Những hộ khá giả ở vùng sâu

Với quyết tâm đẩy lùi khó khăn, đói nghèo và lạc hậu, vươn lên làm giàu trên vùng đất quê hương; những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các xã vùng sâu, vùng xa huyện Di Linh đã có nhiều chuyển biến về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, từng bước phát triển kinh tế theo hướng bền vững, góp phần xây dựng vùng quê cách mạng ngày càng trù phú.

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, hộ ông Nròng Chi (Đinh Trang Thượng) thu ổn định 20 tấn cà phê nhân/năm

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, hộ ông Nròng Chi (Đinh Trang Thượng) thu ổn định 20 tấn cà phê nhân/năm

Sau ngày giải phóng, đất nước được thống nhất, đời sống đồng bào DTTS ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng huyện Di Linh gặp rất nhiều khó khăn: trình độ dân trí thấp, đường sá đi lại cách trở, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều thiếu thốn, tập quán sản xuất lạc hậu vẫn tồn tại trong nếp nghĩ và cách làm của bà con… nên bà con chưa thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cuộc sống nghèo khó.

Song song với việc triển khai thực hiện các chương trình dự án, các chính sách xây dựng phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cùng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân, đến nay đời sống kinh tế - xã hội ở các xã vùng căn cứ cách mạng Sơn Điền và Đinh Trang Thượng đã phát triển một cách vượt bậc.

Ông K’Bảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Trang Thượng cho biết: Nhờ thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, chịu khó học hỏi và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà đời sống kinh tế gia đình của bà con được nâng lên. Hiện tại, ở xã Đinh Trang Thượng có khá nhiều hộ thu cà phê đạt từ 15 - 20 tấn cà phê nhân/năm, điển hình như: hộ ông K’Chiều, K’Tế, K’Mé, K’Phang (ở Thôn 3), K’Krài, K’Hiều (Thôn 2), Nròng Chi (Thôn 4)... Không chỉ độc canh cây cà phê, hiện nay bà con đã chú trọng trồng xen các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế, nhiều hộ đã phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và chuyển đổi một số diện tích để trồng cây rau màu… Từ lao động sản xuất, bà con đã đầu tư xây dựng khá nhiều nhà 2 tầng trị giá từ 700 triệu đồng lên đến trên cả tỷ đồng.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nròng Chi là Chi hội trưởng Hội Nông dân Thôn 4. Ông Chi được xem là một trong những người đi tiên phong trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại địa phương và có sản lượng cà phê nằm trong nhóm đứng đầu của xã. Ông Nròng Chi chia sẻ: “Đến nay tôi đã ghép cải tạo và trồng tái canh 100% diện tích 5 ha cà phê. Ngoài cà phê, gia đình tôi đã trồng xen canh trên 80 cây sầu riêng và bơ. Trong quá trình chăm sóc, tôi luôn thực hiện khá tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng các loại phân phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ sinh trưởng của cây. Vì vậy, vườn cà phê của gia đình luôn xanh tốt và cho năng suất ổn định với sản lượng đạt 20 tấn nhân/năm. Thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trong vùng cũng đã chịu khó học theo. Hiện nay, trong số 207 hộ dân trong thôn giờ chỉ còn lại 4 hộ nghèo”.

Còn với xã vùng sâu Sơn Điền, phong trào thi đua lao động sản xuất nơi đây cũng đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đến nay, bà con không chỉ sử dụng giống lúa mới vào gieo trồng, mà còn chú trọng trồng xen, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Nhận thấy được những điểm bất lợi, hạn chế, khó khăn của việc độc canh cây cà phê, nên thời gian qua hộ ông K’Brẻoh ở thôn Jang Pàr đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những mô hình kinh tế hiệu quả về áp dụng cho vườn nhà. “Trên diện tích 6 ha cà phê, đến nay gia đình tôi đã đầu tư phát triển mô hình trồng xen khoảng 600 cây sầu riêng, bơ ghép và đã có trên 100 cây cho thu hoạch. Ngoài nguồn thu từ bơ, sầu riêng, hằng năm bình quân gia đình tôi còn thu được khoảng 16 tấn cà phê nhân. Vì vậy, đến nay đời sống của gia đình đã được cải thiện và nâng lên so với trước”, ông K’Brẻoh vui vẻ nói.

Theo ông K’Xuân - Chủ tịch UBND xã Sơn Điền, nhìn chung ý thức của bà con trên địa bàn xã đã được nâng lên. Những năm qua, bà con luôn quan tâm phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã tự đầu tư chuyển đổi giống cà phê già cỗi sang trồng giống cao sản bằng hình thức ghép cải tạo và tái canh. Vì vậy, năng suất cây trồng từng bước được nâng lên, có hộ nhiều đất và chăm chỉ làm ăn thu lên đến 17 tấn cà phê nhân/năm. Điển hình như vợ chồng ông K’Tâm - Ka Thuyền ở thôn Bờ Nơm mỗi năm thu được 17 tấn cà phê nhân và đến nay gia đình đã xây dựng nhà cửa với trị giá trên 1 tỷ đồng.

Đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn như hệ thống trường học, trạm y tế, đường, điện… ở xã vùng căn cứ cách mạng của huyện Di Linh đã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của người dân; đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.

Xa rồi những năm tháng khó khăn, gian khổ, đồng bào ở vùng căn cứ cách mạng của huyện Di Linh hôm nay đang hướng đến một cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc, cùng chung tay góp công sức xây dựng vùng quê cách mạng ngày càng thêm nhiều khởi sắc.

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202012/nhung-ho-kha-gia-o-vung-sau-3035988/