Những học sinh đam mê sáng tạo
Dù đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng nhiều em học sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những ý tưởng rất thực tế để chế tạo và cho ra đời những dự án, sản phẩm khoa học hữu ích ở những lĩnh vực khác nhau, góp phần phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội.
Cậu học sinh người Tày chế tạo "Quạt thông minh"
Ấn tượng đầu tiên khi gặp em Ma Tuấn Anh,lớp 11C Trường THCS&THPT Bình Trung (Chợ Đồn) là một cậu bé hoạt ngôn. Em hồ hởi dẫn chúng tôi đi tham quan phòng học. Bất ngờ khi căn phòng nhỏ của em giống như một xưởng chế tạo với đầy đủ các dụng cụ, thiết bị để em thỏa sức sáng tạo. Trên bàn học còn có nhiều nguyên liệu, máy móc mà em đang chế tạo dở dang.
Tuấn Anh chia sẻ: Em thường xuyên tháo mở các thiết bị hỏng hóc trong nhà, vừa sửa, vừa tìm hiểu nguyên lý hoạt động. Nhiều khi, em còn nhịn ăn sáng để dành tiền mua dụng cụ sửa chữa, hoặc thu gom các loại máy hỏng của hàng xóm, rồi tận dụng để chế tạo ra các thiết bị theo ý tưởng của em.
Nói về chiếc “Quạt thông minh” mà mình chế tạo ra, Tuấn Anh cho biết: Nơi em sinh ra và lớn lên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Em và các bạn cùng trang lứa không đủ điều kiện để mua sắm những loại đồ dùng, thiết bị vận hành bằng nguồn điện. Em luôn khao khát làm một thiết bị làm mát cho các bạn trên cơ sở phải tiết kiệm, dễ sử dụng nhất. Chính từ ý nghĩ này nên em đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc quạt có nhiều chức năng.
Theo Tuấn Anh, quạt có thể dùng được 3 nguồn điện là điện lưới quốc gia, nguồn năng lượng sạch, pin tích điện. Quạt thông minh dùng được nhiều chức năng làm mát diện rộng, điều chỉnh hướng gió, hệ thống phun sương làm mát tối đa diện rộng, đèn ngủ… Mô hình góp phần tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí, tăng tuổi thọ thiết bị. Về hiệu quả xã hội, Quạt thông minh sử dụng nguồn năng lượng sạch góp phần bảo vệ sức khỏe con người, cải thiện đời sống, điều kiện làm việc của mọi người, đặc biệt ở những nơi chưa có điện. Khi được áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, mang lại sự phát triển bền vững.
Tuấn Anh tâm sự: Để hoàn thành sản phẩm “Quạt thông minh” , 2 cô giáo Chu Thị Uyên và Hoàng Mai Giang giúp đỡ em rất nhiều. Chính các cô đã cho em động lực, niềm tin trong suốt quá trình chế tạo sản phẩm.
Cô giáo Chu Thị Uyên cho biết: Sản phẩm “Quạt đa năng” tuy còn hết sức thô sơ về mẫu mã nhưng qua vận hành, áp dụng vào cuộc sống thực tế đã cho thấy những hiệu quả nhất định. Với sản phẩm “Quạt thông minh” này, tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Kạn lần thứ 7 năm 2024, Nguyễn Tuấn Anh đã đoạt giải Nhất.
"Hệ thống vận chuyển nước lên cao" - giúp tiết kiệm sức lao động
Mang đến Cuộc thi dự án “Hệ thống vận chuyển nước lên cao” thuộc lĩnh vực các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, các em Trần Trí Tâm, lớp 3C, Trường Tiểu học Yến Lạc; Ngô Hoàng Nam, lớp 7C và Lèo Hoàng Quân, lớp 6C, Trường THCS Yến Lạc (Na Rì) mong muốn có thể góp phần nhỏ của mình giúp bố mẹ đỡ vất vả trong công việc nhà hằng ngày.
Chia sẻ về ý tưởng để làm ra hệ thống vận chuyển nước lên cao, Ngô Hoàng Nam cho hay: Vườn cây của gia đình em có mương nước thủy lợi chảy qua, nhưng mương thấp hơn so với bề mặt của vườn, việc lấy nước tưới cây mất nhiều thời gian và công sức (nếu tưới thủ công mà không dùng máy móc hỗ trợ). Vì vậy, em nảy ra ý tưởng làm một thiết bị hoặc dụng cụ hỗ trợ vận chuyển nước từ dưới mương lên vườn cây để bố mẹ đỡ vất vả.
Với mong muốn giải quyết những khó khăn trong thực tế của gia đình, cả 3 đã cùng nhau đưa ra phương án, kết hợp guồng nước ngày xưa ông bà vận chuyển nước ở các con suối vào ruộng và hệ thống bơm nước tăng áp thành một hệ thống thiết bị giúp người nông dân dễ dàng vận chuyển nước từ dưới mương lên đến vườn cây.
Để giúp ý tưởng của mình được hiện thực hóa, Nam, Quân và Tâm đã nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo Trương Văn Hanh, giáo viên Trường THCS Yến Lạc. Sau khi được thầy chỉ dẫn, cả 3 đều thông suốt và cùng nhau bắt tay vào chế tạo thiết bị với các tiêu chí là có thể hoạt động được ở các dòng suối nhỏ, tốc độ dòng chảy ổn định, tận dụng vật liệu đơn giản, đạt lưu lượng nước mong muốn, giá thành thiết bị thấp...
Ngô Hoàng Nam phấn khởi cho hay rằng, điều đáng giá nhất ở thiết bị là không sử dụng điện hoặc máy phát điện nên tiết kiệm chi phí cũng như thuận tiện lắp đặt ở vùng sâu vùng xa. Bởi guồng nước sẽ cung cấp nguồn nước ổn định cho hệ thống bơm nước tăng áp tự động để hệ thống này bơm nước lên đến vườn cây và lượng nước dư thừa do hệ thống này tạo ra sẽ chảy ngược lại xuống mương nên lượng nước này sẽ không bị hao phí. Sự sáng tạo và tính ứng dụng cao đã giúp dự án của cả 03 em giành giải Nhì tại Cuộc thi năm nay.
Thầy Trương Văn Hanh, giáo viên Trường THCS Yến Lạc (Na Rì) phấn khởi nói: “Cuộc thi sáng tạo khoa học là một sân chơi bổ ích cho các em thể hiện tài năng, đem lý thuyết áp dụng vào thực tế đời sống và là một cơ hội để cả các em trưởng thành hơn”.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhung-hoc-sinh-dam-me-sang-tao-post67144.html