Những hạt nhân gắn kết cộng đồng: Bài cuối: Vì Đồng Nai phát triển thịnh vượng

Bài 1: Thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân

Bài 2: Chủ động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và làm đẹp quê hương

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện để đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số (DTTS) dấn thân, cống hiến cho sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.

Chị Huỳnh Thị Tuyền (thứ 6 từ phải qua) cùng người dân trong ấp tham gia Lễ hội Sayangva năm 2025. Ảnh:H.T

Chị Huỳnh Thị Tuyền (thứ 6 từ phải qua) cùng người dân trong ấp tham gia Lễ hội Sayangva năm 2025. Ảnh:H.T

Những chính sách này nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao từ phía người dân; đồng thời mang lại những tác động tích cực đối với cộng đồng.

Trao cơ hội cống hiến

Chị Nguyễn Hồng Nữ là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro ở xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc và là giáo viên môn Tiếng Anh của Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Xuân Thành). Trong công tác dạy học, chị Nữ luôn cố gắng phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể trong nhà trường để thực hiện tốt công việc được giao và thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, nội quy, quy chế nhà trường.

Chị Nữ tâm sự, trong trường có một số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong cuộc sống, sức học của các em cũng hạn chế hơn mặt bằng chung nên nguy cơ bỏ học giữa chừng rất lớn. Để giúp học sinh tự tin hơn, chị Hồng Nữ đã cùng với ban ấp đến từng gia đình trong cộng đồng để nắm bắt hoàn cảnh học sinh. Từ đó, chị động viên bà con nỗ lực vượt qua, đồng thời vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền, quà cho các hộ gia đình khó khăn.

Trong số 154 người có uy tín trong đồng bào DTTS có 143 trường hợp là nam và 11 nữ. Huyện Định Quán là địa phương có nhiều cá nhân được công nhận người có uy tín trong đồng bào DTTS nhất với 47 người.

Thời gian qua, chị Hồng Nữ đã phối hợp vận động mạnh thường quân tặng 479 phần quà trị giá trị trên 231 triệu đồng cho các hộ nghèo, gia đình khó khăn, học sinh nghèo vượt khó. Đồng thời, chị kết nối, vận động 10 gia đình tham gia dự án chăn nuôi bò giảm nghèo. Qua đó đem đến hy vọng thoát nghèo cho các hộ dân, giúp con của họ có điều kiện đến trường, tiếp thu những điều hay, lẽ phải để sau này có công việc làm ổn định, có tương lai tươi sáng hơn.

Cũng có mong muốn được cống hiến sức trẻ, kiến thức, kinh nghiệm của mình cho sự phát triển của địa phương, chị Huỳnh Thị Tuyền (dân tộc Chơro, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các đảng viên lão thành, các cấp lãnh đạo và sự đồng thuận cao của người dân mà nhiều năm qua, công việc lớn trong ấp đều diễn ra suôn sẻ. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị Tuyền thường xuyên tuyên truyền, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới bà con trong ấp, giải thích rõ, kỹ để bà con hiểu, tránh để xảy ra tình trạng
hiểu sai.

“Bản thân tôi luôn tự nhủ phải tuyên truyền đúng, làm đúng để làm gương thì bà con mới hiểu và làm theo. Nhờ đó, nhiều năm nay, ấp duy trì được Lễ hội Sayangva của đồng bào, xây dựng được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong đồng bào DTTS nói riêng và bà con trong ấp nói chung. Khi họp bàn để triển khai làm đường, thực hiện các tuyến đường xanh, sạch, đẹp, bà con đều rất ủng hộ” - chị Tuyền cho hay.

Với những thành tích đã đạt được, chị Tuyền đã nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của UBND huyện Vĩnh Cửu, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Vĩnh Cửu… Gần đây nhất, chị Tuyền được Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu khen thưởng vì đạt thành tích xuất sắc trong Phong trào Xây dựng xã Phú Lý đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nâng cao vai trò của chức sắc, chức việc tôn giáo và người có uy tín

Nhiệm kỳ 2024-2029, Đồng Nai có 6,3 ngàn người tham gia vai trò ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Trong số này, có 371 người DTTS, gần 1,32 ngàn người có đạo, còn lại là các chuyên gia, đội ngũ trí thức và đại diện các tổ chức hội, đoàn thể. Phần lớn đồng bào DTTS, đồng bào tôn giáo tham gia vai trò ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp là người có uy tín trong đồng bào DTTS, chức sắc, chức việc các tôn giáo. Năm 2025, toàn tỉnh có 154 cá nhân được người dân bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Theo Giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo Nguyễn Văn Khang, trong số những người có uy tín trong đồng bào DTTS được công nhận, có 60 cá nhân là đảng viên, 3 cá nhân đang đảm nhận vai trò bí thư chi bộ ấp, 8 người là trưởng ấp, 11 người là trưởng ban công tác Mặt trận ấp, 5 cá nhân là chức sắc tôn giáo. Những cá nhân còn lại đều đảm nhận vai trò trong các hội, đoàn thể tại cơ sở, công tác tại các cơ quan, đơn vị. Phần lớn người có uy tín có phạm vi ảnh hưởng trong dòng họ, trong ấp và xã, trong đó có 3 vị là người có uy tín có phạm vi ảnh hưởng từ cấp liên huyện trở lên.

Lãnh đạo Sở Dân tộc và tôn giáo nhấn mạnh, tỉnh luôn quan tâm đến đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, người có uy tín trong đồng bào DTTS tại Đồng Nai được nhận trợ cấp với mức 800 ngàn đồng/người/tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm. Cùng với đó, trong các dịp lễ, Tết, người có uy tín trong đồng bào DTTS còn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của chính quyền các cấp…

Ngoài ra, đối với những đảng viên trong đồng bào các tôn giáo, DTTS, việc tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy vai trò, trách nhiệm với cộng đồng luôn được xem trọng.

Chị Wa Hi Da Bi Vi (dân tộc Chăm, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) chia sẻ, nhờ các chính sách của Nhà nước mà chị được đến trường, sau đó có công việc là dược sĩ tại trạm y tế xã. Ngoài ra, chị còn được tạo điều kiện kết nạp Đảng và sau đó là Phó bí thư Chi bộ ấp 4, xã Xuân Hưng.

Mỗi ngày, chị Wa Hi Da Bi Vi kết hợp công tác chuyên môn với vai trò đảng viên để tư vấn cho bà con khi có triệu chứng của bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, chỉ định thuốc, không tự ý mua thuốc uống để tránh những hậu quả đáng tiếc. Đồng thời, chị nhắc nhở bà con trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt phải bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh bằng cách tiêm phòng cho vật nuôi. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh địa phương đẹp hơn.

Chị Wa Hi Da Bi Vi còn thường xuyên động viên, khuyến khích thanh thiếu niên địa phương tích cực tham gia các tổ chức hội, đoàn thể. Đến nay, Chi bộ ấp 4 có 2 đảng viên là người DTTS. Chị luôn khuyến khích thanh niên trong cộng đồng cố gắng rèn luyện để được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Còn chị Ka’ Hòa, chuyên viên Sở Dân tộc và tôn giáo cho hay, trước khi đến với công việc hiện tại, chị sinh sống và học tập tại xã Phú Bình, huyện Tân Phú. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của gia đình và quyết tâm của bản thân nên chị được theo học trường dành cho con em đồng bào DTTS của tỉnh rồi hoàn thành chương trình đào tạo đại học với nhiều chính sách ưu đãi. Sau khi tốt nghiệp, chị Ka’ Hòa tham gia công tác tại huyện Tân Phú, rồi Ban Dân tộc tỉnh (nay là Sở Dân tộc và tôn giáo).

Những năm qua, chị đã chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến chế độ báo cáo, kiểm tra và theo dõi thể thức văn bản các phòng. Riêng trong công tác thanh niên, dân vận, chị Ka’ Hòa chủ động bám sát việc lồng ghép triển khai chính sách cho thanh niên DTTS. Những thắc mắc của thanh niên trong đồng bào DTTS về các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách cho người đi học được chị nhiệt tình hỗ trợ. Ngoài ra, chị Ka’ Hòa còn chủ động tìm hiểu thực tế để qua đó giới thiệu mô hình dân vận khéo trong vùng đồng bào DTTS để cơ quan có thẩm quyền kịp thời tuyên dương cũng như cơ quan tuyên truyền lan tỏa đến cộng đồng.

Sông Thao - Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/nhung-hat-nhan-gan-ket-cong-dong-bai-cuoi-vi-dong-nai-phat-trien-thinh-vuong-6455c9f/