Những 'hạt giống đỏ' nơi miền biên viễn nảy mầm xanh
Địa bàn các huyện miền núi, biên giới thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ bao gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế những năm qua đã có sự chuyển mình đi lên, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể. Đạt được kết quả đó, có không ít công sức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, việc ươm mầm 'hạt giống đỏ' trên miền biên viễn đã, đang mang lại những hiệu quả thiết thực.
Có mặt tại bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, Thanh Hóa; chiêm ngưỡng những mô hình chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp của bà con với hệ thống chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm; hệ thống ao nuôi cá cùng những khu rừng xanh tốt, ít ai nghĩ rằng một thời Piềng Tặt chìm trong đói nghèo. Theo Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Piềng Tặt, ông Vi Văn Yêu, có được sự đổi thay này là nhờ sự chung tay, hỗ trợ của các cấp các ngành, trong đó có một phần từ sự nêu gương, đi đầu của đảng viên Lò Văn Ún.
Trong câu chuyện với ông Vi Văn Yêu, cách đây 15 năm, thanh niên Lò Văn Ún được Đội sản xuất 3, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5 (Quân khu 4) giúp đỡ, bồi dưỡng trở thành đảng viên. Từ một thanh niên mới học hết lớp 9, cuộc sống gia đình vốn rất khó khăn nhưng nghe theo lời và từ sự giúp đỡ của bộ đội Đoàn 5, Lò Văn Ún không “tha hương” như các bạn cùng lứa mà anh luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và được kết nạp vào Đảng, rồi đảm nhiệm chức danh Phó bí thư Chi bộ, Trưởng bản Piềng Tặt. Để làm gương cho bà con noi theo, cùng với sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5, anh Ún đã khai hoang diện tích đào ao nuôi cá và nhận thêm đất rừng trồng rừng nguyên liệu; xây dựng mô hình gia trại nuôi gia súc, gia cầm.
Mô hình thành công nhiều hộ dân đến học tập và được anh Ún sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật thuật, hỗ trợ cây, con giống. Trên cương vị Phó bí thư Chi bộ, anh Ún còn tích cực bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ. Nhờ vậy, Chi bộ bản Piềng Tặt, năm 2013 có 7 đảng viên, nay đã có 22 đảng viên. Các đảng viên đều gương mẫu tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp bà con dần thay đổi nhận thức và có ý thức xây dựng quê hương.
Trong chuyến công tác trở lại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, nở nụ cười rạng rỡ, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, đồng chí Vi Hòe khi trò chuyện với chúng tôi không giấu được niềm vui khi mảnh đất đầy khó nhọc ngày nào giờ đây đã có nhiều đổi khác. Những vườn dược liệu, đồi chè Shan tuyết, dong riềng, ruộng lúa bạt ngàn là tiền đề vững chắc giúp bà con thoát khỏi đói nghèo, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thổi làn gió mới trong sự khởi sắc ấy là nỗ lực không ngừng nghỉ đến từ đội ngũ cán bộ, đảng viên đầy bản lĩnh, sáng tạo và tâm huyết. Họ được ví như những cánh chim đầu đàn, “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân của nơi rẻo cao Kỳ Sơn.
Trong số đó có đảng viên Xồng Bá Lẩu ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Năm 2016, thanh niên Xồng Bá Lẩu tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, khác với các thanh niên thường bám trụ ở các thành phố tìm việc làm, anh Lẩu trở về lập nghiệp tại quê nhà; tích cực tham gia các hoạt động và được kết nạp vào Đảng. Vốn được trang bị kiến thức về lĩnh vực nông lâm, chăn nuôi trồng trọt, cùng với sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 và Tổng đội Thanh niên xung phong 8, anh đã mạnh dạn nhận thêm đất rừng và cải tạo, vận động bà con trồng các loại cây dược liệu, dong riềng, chè Shan tuyết… Giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con và gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư xưởng chế biến sản phẩm chè Shan tuyết, dược liệu…
Trở lại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh lần này, chúng tôi được bà con kể về nhiều gương đảng viên mẫu mực đi đầu trong các hoạt động của địa phương. Đó là tấm gương bà Hồ Thị Nam, đảng viên người dân tộc Chứt đầu tiên ở bản Rào Tre. Không chỉ nêu gương đi đầu trong các phong trào, đảng viên Hồ Thị Nam còn giáo dục, định hướng cho hai người con đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hay như Trưởng bản Hồ Thị Kiên (sinh năm 1988) không chỉ là cán bộ đi đầu trong việc tuyên truyền nhân dân xóa bỏ các hủ tục như kết hôn cận huyết thống, nạn tảo hôn…, chị còn nhận thêm rừng trồng để nâng cao thu nhập. Ở bản Rào Tre còn có nhiều đảng viên trẻ tiêu biểu như đảng viên trẻ Hồ Thị Duyên (sinh năm 1995) là tấm gương chăn nuôi giỏi, luôn đi đầu trong trào của địa phương…
Chia tay bà con bản Rào Tre, chúng tôi đến với đồng bào Pa Cô, Vân Kiều thôn Chi Hòa, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế. Trong câu chuyện vui về sự “thay da đổi thịt” của vùng đất này, bà con nơi đây còn bày tỏ niềm tự hào về Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, anh Hồ Văn Mặc.
Với vai trò là Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, anh Hồ Văn Mặc đã đề xuất với Chi bộ phân công đảng viên giúp đỡ những hộ nghèo trong thôn phát triển trồng trọt, chăn nuôi bằng cách “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; hiến đất, đóng góp công sức xây dựng đường nội thôn; vận động thanh, thiếu niên không sa vào các tệ nạn xã hội…
Theo ghi nhận ở các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ, đa số các đảng viên người dân tộc thiểu số được kết nạp vào Đảng là người tại chỗ, trưởng thành từ các phong trào ở cơ sở nên sâu sát thực tế, gần gũi, gắn bó, hiểu rõ tâm tư của bà con… Bên cạnh nêu gương về đạo đức, lối sống, các đảng viên tại các địa phương còn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, trở thành điển hình tiêu biểu cho bà con học tập, làm theo… Chính từ sự nêu gương của các đảng viên nơi miền biên viễn đã trở thành đầu tàu để bà con noi theo xây dựng bản làng, quê hương ngày càng giàu mạnh.
Bài, ảnh: NGỌC THĂNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.