĩ khách hàng vì họ không có kinh nghiệm gửi hàng nên không có kiến thức về hàng nguy hiểm cần khai báo, hoặc không nắm quy trình làm hàng"- chị Giang cho biết.
Chị kể có trường hợp một cô giáo đã về hưu gửi hàng ra Hà Giang cứu trợ. Cô ấy cũng bay ra Hà nội và muốn tự tay trao các phần quà cứu trợ ấy cho đồng bào. Cô đã thuê một người địa phương lái xe từ Hà Giang xuống Nội Bài để giúp cô nhận hàng. Anh tài xế thậm chí còn không rành giao thông Hà Nội nói chung và khu vực Nội Bài nói riêng. Ngoài ra, vấn đề là phải sắp xếp làm sao để chuyến bay của cô ấy và hàng hóa cứu trợ bay giờ hợp lý với nhau để tạo điều kiện cho cô và anh tài xế kia nhận hàng kịp thời.
"Vậy là hôm ấy team mình đã phải điều chỉnh hàng hóa để hàng bay ra chuyến sớm, đáp trước 2 tiếng so với cô giáo già hảo tâm, đồng thời phối hợp với các anh khai thác Nội Bài hỗ trợ người tài xế tối đa: Chỉ đường/ bốc xếp hàng xuống…. May quá, khi người đáp xuống thì cũng vừa lúc hàng hóa đã xong xuôi và sẵn sàng lên đường tới Hà Giang. Vì vậy, mình nghĩ cái khó nhất vẫn là khâu hướng dẫn khách hàng và phối hợp các bộ phận liên quan. Tuy nhiên, tinh thần tương thân tương ái lúc ấy rất cao nên mọi thứ diễn ra đều trôi chảy"- chị Giang kể.