Những hy sinh thầm lặng
Xa con thơ khi bé còn bú mẹ, gửi vợ trong giai đoạn cuối thai kỳ cho người thân chăm sóc,... là những quyết định chẳng mấy dễ dàng của chị Phạm Lê Ngọc Đan và anh Trần Văn Lý trước khi tham gia hỗ trợ bệnh viện dã chiến (BVDC). Với ý chí quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh và sự ủng hộ, động viên của người thân, đồng nghiệp, chị Đan và anh Lý đã gác lại việc riêng để tham gia vào 'chiến tuyến' điều trị người nhiễm Covid-19.
Tấm lòng của nữ bác sĩ 9X
“Sáng, trưa, chiều, tối, người phụ nữ hơn 60 tuổi nhiễm Covid-19 thường xuyên gọi cho tôi. Bà không có bệnh nền, sức khỏe bình thường nhưng tinh thần gặp nhiều khủng hoảng, không ăn uống, ngủ không đủ giấc.
Trước đó, gia đình bà có 2 thành viên nhiễm bệnh nhưng đã xuất viện, một mình bà đến BVDC. Hiểu được nỗi lo lắng của bà nên tôi thường động viên, an ủi. Từ đó, bà đã lấy lại được tinh thần lạc quan, khoảng 10 ngày bà xuất viện” - bác sĩ (BS) Phạm Lê Ngọc Đan (Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An) kể lại.
Tham gia hỗ trợ BVDC số 17 từ tháng 8/2021, đây là một trong vô số tình huống mà BS Đan đã gặp. Theo BS Đan, ngoài dinh dưỡng, yếu tố tinh thần là một trong những “liều thuốc” vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân (BN) nhanh phục hồi.
Trước khi hỗ trợ BVDC, BS Đan tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh tại Trung tâm Y tế huyện. Theo BS Đan, thời điểm đó, người dân chưa được phủ vắc-xin như hiện nay nên nhiều trường hợp gặp triệu chứng nặng. Mọi người luân phiên nhau trực 24/24 giờ để ứng phó với các tình huống bất ngờ.
Ở tuổi 32, BS Đan đã lập gia đình và có 2 con, bé lớn 5 tuổi, bé nhỏ chỉ mới hơn 10 tháng tuổi. Xa con thơ khi bé còn bú mẹ là quyết định chẳng mấy dễ dàng của chị.
BS Đan tâm sự: “Chưa bao giờ tôi xa gia đình lâu đến vậy. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân không sau diễn tả được. Nhìn 2 con nhớ mẹ rồi khóc tôi cũng không cầm được nước mắt. Ngay khi huyện Bến Lức kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chồng tôi chở các con đến thăm tôi; tuy nhiên, cả nhà chỉ đứng nhìn nhau từ xa. Lúc đó, tôi chỉ mong nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh để mình và mọi người được trở về nhà. Giữa tháng 11/2021, BVDC số 17 giải thể”.
Ăn vội, ngủ không đủ giấc là chuyện thường xảy ra đối với BS Đan và lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch tại BVDC. Song, với ý chí quyết tâm, mọi người đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ “chiến thắng” dịch bệnh. Trước những nỗ lực, cố gắng đó, BS Đan được UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích tốt trong công tác tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Trở lại trạng thái “bình thường mới”, BS Đan quay về với guồng quay của công việc khám, chữa bệnh. Trò chuyện cùng chúng tôi được một lúc thì có BN đến khám bệnh. Đôi chân đi khập khiễng, cô bé trạc 8 tuổi được người bà dìu vào phòng khám. Bước lại gần BN nhí, BS Đan ân cần hỏi thăm tình trạng của bé và khám bệnh. Nhìn cách BS Đan tận tâm, chu đáo với BN giúp chúng tôi phần nào hiểu được cái tâm của vị BS trẻ này đặt vào công việc.
Theo BS Đan, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, người công tác trong ngành Y phải yêu nghề, điềm tĩnh, biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông với BN, người nhà BN khi họ nóng tính, không kiềm chế được cảm xúc.
Khăn gói lên đường theo tiếng gọi của quê hương
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giữa tháng 6/2021, anh Trần Văn Lý - nhân viên y tế cơ sở tại Trạm Y tế phường Tân Khánh, TP.Tân An, tham gia các đội tầm soát Covid-19 cộng đồng tại nhà trọ, khu phong tỏa, cách ly, có hôm gần 23 giờ anh mới xong việc. Ngoài ra, anh còn trực chốt kiểm soát, tham gia truy vết, đưa người bị nhiễm Covid-19 đi cách ly.
Thời điểm tháng 7/2021, phường Tân Khánh xuất hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, toàn thể cán bộ, nhân viên y tế của trạm túc trực làm việc không quản giờ giấc. Mọi người cùng nhau cố gắng để hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất.
Trong những tuần cuối thai kỳ của vợ, anh Lý nhờ mẹ chăm sóc vợ. Ngày 06/8/2021, anh khăn gói lên đường hỗ trợ BVDC số 21.
Anh Lý cho hay: “Đây là con đầu lòng của vợ chồng tôi, chẳng thể ở cạnh vợ trong những ngày này tôi cũng buồn và trăn trở nhiều lắm. Tuy nhiên, thời điểm đó, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nên khi được điều động là tôi lên đường ngay. Thật may mắn khi vợ là người rất tâm lý. Cả 2 chúng tôi làm cùng ngành nên em luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu. Em nói tôi cứ yên tâm làm tốt nhiệm vụ, ở nhà, cô ấy đã có mẹ chăm sóc. Thời điểm đó, vợ luôn là người động viên, điểm tựa tinh thần vững chắc để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi khi có thời gian rảnh, tôi thường gọi video để trò chuyện cùng vợ”.
Được biết, giai đoạn đỉnh điểm, BVDC số 21 có khoảng 800 ca nhiễm Covid-19. Anh Lý làm công tác giám sát, theo dõi xuất, nhập; quản lý các khu vực có BN; theo dõi đội phun khử khuẩn tất cả các khu vực; tiếp nhận tình hình trở bệnh để báo cáo cấp trên xử lý, chuyển viện. Ngoài ra, anh còn tham gia lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm của BN, nhân viên của BVDC.
Nhận nhiệm vụ mới được hơn nửa tháng, ngày 23/8/2021, anh Lý nhận tin vợ vỡ ối sớm khi trên đường đi khám thai. “Hôm ấy, một mình vợ đi khám thai nhưng vỡ ối sớm, cũng may vợ nhanh trí chạy đến phòng cấp cứu của BV Sản nhi. Sinh con khi chồng không ở cạnh và địa phương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên mọi thứ khá vất vả. Thật may mắn khi cô ấy đã mẹ tròn con vuông!” - anh Lý nhớ lại.
Anh tham gia hỗ trợ BVDC số 21 đến ngày 30/10/2021 thì kết thúc công việc. Được biết, anh Lý có xuất phát điểm là nhân viên y tế trường học từ năm 2014 - 2019. Ngày 01/12/2019, anh về công tác tại Trung tâm Y tế TP.Tân An, sau đó, anh được điều động về Trạm Y tế phường Tân Khánh đến nay. Dù đảm nhận bất cứ vị trí nào, anh Lý cũng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và nhận được sự yêu thương, tín nhiệm của mọi người./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-hy-sinh-tham-lang-a130906.html