Những hệ lụy khi Chính phủ Mỹ đóng cửa
Ngày 19-12 (theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã bác dự luật tài trợ được các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đưa ra ngày 17-12, khiến Chính phủ Mỹ lại một lần nữa đứng trước nguy cơ bị đóng cửa.
Theo Reuters, kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ cho thấy, dự luật ngân sách do đảng Cộng hòa đề xuất nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng cửa chính phủ chỉ nhận được 174 phiếu thuận, 235 phiếu chống. Trong đó, 38 nghị sĩ Cộng hòa cùng với 197 nghị sĩ Dân chủ phản đối đề xuất của đảng Cộng hòa.
Dự luật ngân sách mới sẽ gia hạn tài trợ cho chính phủ đến giữa tháng 3-2025 nhằm duy trì ngân sách liên bang ở mức hiện nay khoảng 6.200 tỷ USD, cung cấp tài chính cho các chương trình quân đội, kiểm soát viên không lưu cũng như các cơ quan giám sát liên bang. Ngoài ra, dự luật cũng cung cấp 100 tỷ USD tiền hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp các bang, trong đó có North Carolina và Florida, phục hồi sau các đợt thảm họa và thiên tai gần đây. Dự luật cũng sẽ chi 30 tỷ USD nhằm hỗ trợ người nông dân, lần đầu tiên tăng lương cho các nhà lập pháp Mỹ kể từ năm 2009, cũng như nhiều điều khoản khác.
Đặc biệt, một phần quan trọng của kế hoạch là đình chỉ trần nợ công đến ngày 30-1-2027, tạo điều kiện cho chính quyền của ông Trump tập trung vào các ưu tiên kinh tế lớn mà không phải lo ngại về giới hạn vay nợ. Đình chỉ giới hạn nợ công hai năm có thể giúp chính quyền mới của ông Trump thông qua các khoản cắt giảm thuế mạnh mẽ mà ông đã cam kết, đồng thời tạo tiền đề cho khoản nợ 36 nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang tiếp tục tăng.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump gọi đây là "Thành công của Washington" và kêu gọi Quốc hội nhanh chóng bỏ phiếu thông qua dự luật. Ông nhấn mạnh rằng kế hoạch không chỉ giúp chính phủ tránh nguy cơ đóng cửa mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, bao gồm hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân và các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ chỉ trích dự luật là "bình phong" cho kế hoạch cắt giảm thuế, phần lớn có lợi cho những người giàu có như ông Musk trong khi khiến đất nước gánh thêm hàng nghìn tỷ USD nợ công. Nhiều thành viên Đảng Dân chủ khác cũng bày tỏ sự không đồng thuận và cho rằng các điều khoản quan trọng như nâng trần nợ cần được tách riêng khỏi các thỏa thuận chi tiêu. Lãnh đạo phe thiểu số Hakeem Jeffries - đại diện Đảng Dân chủ tại Hạ viện, chỉ trích Đảng Cộng hòa đã phá vỡ thỏa thuận lưỡng đảng trước đó. Ông khẳng định rằng những nỗ lực của Đảng Cộng hòa chỉ làm gia tăng hỗn loạn và không mang lại giải pháp bền vững cho các vấn đề tài chính quốc gia. Một số đảng viên Cộng hòa cũng phản đối, cho rằng dự luật sẽ mở đường cho nhiều khoản nợ hơn trong khi không cắt giảm chi tiêu.
Đến nay, Quốc hội Mỹ cũng chưa có kế hoạch rõ ràng để ngăn chặn nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa. Ngân sách chính phủ dự kiến hết hạn vào nửa đêm 20-12. Nếu các nhà lập pháp Mỹ không thể tìm cách đảo ngược tình hình, chính phủ sẽ bắt đầu đóng cửa một phần từ 0h01 ngày 21-12 và làm gián đoạn việc cung cấp ngân sách cho bảo vệ biên giới, hoạt động của các công viên quốc gia, tiền lương của hơn 2 triệu nhân viên liên bang.
Mỗi cơ quan liên bang đưa ra một kế hoạch dự phòng trong đó nêu rõ chức năng nào sẽ tiếp tục trong thời gian ngừng hoạt động và chức năng nào sẽ dừng, cũng như bao nhiêu nhân viên sẽ tiếp tục làm việc và bao nhiêu người sẽ bị cho nghỉ phép cho đến khi việc đóng cửa kết thúc.
Việc nhiều nhân viên liên bang nghỉ việc trong thời gian chính phủ đóng cửa, nhiều dịch vụ công sẽ bị tạm dừng hoặc chậm trễ khiến cuộc sống thường ngày của người dân sẽ bị xáo trộn. Trong đó, do thiếu hụt về nhân viên an ninh hàng không và kiểm soát không lưu, số chuyến bay bị chậm sẽ tăng lên. Tòa án di trú có thể đóng cửa, khiến hồ sơ tồn đọng tăng lên. Việc kiểm tra an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA) có thể bị gián đoạn. Việc xây dựng các công trình giao thông trên toàn quốc có thể bị đình trệ. Nhiều công viên quốc gia sẽ đóng cửa, mặc dù một số công viên vẫn có thể tiếp cận được với dịch vụ hạn chế dành cho du khách
Khi chính phủ bị đóng cửa, các nhà thầu chính phủ sẽ đối diện với viễn cảnh còn tồi tệ hơn. Các nhà thầu "không có đảm bảo" sẽ chỉ được nhận tiền khi chính phủ mở cửa trở lại. Số lượng công nhân làm việc cho nhà thầu cung cấp dịch vụ cho Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia (NASA), Bộ An ninh Nội địa, Cục Hàng không Liên bang và các cơ quan liên bang khác lên tới hàng triệu người.
Ở quy mô quốc gia, việc chính phủ đóng cửa có thể gây ra những hậu quả kinh tế sâu rộng, là lực cản cho tăng trưởng và kéo theo sự bất ổn, đặc biệt nếu kéo dài. Việc này có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp và chi phí vay tăng lên, trong khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm xuống. Theo ước tính, mỗi tuần chính phủ Mỹ đóng cửa có thể khiến nền kinh tế nước này thiệt hại tới 6 tỷ USD.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-he-luy-khi-chinh-phu-my-dong-cua-post306297.html