Những kế hoạch của ông Donald Trump trong ngày đầu nhậm chức

Tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ, ông Donald Trump, đã sẵn sàng ký một loạt các sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai.

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã bắt đầu bằng một sắc lệnh hành pháp duy nhất nhắm vào Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare). Nhưng khi ông Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng lần hai, ông hứa sẽ phá bỏ hoàn toàn sách lược truyền thống của tổng thống.

Với hơn 100 sắc lệnh hành pháp được cho là đã chuẩn bị, chương trình nghị sự của ông đại diện cho nỗ lực mới nhằm định hình lại nền quản trị của Mỹ thông qua ý chí hành pháp tuyệt đối.

Nếu được ban hành, bản thiết kế này sẽ tác động đến mọi thứ, từ thương mại quốc tế đến nhập cư, từ tiền điện tử đến chương trình giảng dạy trong lớp học.

Kỷ lục trước đó thuộc về Tổng thống Joe Biden, người đã ký 17 sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên của năm 2021.

Kế hoạch của ông Trump thể hiện tham vọng hành chính chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Sau đây là một số cam kết quan trọng nhất của ông trong ngày đầu tiên nhậm chức và ý nghĩa của chúng.

 Ông Trump phát biểu tại biên giới Mỹ - Mexico vào ngày 22/8, phía nam Sierra Vista, Arizona. Ảnh: GI

Ông Trump phát biểu tại biên giới Mỹ - Mexico vào ngày 22/8, phía nam Sierra Vista, Arizona. Ảnh: GI

Biên giới và chương trình trục xuất hàng loạt

Ông Trump đã thề sẽ khởi động "chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ" ngay sau khi nhậm chức. Quy mô thật đáng kinh ngạc, với ước tính 11 triệu người di cư không có giấy tờ và người xin tị nạn tại Mỹ, bao gồm khoảng 500.000 người có tiền án. Điều này sẽ làm lu mờ kỷ lục 430.000 vụ trục xuất hàng năm của chính quyền Tổng thống Barack Obama vào năm 2013.

Nhóm của ông đang hoàn thiện một loạt lệnh hành pháp mạnh mẽ, dự kiến sẽ được công bố chỉ vài giờ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. Những biện pháp này sẽ mở đầu cho chiến dịch trấn áp nhập cư với tác động sâu rộng trên toàn nước Mỹ.

Gói hành động này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách nhập cư của Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến người nhập cư đang sống tại Mỹ cũng như những người xin tị nạn tại biên giới Mỹ - Mexico.

Ông Stephen Miller, cố vấn thân cận của ông Trump, đã xác nhận rằng các kế hoạch bao gồm việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới. Điều này sẽ cho phép chính quyền sử dụng ngân sách từ Bộ Quốc phòng để thực hiện các biện pháp cần thiết.

Ngoài ra, ông Trump dự định chỉ định các băng đảng ma túy lớn là tổ chức khủng bố nước ngoài, tạo cơ sở pháp lý cho những hành động quyết liệt hơn nhằm đối phó với các nhóm tội phạm xuyên biên giới.

Một phần quan trọng trong kế hoạch là khôi phục chương trình "Remain in Mexico", buộc người di cư phải chờ xét duyệt hồ sơ nhập cư tại Mexico thay vì được phép vào Mỹ.

 Những người di cư gặp các viên chức Hải quan và Biên phòng Mỹ sau khi vượt qua một đoạn tường biên giới vào Mỹ, ngày 5/1, tại Ruby, Arizona. Ảnh: GI

Những người di cư gặp các viên chức Hải quan và Biên phòng Mỹ sau khi vượt qua một đoạn tường biên giới vào Mỹ, ngày 5/1, tại Ruby, Arizona. Ảnh: GI

Chính quyền Tổng thống Trump cũng dự kiến khởi động lại Thỏa thuận Hợp tác Tị nạn, từng được thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Thỏa thuận này cho phép Mỹ gửi người di cư đến các quốc gia khác để xét duyệt yêu cầu tị nạn.

Các biện pháp trục xuất sẽ được đẩy mạnh với sự gia tăng lực lượng nhân viên ICE (Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ). Những cuộc truy quét sẽ tập trung vào các thành phố lớn như Washington DC, Denver và Chicago, nhắm vào người nhập cư không giấy tờ có tiền án.

Theo một nguồn tin, chính quyền ông Trump dự kiến triển khai máy bay trục xuất và thực hiện hàng loạt vụ bắt giữ tại các khu vực này.

Trong vòng 30 đến 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới, các hoạt động thực thi nhập cư sẽ diễn ra rầm rộ để thắt chặt biên giới phía nam, đảo ngược các chính sách của chính quyền Tổng thống Biden và tăng cường việc thực thi luật pháp nội địa, đúng như những cam kết mà ông Trump đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Đảo ngược các chính sách năng lượng

Ngay từ những ngày đầu tiên nhậm chức, chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sẽ ban hành loạt sắc lệnh hành pháp nhằm xóa bỏ các chính sách năng lượng của chính quyền Tổng thống Biden.

Các lệnh này sẽ tập trung vào việc giảm bớt quy định và giám sát đối với các dự án nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy sản xuất năng lượng trong nước.

Theo cố vấn Stephen Miller, ông Trump có kế hoạch tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng, đồng thời ban hành các quy tắc và luật cấp phép nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp liên quan. Những hành động này phản ánh các chính sách từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông, khi ông ưu tiên độc lập năng lượng và tăng trưởng kinh tế.

Chính quyền mới sẽ chỉ đạo Bộ Năng lượng, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Nội vụ xem xét lại toàn bộ chính sách năng lượng của ông Biden. Ông Trump cũng dự kiến rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, hủy bỏ các hạn chế của ông Biden đối với hoạt động khoan dầu khí trên đất liên bang và ngoài khơi, đồng thời đảo ngược lệnh tạm dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Ông Trump còn đang soạn thảo các lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn hoạt động điện gió ngoài khơi Bờ Đông và thiết lập các rào cản lâu dài đối với lĩnh vực năng lượng gió, vốn luôn bị ông chỉ trích. Ngoài ra, nhóm của ông Trump cũng đang cân nhắc tái cấp phép cho dự án Đường ống Keystone, dù dự án này đã bị dừng vô thời hạn do bất ổn pháp lý và chính trị.

 Các tua-bin gió đang tạo ra điện tại Trang trại điện gió Block Island. Ảnh: CC/Wiki

Các tua-bin gió đang tạo ra điện tại Trang trại điện gió Block Island. Ảnh: CC/Wiki

Cú sốc thuế quan của Bắc Mỹ

Có lẽ lời hứa quan trọng nhất về mặt kinh tế của ông Trump trong ngày đầu tiên là lời cam kết áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và có thể định hình lại đáng kể thương mại Bắc Mỹ.

Canada đã tuyên bố sẽ đáp trả thuế quan, và Mexico cho biết họ cũng sẽ làm như vậy. Khi được hỏi liệu Quebec có cân nhắc tạm dừng các chuyến hàng thủy điện hoặc nhôm đến Mỹ hay không, thủ hiến tỉnh François Legault đã trả lời rằng ông sẽ chờ ông Trump đưa ra động thái đầu tiên.

Ông Trump cũng dự kiến áp đặt mức thuế quan mới đối với Trung Quốc với mức thuế tăng dần nếu các cuộc đàm phán không đạt được kỳ vọng. Các cố vấn của ông đang cân nhắc cách tiếp cận phù hợp và chưa có quyết định cuối cùng về tốc độ triển khai chính sách này.

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran, quay trở lại chiến lược "gây sức ép tối đa" nhằm giảm xuất khẩu dầu của Iran khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày. Động thái này được kỳ vọng sẽ làm giảm nhẹ nguồn cung toàn cầu, trong khi ông Trump thúc đẩy sản xuất năng lượng nội địa để bù đắp sự thiếu hụt.

Ân xá tù nhân bạo loạn Điện Capitol

Ông Trump không chỉ hứa ân xá, ông còn nêu rõ mốc thời gian, nói rằng ông sẽ bắt đầu xem xét các vụ án trong "có lẽ là 9 phút đầu tiên" của nhiệm kỳ tổng thống của mình. Với hơn 1.580 bị cáo bị buộc tội và 1.270 bị kết án, đây có thể là một trong những đợt ân xá hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Nhiều người trong số đó đã hoàn thành bản án, nghĩa là một số lệnh ân xá sẽ chủ yếu mang tính biểu tượng. Đó sẽ là một động thái đáng hoan nghênh đối với một số người ủng hộ trung thành nhất của ông.

 Cuộc tấn công Điện Capitol Mỹ năm 2021. Ảnh: CC/Wiki

Cuộc tấn công Điện Capitol Mỹ năm 2021. Ảnh: CC/Wiki

Quyền của người chuyển giới

Ngay trong ngày đầu tiên, ông Trump được cho là sẽ thực hiện những bước đi nhằm bãi bỏ quyền của người chuyển giới ở mức sâu rộng nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.

Ông Trump có kế hoạch khôi phục lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội, một chính sách gây tranh cãi đã bị chính quyền ông Biden bãi bỏ. Đồng thời, ông dự định áp đặt lệnh cấm phụ nữ chuyển giới tham gia thi đấu các môn thể thao dành riêng cho nữ ở mọi cấp độ, từ trường học đến các giải đấu quốc gia.

Nếu được thực hiện, các chính sách này có thể ảnh hưởng đến khoảng 1,6 triệu người chuyển giới tại Mỹ, bao gồm khoảng 15.000 quân nhân chuyển giới từng phục vụ công khai trong quân đội tính đến năm 2018. Ngoài ra, hàng nghìn sinh viên là vận động viên tại các trường học và đại học trên toàn quốc cũng sẽ chịu tác động trực tiếp từ những thay đổi này.

"Phá hủy nhà nước ngầm"

Ông Trump đã cam kết hành động ngay lập tức để "phá hủy nhà nước ngầm", trong đó có kế hoạch khôi phục sắc lệnh hành pháp Biểu F từ năm 2020. Sắc lệnh này sẽ phân loại lại hàng chục nghìn nhân viên liên bang, biến họ thành những người được bổ nhiệm vì lý do chính trị, qua đó tạo điều kiện dễ dàng hơn để sa thải họ.

Động thái này có thể gây biến động lớn đối với lực lượng lao động liên bang, dù có thể sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ về mặt pháp lý từ các đối thủ chính trị và các nhóm bảo vệ quyền lợi lao động.

Tiền điện tử trong ngân hàng

Ông Trump được cho là sẽ thành lập một quỹ dự trữ chiến lược Bitcoin của Mỹ, hợp tác với "ông trùm tiền điện tử" David Sacks, cựu giám đốc điều hành của PayPal. Quỹ này dự kiến ra mắt ngay trước lễ nhậm chức của ông, trong bối cảnh Bitcoin đạt mức cao kỷ lục. Các thị trường đang kỳ vọng vào một chính sách thân thiện với tiền điện tử mạnh mẽ từ chính quyền mới của Tổng thốngTrump.

Sự chuyển biến này còn được củng cố khi thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Sherrod Brown, một người chỉ trích mạnh mẽ tiền điện tử, đã thất bại trong cuộc bầu cử tại Ohio trước doanh nhân blockchain Đảng Cộng hòa Bernie Moreno, người đã tuyên thệ nhậm chức vào Thượng viện vào tháng này.

Đàm phán xung đột Nga - Ukraine

Ông Trump đã cam kết đạt được thỏa thuận hòa bình trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, dù chi tiết cụ thể chưa được tiết lộ.

Mục tiêu này có vẻ khó có thể xảy ra, ngay cả khi nhóm của ông bắt đầu sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hoài Phương (theo Guardian, CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-ke-hoach-cua-ong-donald-trump-trong-ngay-dau-nham-chuc-post331186.html