Những hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hơn 200 tài liệu, tư liệu ảnh, hiện vật và tranh cổ động đặc sắc được giới thiệu trong chuyên đề Hồ Chí Minh-Những nét phác họa chân dung, khai mạc chiều 7/5 tại Bảo tàng

Ông Võ Văn Thưởng (bìa phải), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nghe câu chuyện bức tượng bán thân từng ở nhà tù Côn Đảo, lưu lạc sang Pháp và mới trở về nước Ảnh: KỲ SƠN

Ông Võ Văn Thưởng (bìa phải), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nghe câu chuyện bức tượng bán thân từng ở nhà tù Côn Đảo, lưu lạc sang Pháp và mới trở về nước Ảnh: KỲ SƠN

MỞ KHO TƯ LIỆU QUÝ
Tài liệu, hiện vật quý lấy từ kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục Lưu trữ-Văn phòng Trung ương Đảng, sắp xếp thành 6 phần để phác họa chân dung Người: Cậu bé Nguyễn Sinh Cung: Cậu bé giàu nghị lực; Nguyễn Tất Thành: Người thanh niên yêu nước tiến bộ; Nguyễn Ái Quốc: Người chiến sỹ cộng sản kiên trung; Hồ Chí Minh: Nhà lãnh đạo thiên tài, nhà văn hóa lớn, chân dung đời thường.
Trong số hàng trăm hiện vật, hình ảnh về vị lãnh tụ dân tộc thiên tài, người xem dễ có cảm xúc hơn cả ở những hiện vật “đinh” kể chuyện giản dị và cảm động về Người. Trong số ảnh chân dung Bác, nhiều khách tham quan dừng lại khá lâu trước bức chân dung Ánh sáng năm 1946. Bức ảnh lưu giữ được thần thái của Hồ Chủ tịch, do nhiếp ảnh gia người Pháp Laure Albin Guilliot chụp, đăng trên báo Tự Do (La Liberté, Pháp) số ra ngày 26/7/1946 - lúc này Người sang Paris với tư cách thượng khách theo lời mời của Chính phủ Pháp. Bức chân dung sau được in thành nhiều bản để Bác dùng ký tặng kiều bào và khách mời trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao, trong đó có danh họa Lê Phổ, Phó Hội trưởng Hội Việt kiều tại Pháp. Trên chân dung của Người có lời đề: “Tặng chú Lê Phổ, Chào Thân ái! Tháng 8/1946”.

Bức chân dung “Ánh sáng” thể hiện được thần thái của Bác Hồ Ảnh: KỲ SƠN

Bức chân dung “Ánh sáng” thể hiện được thần thái của Bác Hồ Ảnh: KỲ SƠN

Câu chuyện về chiếc mũ len được nhắc tới như là biểu trưng cho tấm lòng, tình cảm của Bác đối với bạn bè quốc tế và ngược lại. Chiếc mũ len xuất hiện tại triển lãm chính là món quà Người tặng ông Pierre Biquard ngày 2/1/1969 khi ông cùng đoàn Phong trào Hòa bình Pháp thăm Việt Nam nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân ta, tại Phủ Chủ tịch. Khi này sức khỏe của Bác không tốt, phải hạn chế tiếp khách. Theo lời kể của gia đình, trong cuộc chia tay đoàn đại biểu Pháp thấy ông Pierre không có mũ, Bác cởi chiếc mũ đang đội đưa ông vì trời quá lạnh. Ông Pierre Biquard (1901-1993) là giáo sư vật lý người Pháp, một chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình, từng là Ủy viên Hội đồng toàn quốc phong trào hòa bình Pháp, Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới. Dù không còn dịp trở lại Việt Nam, ông Pierre Biquard coi món quà là một phần trong di sản gia đình. Gia đình từng từ chối nhiều lời đề nghị của các nhà sưu tập, muốn đưa chiếc mũ trở về Bảo tàng Hồ Chí Minh. Năm 2016, kỷ vật của tình hữu nghị và tấm lòng ấm áp của Bác Hồ được trao lại cho Bảo tàng để kể tiếp câu chuyện đẹp về Hồ Chủ tịch với bạn bè quốc tế.

TƯỢNG TỪ PHÁP LẦN ĐẦU CÔNG BỐ
Tượng bán thân Hồ Chủ tịch đặt giữa phòng trưng bày chuyên đề. Bức tượng đặc biệt mới trở về từ Pháp vào tháng 12/2019. “Câu chuyện về bức tượng bán thân của Hồ Chủ tịch ở nhà tù Côn Đảo thập niên 40 thế kỷ XX là minh chứng điển hình cho những giá trị tốt đẹp nhất, ngời sáng nhất trong chốn ngục tù tối tăm”, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nói.
Người giữ bức tượng này là giám ngục Paul Atoine Miniconi (sinh1897 tại Bocognano, thuộc đảo Corse, Cộng hòa Pháp) được cử sang Việt Nam làm việc tại nhà tù Côn Đảo từ năm 1920-1952. Trong khi làm việc, nhận thấy những dấu hiệu bất thường từ những người tù, khi cho kiểm tra một phòng giam trong hệ thống trại giam, ông phát hiện các chiến sỹ cộng sản dường như đang cố cất giấu một vật nghi có thể là vũ khí. Cho khám xét, ông thu được bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do những người tù bí mật cất giấu vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp và mang theo ra Côn Đảo.
Ông Paul Atoine Miniconi quyết định giữ bức tượng như một kỷ niệm về những năm tháng làm việc tại Côn Đảo. Năm 1952 trở về sinh sống và làm việc tại đảo Corse, ông tiếp tục gìn giữ bức tượng trong gia đình. Trước khi mất, ông để tượng lại cho người con trai Paul Miniconi, từng sống ở nơi làm việc của cha mình tại Côn Đảo. Ngày 1/12/2019, ông Paul Miniconi cùng với nhà sử học Pháp Frank Senateur trao bức tượng cho ông Nguyễn Thiệp- Đại sứ Việt Nam tại Pháp, để chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Thiệp lại chính là con của người tù cộng sản từng bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo trong giai đoạn ông Paul Antoine Miniconi làm giám ngục.
Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao kỷ vật quý giá này cho Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, hồi tháng 2 vừa rồi, nhân Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài.

NHỮNG TẤM GƯƠNG BÌNH DỊ MÀ CAO QUÝ
Bảo tàng Hồ Chí Minh dịp này khai mạc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, nhân 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sơ kết bốn năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Gần 200 tài liệu, bài viết giới thiệu tới công chúng 130 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của 55 tập thể, 75 cá nhân được Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tổng cục Chính trị và Cục Công tác Đảng và công tác Chính trị lựa chọn. Những hình ảnh này còn được trưng bày tại một số địa phương trong cả nước, lan tỏa hơn nữa những tấm gương noi theo gương Bác.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhung-hien-vat-quy-ve-chu-tich-ho-chi-minh-1654375.tpo