Những kết quả ấn tượng trong chuyển đối số ở Quảng Ngãi

Quảng Ngãi là một trong 12 địa phương hoàn thành việc kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.

Chuyển biến tích cực ở nhiều mặt

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số ở Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo Sở Thông tin và Truyền thông tinh Quảng Ngãi (TT&TT), tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng tại Quảng Ngãi ngày càng tăng cao.

Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng ngày càng tăng.

Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng ngày càng tăng.

Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh đạt trên 99%, cấp huyện đạt gần 88%, cấp xã đạt trên 70%. Trên 95% văn bản được ký số khi phát hành văn bản điện tử.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh hoạt động ổn định, an toàn, duy trì kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, đảm bảo phục vụ tổ chức và cá nhân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Liên tiếp trong 6 tháng, tỉnh đứng vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Công tác an toàn an ninh mạng được đảm bảo. Toàn tỉnh đã phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 296 hệ thống thông tin, đứng vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố về phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin.

Quảng Ngãi là một trong 12 địa phương đã hoàn thành việc kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp.

Về phát triển kinh tế số, xã hội số, trên 64% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Giá trị thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ của tỉnh ước khoảng 9%; thanh toán không dùng tiền mặt chiếm hơn 35% so với tổng phương tiện thanh toán và đạt 50% trong thương mại điện tử. Các mô hình chợ 4.0, tuyến phố không dùng tiền mặt, điểm chi trả không dùng tiền mặt... được triển khai tại các địa phương trong tỉnh.

Quảng Ngãi đưa vào ứng dụng App Công chức và App Công dân.

Quảng Ngãi đưa vào ứng dụng App Công chức và App Công dân.

Quảng Ngãi cũng tiếp tục triển khai hoàn thiện, “làm giàu dữ liệu” đối với các hệ thống thông tin, nền tảng số như: quản trị tổng thể; phân tích tổng hợp kinh tế- xã hội; phòng, chống mã độc tập trung; kho dữ liệu lưu trữ điện tử; cổng dữ liệu mở, App Công chức và App Công dân.

Công tác truyền thông về chuyển đổi số, hoạt động Tuần lễ Chuyển đổi số năm 2024 và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 được tổ chức hiệu quả, thu hút sự tham gia của người dân và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Tập trung nguồn lực cho chuyển đổi số

Tại cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến cuối năm 2024 vào ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có đóng góp tích cực, mang lại kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang.

Ông Giang yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các nội dung tỉnh đã thiết lập nền tảng. Trong đó, chú trọng nhiệm vụ số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số.

Phấn đấu giữ vững, cải thiện kết quả xếp hạng chuyển đối số, góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện đạt kết quả các nhiệm vụ theo chủ đề Chuyển đổi số quốc gia năm 2024; cụ thể hóa và tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, năm 2025 là mốc thời gian cần hoàn thành nhiều chỉ tiêu về chuyển đổi số do chính phủ, bộ, ngành và tỉnh đề ra.

Do vậy, cần tập trung nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trọng tâm về phát triển chính quyền điện tử vào cuối năm 2025, tạo nền tảng vững chắc để chuyển sang giai đoạn phát triển chính quyền số từ năm 2026 trở đi.

Các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số; triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi số, tập huấn kỹ năng số cho công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.

Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng để nâng cao năng lực và kỹ năng phát hiện, xử lý sự cố tại huyện Nghĩa Hành.

Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng để nâng cao năng lực và kỹ năng phát hiện, xử lý sự cố tại huyện Nghĩa Hành.

Thực hiện đầy đủ, đạt và vượt mức bình quân cả nước đối với các chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến, tái sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa, xử lý văn bản, hồ sơ công việc và chuyển đổi số; nhất là các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa hoàn thành khối lượng được giao.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-ket-qua-an-tuong-trong-chuyen-doi-so-o-quang-ngai.html