Những hiệp sĩ bảo vệ 'vàng xanh' của Mexico

Ngành công nghiệp sản xuất bơ đã mang lại giá trị lớn cho Mexico nhưng cũng là miếng mồi béo bở trong mắt các băng đảng tội phạm.

Bang Michoacán, Mexico, là một trong những nơi xuất khẩu bơ hàng đầu thế giới.

Bang Michoacán, Mexico, là một trong những nơi xuất khẩu bơ hàng đầu thế giới.

Để bảo vệ kế sinh nhai, người dân nước này đã đứng lên thành lập đội quân riêng chống lại các tay súng.

Ngành công nghiệp “vàng xanh”

Sau nhiều năm, Javier cuối cùng cũng cảm thấy an toàn khi ngồi giữa trang trại bơ của mình. Là một nông dân gắn liền cuộc đời với nghề trồng bơ, Javier, 46 tuổi, vẫn nhớ những cảnh tượng khủng khiếp, man rợ từng xảy ra trên chính mảnh đất này.

Ở đó, những tay súng thuộc các băng đảng tội phạm đã bắt cóc, giết chết con cái của một người dân thường, thiêu rụi một cơ sở đóng gói bơ địa phương, thậm chí sát hại một giáo viên đang mang thai. Nhưng những ký ức đang mờ dần.

Tancítato, thuộc bang Michoacán, thủ phủ sản xuất bơ trên thế giới, đã lấy lại vẻ ngoài tương đối yên bình. Đã hơn 5 năm kể từ trận chiến cuối cùng giữa những người nông dân và các tay súng tội phạm ở vùng ngoại ô. Các gia đình sở hữu vườn cây ăn quả từng bị các tay súng chiếm giữ, nay đang gieo hạt giống, chăm cây trên chính mảnh đất của họ.

“Chính phủ không quản lý tại đây nhưng khu vực này vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Mọi người có thể thư giãn”, ông Javier chia sẻ.

Sự an toàn này đã phải trả giá rất đắt. Quả chín, nặng trĩu trong tán lưới mắt cáo trên đầu Javier là một phần của một vụ bơ đã mang về cho Mexico hơn 1,5 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2016. Trung bình hàng ngày, thành phố Tancítato, bang Michoacán, xuất khẩu bơ trị giá hơn một triệu USD. Ngành công nghiệp này được coi là “vàng xanh” tại Mexico.

Hầu hết bơ tại Mexico được xuất khẩu sang Mỹ với thị trường tiêu thụ chính là bang California và Florida. Ước tính, hàng năm, mỗi người dân Mỹ tiêu thụ 4kg bơ, thuộc hàng cao trên thế giới.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bơ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và chất béo “tốt”. Ngành công nghiệp sản xuất bơ rất phổ biến tại Mexico vì mang lại lương cao gấp 12 lần mức lương tối thiểu của Mexico. Năm 2019, đất nước này đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu thế giới, theo sau là Hà Lan và Peru.

Năm 2018, Mexico là nhà sản xuất bơ lớn nhất thế giới. Riêng bang Michoacán, chiếm gần một nửa tổng lượng bơ của cả Mexico, việc xuất khẩu “vàng xanh” đã đạt giá trị 2,4 tỷ USD. Điều này đã thu hút các băng đảng tội phạm có tổ chức, những kẻ vốn sống bằng việc buôn lậu và giết người.

Ông Christian Wagner, nhà phân tích khu vực châu Mỹ tại công ty tư vấn toàn cầu Verisk Maplecroft, cho biết: “Việc sản xuất bơ đạt hiệu quả theo cấp số nhân vừa là may mắn vừa là rủi ro với người nông dân Mexico. Với lợi nhuận thu về cao, họ cũng kéo theo sự chú ý của các băng nhóm tội phạm có tổ chức”.

Từ trước khi ngành công nghiệp sản xuất bơ ra đời, bang Michoacán là khu vực nguy hiểm, thường xuyên xảy ra bạo loạn, giết chóc và bị chia rẽ bởi xung đột giữa các nhóm tội phạm có tổ chức (gọi là cartel). Khi người nông dân bắt đầu thu lợi nhuận từ sản xuất bơ, các băng nhóm từ buôn lậu ma túy chuyển sang tống tiền các chủ doanh nghiệp địa phương và bắt cóc, thường là giết luôn các trại chủ để đòi tiền chuộc.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy trong giai đoạn 2006 - 2015, bang Michoacán ghi nhận hơn 8.200 vụ giết người. Ít nhất 12 nhóm tội phạm đang hoạt động trong khu vực. Một số chủ trang trại đã chống lại bằng cách thuê bảo vệ nhưng điều này làm tăng nguy cơ xảy ra bạo lực.

Theo nhà phân tích cấp cao về khủng hoảng Mexico, Falko Ernst, bơ là mặt hàng nổi bật trong danh mục đầu tư của các nhóm tội phạm có tổ chức tại Mexico trong ít nhất một thập kỷ, đặc biệt là ở Michoacán.

“Không chỉ có bơ, tội phạm có tổ chức ở Mexico từ lâu đã biến đổi khỏi buôn lậu ma túy truyền thống. Bọn chúng kiểm soát một lãnh thổ nhất định và khai thác bất kỳ hàng hóa nào có sẵn tại địa phương như bơ, chanh, đu đủ, gỗ...”, ông Falko phân tích.

Lực lượng CUSEPT chống lại các nhóm chiến đấu có vũ trang đe dọa thành phố.

Lực lượng CUSEPT chống lại các nhóm chiến đấu có vũ trang đe dọa thành phố.

Cuộc tự vệ bất đắc dĩ

Tình hình căng thẳng nhấn chìm bang Michoacán. Vào năm 2013, những người trồng bơ bắt đầu từ thành phố Tancítaro quyết định “khởi dậy” giành lại quyền được sống và được làm ăn từ tay các băng đảng.

Lấy cảm hứng từ phong trào cảnh vệ nổi tiếng tại Mexico, những người nông dân ở Tancítaro đã thành lập lực lượng phòng vệ toàn dân tình nguyện, thường gọi là “cảnh sát công dân”. Mặc quần jeans, áo phông rộng rãi và mang theo súng trường hạng nặng, những “cảnh sát công dân” thay phiên nhau canh gác tại các trạm kiểm soát gần lối vào thành phố.

Javier cho biết: “Chúng tôi hợp tác để mua súng và dựng rào chắn. Để qua mặt bọn tội phạm, những người bán bơ đã mua súng và vận chuyển về thành phố bằng cách giấu trong xe tải”.

Vũ khí của họ là những khẩu súng cũ như M-1, R-15 cỡ nòng cao, AK-47, M-14. Đôi khi, họ dùng cả gậy.

Các trạm kiểm soát ban đầu được dựng lên từ đá và bao cát nhưng sau đó, chúng được nâng cấp thành pháo đài bằng đá và xi măng theo phong cách trung cổ. Các pháo đài có cấu trúc chống bom, sử dụng các cửa sổ hẹp và góc cạnh giống như mái nhà của cung thủ.

Nhìn từ bên ngoài, Tancítaro là lớp lớp các pháo đài được canh giữ bởi những người lính canh có vũ trang và tinh thần sắt thép. Điều này gợi lên một hình ảnh đáng sợ về thành phố thay vì là vùng đất màu mỡ để trồng và xuất khẩu bơ trên thế giới. Tuy nhiên, chính lớp phòng vệ xù xì này đang “gieo mầm” sự sống cho ngành sản xuất bơ tại Tancítaro.

Bên trong lớp pháo đài, Tancítaro là một thành phố điển hình phụ thuộc vào ngành trồng bơ. Xe tải đậu dọc theo các con đường và hàng dài các cửa hàng trưng bày biển hiệu viết tay: “Chúng tôi mua bơ”. Rời khỏi trung tâm thị trấn, với cụm cơ sở kinh doanh được làm từ các khối và tấm thép tôn mỏng manh là những hàng cây bơ gọn gàng trải dài khắp thung lũng.

Là cựu quân nhân, Hugo Sánchez, 26 tuổi, đi tuần tra trên chiếc xe bán tải được trang bị một ụ súng máy lắp đặt riêng ở phía sau. Các cửa sổ được làm bằng kính chống vỡ dày gần 4 cm. Ở Tancítaro, họ có 4 chiếc xe chống đạn tương tự, luôn sẵn sàng nhận lệnh để lên đường.

Ngay cả các cuộc tuần tra của Cảnh sát Liên bang Mexico cũng không sử dụng xe tải bọc thép. Nhưng Sánchez không làm việc cho Cảnh sát Liên bang. Anh là thành viên của Lực lượng Công an Tancítaro (viết tắt là CUSEPT), tổ chức tự do của các tay súng dân sự. CUSEPT được tài trợ bởi hiệp hội những người trồng bơ để tuần tra khu vực.

Các 'cảnh sát công dân' tại thành phố Tancítaro, Mexico.

Các 'cảnh sát công dân' tại thành phố Tancítaro, Mexico.

Xã hội phong kiến thời trung cổ

Theo Sánchez, CUSEPT đóng vai trò phòng ngừa và hợp tác cùng các tay súng dân sự. Hàng ngày, “cảnh sát công dân” địa phương thay phiên nhau canh gác tại các trạm kiểm soát, phối hợp hoạt động cùng CUSEPT khi có cảnh báo. Các đơn vị được tổ chức tốt.

Mang vũ khí sát thương cao, họ là lực lượng dân quân bất hợp pháp theo luật Mexico. Tuy nhiên, trong khi Tancítaro bề ngoài tuân theo pháp quyền và có thị trưởng, đơn vị quyền lực nhất trong thành phố là Hội đồng địa phương, tức hiệp hội của những người trồng bơ. Đây là nhóm kiểm tra các tiêu chuẩn tại trang trại xuất khẩu, tổ chức giáo dục nông dân nhằm bảo vệ danh tiếng của bơ bang Michoacán.

Đối mặt với thiệt hại do các băng đảng tội phạm gây ra, hội đồng đã tiến hành một bước rất bất thường là xây dựng và đào tạo CUSEPT như một lực lượng an ninh ưu tú có trang bị vũ khí. Như Sánchez đã nói: “Chúng tôi làm việc cho hội đồng”.

Toàn bộ quá trình, từ khi những hạt giống đầu tiên nảy mầm cho đến khi bơ được đóng gói vào những chiếc xe tải đông lạnh và gửi đến biên giới Mexico – Hoa Kỳ, được thực hiện nghiêm túc, chỉn chu như quân đội. Nhưng khi các tổ chức tội phạm quấy phá bang Michoacán từ năm 2006, hiệp hội những người trồng bơ nhận ra họ không thể chỉ quản lý các trang trại mà cần kiểm soát toàn thành phố. Vì vậy, “cảnh sát bơ” ra đời.

CUSEPT coi mình là lực lượng bán quân sự cơ động, có chiến thuật. Các thành viên tự học và đào tạo lẫn nhau để trở thành một nhóm ưu tú, tập trung vào việc chống lại các nhóm có vũ trang đe dọa thành phố.

Theo luật, Mexico cấm dân thường mang vũ khí quân dụng nên chính phủ liên bang đã nhiều lần yêu cầu tổ chức này hạ vũ khí. Tuy nhiên, họ khẳng định sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi chính quyền bang và chính phủ có thể đảm bảo an ninh cho thành phố.

Ngày nay, Tancítaro được ví như một xã hội phong kiến thời trung cổ hoặc nền kinh tế thuộc địa của Mexico. Những người nông dân trồng bơ giống như những chư hầu trên đất liền, là xương sống của nền kinh tế địa phương.

Còn hiệp hội những người trồng bơ là cơ quan chính trị, kinh doanh và an ninh của thành phố. Trong khi đó, lực lượng CUSEPT là những hiệp sĩ chuyên nghiệp có thể chống lại các chiến binh từ vương quốc láng giềng và “cảnh sát dân sự” là những người dân lập tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại những kẻ xâm nhập.

Trong bối cảnh trên, những người nông dân như Javier chỉ cần tập trung vào công việc kinh doanh của gia đình và hưởng mức độ an ninh cơ bản mà CUSEPT phối hợp cùng “cảnh sát dân sự” xây dựng.

Nhiều năm trước, Javier nhốt các con mình trong nhà, thậm chí dựng một sân bóng rổ nhỏ để các con không phải mạo hiểm ra ngoài chơi. Nhưng giờ đây, anh ấy để các con ra ngoài một mình để tập bóng đá trong công viên, nằm cạnh căn cứ quân sự hoặc đi mua bánh ngọt bên ngoài chợ dân sinh.

“Cho đến nay, CUSEPT hay “cảnh sát dân sự” được chúng tôi tung hô là người chiến thắng nhưng đó chỉ là một giải pháp mong manh. Chúng tôi bị mắc kẹt giữa chính phủ và các băng đảng tội phạm có tổ chức. Sự phòng vệ của Tancítaro không phải là giải pháp lâu dài”, người nông dân Javier bày tỏ.

Anh Khoa (Theo TG)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-hiep-si-bao-ve-vang-xanh-cua-mexico-post620572.html