Những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao ASEAN
Sáng 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan.
Đây là Hội nghị gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN với đối tác, trong đó có nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực. Lãnh đạo các nước dự kiến sẽ thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Trong ngày đầu tiên, hội nghị sẽ diễn ra các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN; giữa lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện thanh niên ASEAN và đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN.
Cụ thể, đầu giờ sáng, sau khi gặp Thủ tướng Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN chào Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại hoàng cung.
Buổi trưa, Thủ tướng tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN 2022.
Chiều cùng ngày, sau khi gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự 2 cuộc đối thoại quan trọng giữa nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN với đại diện hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và với đại diện thanh niên ASEAN.
Cuối ngày, Thủ tướng tiếp xúc chung giữa các nhà lãnh đạo ASEAN Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).
Trả lời phỏng vấn báo chí trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, với chủ đề “ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức”, nhiều vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận như hợp tác phục hồi kinh tế khu vực, phối hợp tìm kiếm các giải pháp cho các điểm nóng của khu vực cho đến vấn đề nâng cấp quan hệ đối tác giữa ASEAN với các đối tác nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam không chỉ là một thành viên có trách nhiệm trong thực hiện nghiêm túc các cam kết của khối mà còn luôn là một trong những nước đi đầu thúc đẩy các nỗ lực, giải pháp để khẳng định trách nhiệm và đóng góp của ASEAN với các vấn đề chung của thế giới và khu vực.
Điều này đã được phản ánh rất rõ qua những kết quả rất toàn diện và sâu sắc của các năm ASEAN do Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch vào năm 2010 và 2020. Bắt nhịp với những chuyển biến nhanh, sâu sắc của tình hình, Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN với tư duy và cách tiếp cận thực sự đổi mới, sáng tạo; thể hiện qua nhiều sáng kiến hợp tác mới do Việt Nam đề xuất, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Ví dụ như những giải pháp thiết thực, cấp bách để giúp Cộng đồng ASEAN vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19 với tinh thần đoàn kết, gắn kết hơn bao giờ hết.
Theo ông Vũ, với cách tiếp cận cân bằng và hài hòa, Việt Nam luôn được nhìn nhận đóng vai trò “cầu nối” giúp thu hẹp khác biệt và gia tăng điểm đồng giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.
ASEAN đã tạo dựng được quan hệ hợp tác khá chặt chẽ với nhiều nước và tổ chức quan trọng trên thế giới, trong đó có tất cả các nước lớn. Đến nay đã có 94 đối tác cử Đại sứ tại ASEAN, 54 Ủy ban ASEAN tại nước thứ 3 và các tổ chức quốc tế (ACTCs) được thành lập.
ASEAN đã thành công tạo ra môi trường để các nước thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác, ngăn ngừa sự cố, giải quyết khác biệt, tranh chấp, qua đó thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
Các diễn đàn, cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt thu hút được sự tham gia của các đối tác vào hợp tác khu vực. Thông qua đó, ASEAN đã tranh thủ được sự hợp tác và hỗ trợ thiết thực từ các đối tác phục vụ mục tiêu an ninh và phát triển; xác lập được vai trò “vai trò trung tâm” ở khu vực.
Các đối tác nhìn chung đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ứng phó dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Những mong muốn hợp tác đó được thể hiện qua việc ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Trung Quốc và Úc năm 2021. Dự kiến thông báo thiết lập CSP với Mỹ và Ấn Độ nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, cũng như xem xét đề xuất của các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc…
Về vấn đề Biển Đông, ASEAN duy trì lập trường nguyên tắc chung, đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin và xây dựng các quy tắc ứng xử, nhất là cùng Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và thực chất; thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề trên biển nhằm ngăn ngừa nguy cơ xung đột, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.