Những hệ lụy nguy hiểm từ quyết định giết tướng Iran của ông Trump
Vụ Mỹ không kích giết tướng Qassem Suleimani ở Baghdad đã làm suy yếu những mục tiêu then chốt của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong chính sách về Iran.
Trên đây là nhận định của tác giả Robin Wright trong một bài viết trên tạp chí The New Yorker.
Nữ nhà báo lật lại một dấu mốc lịch sử vào ngày 19/9/1983, trong cuộc nội chiến dai dẳng ở Lebanon, chính quyền Reagan đã ra lệnh cho lực lượng Thủy quân Lục chiến gìn giữ hòa bình ở Beirut khai hỏa vào phiến quân Hồi giáo ở vùng đồi núi trông xuống thành phố.
Binh lính được triển khai trong hơn một năm, sau khi Israel xâm lược Lebanon, để giúp gìn giữ một trong những quốc gia dễ đổ vỡ nhất thế giới khi đó. Chỉ huy của họ, đại tá Tim Geraghty, cảnh báo một cuộc tấn công có thể gây tổn thất cho Mỹ cả về tính trung lập và sứ mệnh; tuy nhiên, các chiến hạm Mỹ vẫn nã hơn 300 quả đạn.
Ông Geraghty viết sau đó: "Khi mặt trời lặn vào cuối một ngày hỗn loạn tôi đã nói với các thành viên trong đội rằng bản năng mách bảo tôi rằng Quân đoàn sẽ phải trả bằng máu cho quyết định này".
Ngày 23/10/1983, một kẻ đánh bom liều chết lái xe tải chất đầy thiết bị nổ lao thẳng vào doanh trại của lực lượng gìn giữ hòa bình. 241 người Mỹ phải bỏ mạng. Đây là tổn thất nặng nề nhất của Quân đoàn trong một vụ việc riêng lẻ kể từ sau trận Iwo Jima do một nhóm Lebanon mà sau này trở thành Hezbollah tiến hành - nhưng do Iran dàn dựng.
Washington đã lệnh cho các chiến cơ Mỹ phá hủy một đồn quân sự của Iran ở Lebanon nhưng sau đó hủy bỏ. Lính thủy đánh bộ Mỹ chuyển vào các container dưới lòng đất; một vài tháng sau đó, họ trở về nhà và sứ mệnh bị bỏ dở.
"Mục tiêu của Iran là đuổi cổ lính thủy đánh bộ Mỹ và triệt tiêu ảnh hưởng của phương Tây. Và họ đã làm được", ông Geraghty bình luận tuần trước.
Năm 1983, Mỹ đã chứng tỏ có được lợi thế chiến thuật nhưng Iran cho thấy họ có một chiến lược sâu rộng hơn nhiều - và chiến lược này kéo dài trong nhiều năm.
Tác giả Robin Wright chỉ ra rằng, bốn đời tổng thống Mỹ tiếp theo đều tránh né phô diễn sức mạnh quân sự với Iran, dù đạt được nhiều tiến bộ về chiến lược trên toàn khu vực. Tổng thống Trump tuyên bố ông không mong muốn chiến tranh, nhưng đã bắt đầu năm mới 2020 bằng một đòn không kích lấy mạng thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Khi đó, ông Soleimani đang hành trình tới Baghdad.
Trên Twitter, ông Trump mô tả Soleimani "đã giết hoặc làm bị thương nặng hàng nghìn người Mỹ trong một khoảng thời gian dài, và đang âm mưu giết thêm nhiều người nữa".
Giữa những tranh luận nóng bỏng ở Washington về thông tin tình báo dùng làm cơ sở cho vụ tấn công, vị tổng tư lệnh Mỹ tuyên bố Suleimani đã lên kế hoạch đánh bom 4 đại sứ quán Mỹ, nhưng chính quyền của ông hầu như không có bằng chứng chứng minh cho tuyên bố này.
Theo Robin Wright, quyết định của Tổng thống Trump ngay lập tức đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng - cho sự cân bằng quân sự trong khu vực, cho chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cho chương trình hạt nhân của Iran và những rối loạn chính trị nguy hiểm ở Trung Đông.
Quốc hội Iraq, tức giận tố Washington vi phạm chủ quyền nước này, đã bỏ phiếu trục xuất 5.000 ính Mỹ. Tổng cộng 17 năm sau khi Mỹ triển khai quân ở Iraq, sự hiện diện quân sự của nước này giờ đây bỗng trở nên vô cùng giá trị.
Cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu chống IS - tổ chức khủng bố vẫn còn hàng nghìn chiến binh đang hoạt động ở Iraq và Syria - bị dừng lại. Lầu Năm Góc chối bỏ một lá thư bị rò rỉ có nội dung "bố trí lại" lính Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó, Baghdad đã yêu cầu Washington đưa ra lộ trình rút quân khỏi đất nước Vùng Vịnh.
Hai mục tiêu chính của chính quyền Trump ở Iraq cũng bị tổn hại. Trong nhiều năm, các chính quyền kế tiếp nhau của Mỹ đã tìm cách ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Vào năm 2013, Iran đã tiến sát đến năng lực chế bom - còn được gọi là thời điểm đột phá. Năm 2015, chính quyền Obama cùng với 5 cường quốc khác đã đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran, theo đó giới hạn chương trình hạn nhân của Iran trong vòng 1/4 thế kỷ, và bảo đảm lâu dài cho các chương trình thanh sát quốc tế ở nước Cộng hòa Hồi giáo.
Thời điểm đột phá của Iran đã lùi thêm hơn một năm. Nhưng vào ngày 5/1, hai ngày sau khi tướng Soleimani bị tên lửa Mỹ lấy mạng, Iran tuyên bố sẽ không hạn chế số máy li tâm làm giàu uranium. Thỏa thuận hạt nhân - mà ông Trump đơn phương từ bỏ vào tháng 5/2018 với lý do ông muốn một thỏa thuận rộng lớn hơn - giờ đây đang sụp đổ. Và thời điểm đột phá của Iran lại bắt đầu nhích gần lại.
Trong 2 năm qua, ông Trump còn theo đuổi chủ trương "áp lực tối đa" thông qua cấm vận và cô lập, để buộc Tehran phải đưa ra thêm nhiều nhượng bộ. Hồi tháng 11/2019, chính quyền Trump tuyên bố thành công khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ yếu kém và kinh tế suy thoải nổ ra trên khắp Iran khiến hàng trăm người thương vong.
Nhưng, vụ giết tướng Soleimani lại khiến cho chủ nghĩa dân tộc ở Iran trỗi dậy; hàng nghìn người đổ ra đường thương khóc vị tướng nổi tiếng. Sau đó, Iran đã đáp trả bằng cách nã hơn chục tên lửa vào hai căn cứ có lính Mỹ ở Iraq.
Sau khi căng thẳng lên tới đỉnh điểm, cả Washington và Tehran đều tỏ tín hiệu sẽ xuống thang. Tuy nhiên, triển vọng cho ngoại giao ngày càng xa vời. (Một hệ lụy tức thời không ai mong muốn: Iran bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraina cất cánh từ Tehran, khiến 176 người thiệt mạng).
Các mục tiêu của Iran vẫn y như hồi năm 1983. "Hành động quân sự như thế vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là chấm dứt sự hiện diện sai trái của Mỹ trong khu vực", lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei nói về loạt vụ tấn công tên lửa của quân đội Iran.
Ngày nay, Iran cũng đã mạnh hơn rất nhiều. Theo Michael Eisenstadt, thành viên Viện Washington về Chính sách Cận đông, nước Cộng hòa Hồi giáo đã trở thành một "người hành nghề" hàng đầu trên thế giới về các hoạt động "vùng xám" - các chiến dịch quân sự bí mật và không thể kiểm chứng, các cuộc tấn công ủy nhiệm và chiến tranh mạng.
"Mỹ phải chật vật để đáp trả hiệu quả cuộc chiến tranh bất đối xứng này", ông bình luận.
Lịch sử cho thấy, Washington có thể gây đau đớn nhiều hơn nhưng Tehran luôn chứng tỏ năng lực "hấp thu" sự đau đớn ngày càng lớn. Và, Mỹ đã tìm ra cách thức phản ứng trước một dân quân hay giết một tư lệnh... nhưng vẫn chưa thể tìm được cách "khuất phục" với đất nước Iran.