Những 'kế sách' hướng tới lành mạnh hóa thị trường tài chính, mang lại lợi ích cho người dân…
Loạt tác phẩm 4 kỳ: 'Xóa bỏ thế độc quyền dịch vụ chuyển mạch tài chính' của nhóm tác giả Nguyễn Đức Thành, Phạm Thị Thùy Dung, Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyễn Tuấn Anh- Báo Lao Động được Hội đồng chung khảo Giải BCQG năm 2021 đánh giá cao là một tác phẩm công phu, chất lượng cả về hình thức và nội dung.
Bài liên quan
Lát cắt phi thường nơi “tâm dịch”
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - VTV: Chỉ cảm xúc mới “chạm” được tới “tâm” của người xem
Thông tin dồn dập, số liệu tăng chóng mặt và sự thật hối thúc từng giờ
Nhà báo Nguyễn Ngân- VTV: Phải đến gần hơn với nhân vật, câu chuyện để truyền cảm xúc đến khán giả
10 năm trăn trở cùng vấn nạn của ngành y
Chiến dịch “giải cứu 24 Chúa Sơn Lâm”
“Chúng tôi viết về vỉa hè bằng tình yêu dành cho thành phố”
Câu chuyện về “xóa bỏ độc quyền” trong dịch vụ chuyển mạch tài chính được các chuyên gia đặt ra đã góp phần quan trọng trong lành mạnh hóa thị trường tài chính, hướng đến những lợi ích thiết thực với người dân.
Phóng viên báo Lao Động phỏng vấn Ts.Nguyễn Đức Kiên.
Quan điểm của chuyên gia giúp thông điệp truyền tải có thêm sức nặng và tính khách quan
Loạt tác phẩm được tổ chức rất công phu về một vấn đề mang tầm chính sách vĩ mô trong bối cảnh cả hệ thống chính trị nỗ lực vào cuộc thúc đẩy nền kinh tế số và nỗ lực tiến vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0…
Trên thực tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những chủ trương quan trọng mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhất là, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp trong 2 năm qua, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ.
Nhu cầu về chuyển mạch tài chính ngày càng tăng, và ngày càng đòi hỏi tốc độ cao, tính an toàn bảo mật, nhiều sản phẩm dịch vụ mới…
Thế nhưng có một vấn đề bất cập, đó là Việt Nam hiện chỉ có duy nhất 1 đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Đây được ví như chiếc cầu nối liên thông việc chuyển tiền giao dịch giữa các ngân hàng với nhau, hoặc giữa ngân hàng với đại lý bán hàng...
Dù muốn hay không, việc chỉ có duy nhất 1 đơn vị “đơn thương độc mã” trong dịch vụ này cũng được hiểu rằng có “độc quyền” - đồng nghĩa với việc tự quyết định giá, chất lượng dịch vụ, mức độ đáp ứng của công nghệ… Cho nên, phá bỏ thế độc quyền trong lĩnh vực này chính là hướng tới thị trường cạnh tranh, chất lượng dịch vụ nâng lên, phí giao dịch ngày càng giảm.
Thực tế, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay ngày càng gia tăng, việc cho phép thêm đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ góp phần tạo thêm các nguồn lực xây dựng và phát triển các hạ tầng thanh toán điện tử, giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý giao dịch, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… là giải pháp cấp bách.
Trước thực tế đó, nhóm phóng viên kinh tế của báo Lao động đã nhìn thấy vấn đề này, quyết định tìm hướng triển khai một cách hiệu quả, tháo gỡ nút thắt “độc quyền”.
Nhà báo Lan Hương chia sẻ: “Khi thực hiện đề cương tuyến bài này, nhóm phóng viên đã bàn bạc rất kỹ về việc nên phỏng vấn chuyên gia nào để có được những ý kiến phân tích sắc sảo, khách quan và thuyết phục. Chúng tôi đã tìm đến chuyên gia công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực để lắng nghe những ý kiến phản biện sắc sảo và đưa ra giải pháp về mặt công nghệ nên như thế nào. Chúng tôi tìm đến phỏng vấn Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế để có những cái nhìn sâu sắc hơn về ảnh hưởng của việc độc quyền chuyển mạch quốc gia thì có thể khiến thụt lùi đổi mới sáng tạo, giảm khả năng cạnh tranh…”.
Sản phẩm báo chí được trình bày rất sinh động.
Quả thực, sự đặc sắc của loạt bài này là sự “vào cuộc” rất mạnh mẽ của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế nổi tiếng… Những phân tích rất thẳng thắn, thuyết phục, những giải pháp rất rõ ràng trong loạt bài đã giúp cho các vấn đề được sáng rõ. Nhóm tác giả đã “chọn mặt gửi vàng” để những quan điểm rất rõ ràng, sắc sảo, đúng trúng vấn đề, giúp thông điệp tác phẩm muốn truyền tải có thêm sức nặng và tính khách quan.
TS. Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phát biểu rằng, chúng ta không loại trừ vào một thời điểm nào đó vào năm 2025, hoặc năm 2030 khi chúng ta hướng tới trở thành nước công nghiệp với GDP vào khoảng gần 1.000 tỷ USD thì chúng ta sẽ phải có những hệ thống thanh toán song song để giảm bớt hiện tượng nghẽn mạch và rủi ro trên thị trường. Vì vậy, cần phá bỏ thế độc quyền trong việc cấp phép cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Hay như TS. Lưu Bình Nhưỡng - ĐBQH khóa XIV – Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội nhận định lợi ích thấy rõ khi tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị với nhau và trước hết nâng cao chất lượng, giảm chi phí, giúp chúng ta phân phối lợi ích, lợi nhuận xã hội ra nhiều người, tránh tình trạng độc quyền, tránh tình trạng một người thu gom nhiệm vụ nhưng trì hoãn, bắt chẹt về lợi ích, gây tăng chi phí xã hội, đầu tư xã hội và giảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp…
Tác động sâu sắc tới nhận thức trong xã hội về một vấn đề khó, đặc thù
Một trong những điểm đặc sắc của loạt bài chính là việc nhóm tác giả thực hiện dưới hình thức E-magazine, phối hợp rất nhuần nhuyễn hình ảnh, text, video… trong một sản phẩm. Việc lựa chọn hình thức thể hiện mới làm “mềm hóa” một vấn đề vĩ mô, giúp cho các thông tin vừa toàn diện, vừa có chiều sâu và thu hút công chúng.
Chia sẻ về điều này, nhà báo Lan Hương cho biết: “Ngày nay, yêu cầu của bạn đọc rất cao, không chỉ là bài báo có thông tin chất lượng mà còn cần có hình ảnh đẹp minh họa, thiết kế bắt mắt, thực hiện đính kèm video để tăng sức thuyết phục. Việc đưa thông tin theo hướng đa phương tiện kết hợp giữa text, ảnh, video… cũng là chủ trương đúng đắn mà Ban Biên tập Báo Lao Động vẫn đang theo đuổi. Làm thế nào để có một tác phẩm chỉn chu, đẹp hình thức, nội dung thông tin sâu, đem lại giá trị cho cộng đồng… đó là điều mà báo Lao Động hướng tới. Với loạt bài, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ thu hút công chúng thông qua cách trình bày hiện đại và sinh động này”.
Các vấn đề đặt ra trong loạt bài được lần lượt tháo gỡ, với việc thẳng thắn chỉ ra rằng quyết định 149/QĐ -CP đã bước sang tuổi thứ 2 song dường như yêu cầu cấp bách về việc xây dựng cơ chế cho hoạt động chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử theo hướng cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ vẫn chưa có động thái nào thay đổi.
Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ ra, trong bối cảnh đòi hỏi phát triển kinh tế số như hiện nay, ngay cả kế hoạch phát triển tiền điện tử cũng đã bắt đầu rục rịch thì không có lý do nào để trì hoãn phá bỏ thế độc quyền và mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Với những lập luận chắc chắn ấy, sau loạt bài, cùng với dư luận tích cực trong xã hội, đã huy động sức mạnh trí tuệ của các giới, đặc biệt là các chuyên gia kinh tế - tài chính, nhà quản lý,… đã tiếp tục đóng góp ý kiến, gợi mở nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công bằng hơn trong dịch vụ chuyển mạch tài chính trong cả ngắn, trung và dài hạn.
Quan trọng hơn cả, những kế sách được đưa ra đều tập trung hướng tới lành mạnh hóa thị trường tài chính cũng như mang lại lợi ích to lớn hơn cho người dân. Tất nhiên, từ sự thay đổi về nhận thức tới hiện thực hóa những thay đổi trong thể chế để đi vào thực tiễn cần một khoảng thời gian nhất định. Song, tiền đề lớn nhất và khó nhất là thay đổi nhận thức thì chúng ta đã thực hiện được.
Tác phẩm sử dụng thể loại Emagazine.
“Hiện nay không chỉ Báo Lao Động, nhiều tòa soạn khác cũng đang đẩy mạnh Báo chí giải pháp nhằm hướng tới một nền báo chí hiện đại, không chỉ đơn thuần phản ánh, đấu tranh mà hơn hết là đưa ra các giải pháp trên tinh thần xây dựng, đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và quyền lợi của người dân.
Điều tích cực sau loạt bài “Xóa bỏ thế độc quyền dịch vụ chuyển mạch tài chính” đó là đã tác động sâu sắc tới nhận thức trong xã hội về một vấn đề khó, đặc thù, mang tính chuyên môn cao của nghiệp vụ chuyển mạch tài chính nói riêng và cách thức điều hành, xây dựng thể chế tài chính đất nước nói chung.
Như vậy, vai trò của nhà báo, tòa soạn Báo Lao Động thông qua loạt bài “Xóa bỏ thế độc quyền chuyển mạch tài chính quốc gia” đã hoàn thành trách nhiệm đối với một vấn đề của đất nước, của xã hội.
Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đồng hành với cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân,... trong việc tìm kiếm, đăng tải những giải pháp khả dĩ và đúng đắn nhất nhằm thúc đẩy nhanh hơn các vấn đề đã đặt ra trong loạt bài của mình” - nhà báo Lan Hương khẳng định.