Những học sinh nặng lòng với văn hóa dân tộc Jrai

Với mong muốn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, một số học sinh ở TP. Pleiku đã sưu tầm, tổng hợp để tạo thành một cuốn cẩm nang quý báu giúp mọi người nâng cao sự hiểu biết về truyện cổ, văn hóa của dân tộc Jrai.

“Đoàn trường THPT Pleiku thường tổ chức hoạt động tình nguyện ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng em có dịp tiếp xúc, được nghe các già làng người Jrai kể nhiều truyền thuyết, huyền thoại. Khi tìm hiểu, chúng em thấy mình hiểu biết quá ít về truyện cổ của dân tộc mình, dẫn đến nguy cơ bị mai một. Thế là chúng em quyết định sưu tầm làm thành cẩm nang gắn với các địa danh, lễ hội giúp mọi người hiểu hơn về truyện cổ cũng như bản sắc văn hóa của người Jrai”-em Nguyễn Hồng Tuyết Trinh (lớp 12C1, Trường THPT Pleiku) chia sẻ về lý do tham gia thực hiện đề tài.

Cùng tham gia nhóm còn có các em: Nguyễn Phan Hà Vy (lớp 11D1) và Mai Quý Khải (lớp 11B3, Trường THPT Pleiku), Trương Nguyễn Bảo Trân (lớp 9/10, Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP. Pleiku). Trước khi sưu tầm, nhóm đã khảo sát hiểu biết của học sinh Jrai các trường: Tiểu học và THCS Anh Hùng Đôn, Tiểu học và THCS Anh Hùng Wừu (TP. Pleiku) bằng phiếu điều tra gồm 20 câu hỏi liên quan đến đề tài cuốn cẩm nang. Đến đầu năm 2021, dưới sự giúp đỡ của cô Nguyễn Thị Huyền-giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Pleiku, nhóm tác giả đã gặp gỡ các già làng để tìm hiểu, sưu tầm các truyền thuyết, truyện cổ. Nhóm tác giả nhận thấy đời sống tinh thần của người Jrai ở Gia Lai hết sức đa dạng và phong phú với các loại truyền thuyết, huyền thoại về: phong tục, sản vật, địa danh, nhân vật. “Hình thức thể hiện chủ yếu là truyền miệng. Cùng một lễ hội nhưng ở mỗi địa phương lại có những cách kể chuyện khác nhau, kết cấu tuy đơn giản nhưng hàm chứa nội dung, ý nghĩa nhân văn. Vì thế, chúng em đã chọn lọc tập hợp truyền thuyết, huyền thoại gắn với từng địa danh để tránh bị nhầm lẫn”-em Nguyễn Phan Hà Vy chia sẻ.

Em Nguyễn Hồng Tuyết Trinh (bìa phải) và Nguyễn Phan Hà Vy (Trường THPT Pleiku) tâm huyết với cuốn cẩm nang lưu giữ một số truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Jrai. Ảnh: Thủy Bình

Em Nguyễn Hồng Tuyết Trinh (bìa phải) và Nguyễn Phan Hà Vy (Trường THPT Pleiku) tâm huyết với cuốn cẩm nang lưu giữ một số truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Jrai. Ảnh: Thủy Bình

Những truyền thuyết, huyền thoại của người Jrai mang nhiều ý nghĩa về: tình yêu quê hương, đất nước; tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; ý chí chiến đấu chống giặc, bảo vệ buôn làng, đất nước; lòng trung hiếu, chung thủy; tình yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa những người trong cộng đồng… Cuốn cẩm nang về địa danh dày 26 trang gồm các truyền thuyết, huyền thoại về: hồ Tơ Nưng, núi lửa Chư Đang Ya, núi Hàm Rồng, núi Chư Mố, thác Ia Ly… Còn cẩm nang về lễ hội dày 38 trang liên quan các truyền thuyết, huyền thoại về: lễ đặt tên, lễ thổi tai, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu, cúng bến nước, mừng lúa mới… Cẩm nang được thiết kế theo mô hình một ngôi nhà rông; ở mỗi trang, ngoài nội dung, nhóm tác giả còn khéo léo lồng ghép hình ảnh về địa danh hay lễ hội đó để độc giả dễ hình dung và nhận biết.

Chia sẻ về tác phẩm của học trò, cô Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Khi các em chia sẻ về ý tưởng này, tôi thấy rất có ý nghĩa nên sẵn sàng hỗ trợ, định hướng các em hướng tìm hiểu phù hợp. Với những thông tin hữu ích, cuốn cẩm nang này có thể làm tài liệu tham khảo, phục vụ công tác học tập và giảng dạy trong trường học. Là học sinh nhưng các em đã chủ động sưu tầm để tạo ra những sản phẩm lưu giữ truyện cổ, truyền thống của người Jrai rất đáng biểu dương”.

2 cuốn cẩm nang “Về một số truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Jrai gắn với địa danh và lễ hội ở Gia Lai” được nhóm tác giả thiết kế theo mô hình nhà rông, tạo ấn tượng với độc giả. Ảnh: Thủy Bình

2 cuốn cẩm nang “Về một số truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Jrai gắn với địa danh và lễ hội ở Gia Lai” được nhóm tác giả thiết kế theo mô hình nhà rông, tạo ấn tượng với độc giả. Ảnh: Thủy Bình

Sau khi hoàn thành, nhóm tác giả đã tặng cuốn cẩm nang cho một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố và tiếp tục làm phiếu khảo sát với 412 học sinh về nội dung của cuốn cẩm nang. Kết quả thu được khá bất ngờ, các em đều thích thú với nội dung và hình ảnh cuốn cẩm nang mang lại. Nhóm cũng đã tặng cẩm nang cho thư viện Trường THPT Pleiku và một số trường học trên địa bàn tỉnh. Em Nghin (lớp 12B4, Trường THPT Pleiku) cho biết: “Em là người Jrai ở xã Ia Chía (huyện Ia Grai), đọc cuốn cẩm nang này em hiểu thêm về lễ hội của người Jrai các vùng khác. Em cũng rút ra được nhiều bài học ý nghĩa từ các truyền thuyết, huyền thoại”.

Sử dụng cuốn cẩm nang để hỗ trợ giảng dạy, cô Bùi Thị Thoán-giáo viên Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) nhận xét: “Tôi thấy cuốn cẩm nang này khá ấn tượng, giúp người đọc có thêm thông tin về một số địa danh và lễ hội của người Jrai. Trường tôi công tác có hơn 80% là học sinh Jrai, tôi đang đặt mua cẩm nang tặng thư viện của trường để các em học sinh tìm hiểu, nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch sử và địa lý”.

Với tính tiện ích và ý nghĩa thiết thực, cẩm nang “Về một số truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Jrai gắn với địa danh và lễ hội ở Gia Lai” đã đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 9-2021. “Chúng em hy vọng cuốn cẩm nang được phát hành rộng rãi hơn trong thời gian tới nhằm giới thiệu các địa danh, lễ hội đặc sắc của người Jrai. Sắp tới, chúng em sẽ tiếp tục sưu tầm một số truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Bahnar gắn với các địa danh và lễ hội”-em Nguyễn Hồng Tuyết Trinh nói.

THỦY BÌNH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202111/nhung-hoc-sinh-nang-long-voi-van-hoa-dan-toc-jrai-5756502/