Ổn định hay biến động?

12 giờ trưa 20/1 giờ địa phương (rạng sáng 21/1 giờ Việt Nam), ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 của Mỹ, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của vị tỉ phú bất động sản sau thất bại trong cuộc tái tranh cử năm 2020.

Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ được tổ chức bên trong Điện Capitol thay vì ngoài trời như truyền thống do gió lạnh khiến thời tiết ở thủ đô Washington D.C lạnh buốt hơn dù nền nhiệt chỉ ở mức âm 7 độ C.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu trong buổi mít tinh tại Washington tối 19/1/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu trong buổi mít tinh tại Washington tối 19/1/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Dư luận các giới tại địa bàn nhận định sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump sẽ không ngần ngại triển khai hàng loạt chính sách về đối nội, đối ngoại gây tranh cãi, in đậm dấu ấn cá nhân của ông. Ngay sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 5/11/2024, ông Trump đã hứa sẽ tiến hành những điều chỉnh chính sách đáng kể theo hướng phủ nhận di sản của người tiền nhiệm, tái áp đặt những chính sách trong nhiệm kỳ đầu đã bị ông Biden đảo ngược, đưa ra các chính sách mới. Tất cả đều thống nhất với chủ thuyết "Nước Mỹ trước tiên", hướng tới mục tiêu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Phát biểu trên đài NBC News ngày 18/1, ông Trump tuyên bố dự kiến ký một số lượng kỷ lục các sắc lệnh hành pháp (ước tính khoảng 100 sắc lệnh), bắt đầu "ngay tức thì" sau khi ông đọc diễn văn nhậm chức.

Trong lĩnh vực đối nội, ưu tiên hàng đầu của ông Trump là thắt chặt an ninh biên giới và nhập cư bằng các biện pháp như: hoàn thiện bức tường biên giới Mỹ-Mexico; lập các cơ sở tạm giữ người nhập cư trái phép chờ trục xuất; khôi phục chính sách "ở lại Mexico" - yêu cầu người di cư ở lại Mexico hoặc các quốc gia khác trong khi tòa án Mỹ xem xét đơn xin tị nạn; chấm dứt mọi chính sách "biên giới mở", đóng cửa biên giới phía Nam...

Về năng lượng và khí hậu, Tổng thống Trump dự kiến bãi bỏ các tiêu chuẩn về khí thải do chính quyền tiền nhiệm đưa ra để buộc các nhà sản xuất ô tô phải bán nhiều xe điện và xe hybrid hơn; dỡ bỏ các hạn chế đối với sản xuất nhiên liệu hóa thạch và lệnh tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới, mở rộng đáng kể hoạt động khoan dầu khí trên đất liền và vùng biển liên bang nhằm giúp đất nước hoàn toàn độc lập về năng lượng; rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cũng như cân nhắc rút khỏi Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992. Ngoài ra, ông Trump cũng thúc đẩy khai thác tiền điện tử - ngành công nghiệp tiêu thụ lượng điện năng khổng lồ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty khai thác tiền điện tử hoạt động tại Mỹ, lập "kho dự trữ bitcoin quốc gia chiến lược".

Về kinh tế - thương mại, Tổng thống Trump sẽ chỉ đạo các cơ quan liên bang “xóa bỏ mọi quy định gây phiền hà” bị cho là cản trở doanh nghiệp, làm tăng giá hàng tiêu dùng, qua đó cố gắng hạ thấp chi phí sinh hoạt của người dân. Bộ Hiệu quả chính phủ mới thành lập có nhiệm vụ xác định các quy định có thể bãi bỏ (dự kiến bình quân cứ mỗi quy định mới được áp dụng thì có 10 quy định cũ bị bãi bỏ); giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15%; hủy bỏ quyết định tăng thuế thu nhập đối với những người Mỹ giàu có nhất và bãi bỏ các khoản thuế theo Đạo luật Giảm lạm phát tài trợ cho các biện pháp năng lượng nhằm chống biến đổi khí hậu...

Với mục tiêu đưa việc làm trở lại Mỹ, ông Trump có thể là tổng thống Mỹ đầu tiên viện dẫn Quyền hành pháp khẩn cấp để áp đặt một số mức thuế quan nhằm duy trì việc làm trong ngành sản xuất, với mức thuế phổ quát từ 10-20% đối với hàng hóa nước ngoài, 25% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada, áp thuế bổ sung 10% đối với hàng Trung Quốc và có thể tăng lên tới 60%. Hiện ông Trump đang cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc áp đặt hàng loạt biện pháp thuế quan mới, ảnh hưởng đến cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ. Ngoài ra, ông Trump có thể cân nhắc rút Mỹ khỏi “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng” (IPEF)...; ngăn chặn Trung Quốc sở hữu cơ sở hạ tầng của Mỹ như năng lượng, công nghệ, viễn thông và tài nguyên thiên nhiên, buộc Bắc Kinh bán các khoản nắm giữ hiện tại có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Một số nhóm vận động của đảng Cộng hòa đang thúc đẩy chính quyền Trump 2.0 rút khỏi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng thế giới (WB), nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng việc này không khả thi.

Về xã hội, ông Trump chủ trương tinh gọn bộ máy chính quyền. Về y tế, ông dự định thay thế Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng (Obamacare), hướng tới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân Mỹ... Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, có thể Mỹ sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì cho rằng tổ chức này bị Trung Quốc kiểm soát.

Về đối ngoại, Tổng thống Trump gần đây đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhằm vào cả đồng minh và đối tác như để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự hoặc kinh tế để giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ tự trị Greenland (thuộc Đan Mạch) và kênh đào Panama, đe dọa dùng sức mạnh kinh tế để thâu tóm Canada thành bang thứ 51 của Mỹ, đề xuất đổi tên “Vịnh Mexico” thành “Vịnh châu Mỹ”. Theo giới quan sát, những lời lẽ đe dọa, thúc đẩy một số quốc gia có chủ quyền giao lại lãnh thổ báo hiệu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump 2.0, mặc dù trước đây ông không hề né tránh việc đe dọa các đồng minh và sử dụng lời lẽ hiếu chiến trong quan hệ với các đối tác. Tuy nhiên, đây có thể là chiến thuật đàm phán của ông Trump, sử dụng lối nói khoa trương nhằm gây sức ép buộc các đối tác phải nhượng bộ, đáp ứng các lợi ích của Mỹ và đối phó với các đối thủ chiến lược. Ví dụ như buộc Đan Mạch tăng cường các biện pháp phòng vệ tại Greenland nhằm ngăn chặn Nga và Trung Quốc tiến vào vùng lãnh thổ này, đe dọa trực tiếp an ninh của Mỹ, hoặc buộc Panama đưa ra những ưu đãi cho hàng hóa Mỹ quá cảnh qua kênh đào này.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng có bước leo thang mới khi yêu cầu các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so với hướng dẫn hiện tại của liên minh là 2% được nhất trí từ năm 2014. Nhìn chung, các đồng minh trong và ngoài NATO của Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump có thể định hướng lại chính sách đối ngoại theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, thu hẹp quy mô can dự quân sự tốn kém ở nước ngoài, kêu gọi các đồng minh gánh vác nhiều hơn nữa để giải quyết những thách thức chung. Theo giới quan sát, mục đích của ông Trump là nhằm tạo cơ hội làm ăn cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Những lời lẽ đe dọa là chiến thuật đàm phán của một doanh nhân lão luyện, “một mũi tên trúng hai đích”, lập tức đẩy giá cổ phiếu của các công ty vũ khí Mỹ lên cao, đồng thời khiến các đồng minh châu Âu "đứng ngồi không yên", buộc phải xem xét tăng chi tiêu quốc phòng dù có thể không tới mức 5%.

Đối với cuộc chiến Nga - Ukraine, ông Trump và đội ngũ cố vấn đã thừa nhận không thể sớm chấm dứt chiến tranh như cam kết “trong vòng 24 giờ”. Dự kiến ông Trump sẽ sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để thương lượng, tìm giải pháp cho các bên rút chân khỏi cuộc chiến tranh tiêu hao này. Để tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp, chính quyền Mỹ mới có thể sẽ nới lỏng một số lệnh trừng phạt Nga.

Mặc dù ông Trump tuyên bố muốn sử dụng trừng phạt một cách hạn chế, nhưng nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng điều này khó xảy ra vì ông đã sử dụng các lệnh trừng phạt nhiều kỷ lục trong nhiệm kỳ đầu. Dự báo ông Trump sẽ quay lại chính sách “gây sức ép tối đa” với Iran và tăng cường các biện pháp trừng phạt Cuba, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về khả năng thay đổi các cơ chế trừng phạt đối với Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Venezuela…

Các đời tổng thống Mỹ khi mới lên cầm quyền thường ban hành một số sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên để báo hiệu những hướng ưu tiên nhất định, nhưng những biện pháp mà ông Trump lên kế hoạch ban hành có thể sẽ có phạm vi rộng hơn. Nhìn chung, các sắc lệnh hành pháp của ông Trump được chia thành hai nhóm: những sắc lệnh nhằm mở rộng chương trình nghị sự MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và những sắc lệnh đảo ngược hoặc ngăn chặn các hành động của người tiền nhiệm Biden.

Mục đích của ông Trump công bố số lượng lớn các sắc lệnh hành pháp nhằm gây ấn tượng với dư luận trong nước và quốc tế, thể hiện ý chí tái định hình chính sách của Mỹ ngay ngày đầu nhậm chức. Tuy nhiên, do đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số mong manh tại Hạ viện nên ông rất cần sự hợp tác từ các thành viên Dân chủ ủng hộ hợp tác lưỡng đảng. Nhìn chung, về kinh tế, nhập cư, chính sách đối ngoại và các vấn đề khác, cử tri sẽ mong đợi chính quyền Tổng thống Trump áp dụng cách tiếp cận ôn hòa, quản lý hiệu quả, hơn là việc điều hành dựa trên quan điểm cực đoan hoặc các khiếu nại chính trị, hợp tác thay vì đối đầu, hướng tới các giải pháp trung dung và tránh làm trầm trọng thêm sự chia rẽ đảng phái như nhiệm kỳ đầu.

Đoàn Hùng (PV TTXVN tại Mỹ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/on-dinh-hay-bien-dong-20250120202849594.htm