Bộ Y tế đề xuất phương án làm giảm số người hút thuốc lá và chi phí bệnh tật

Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, theo đó giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay (75%) và bổ sung thêm mức thuế tuyệt đối. Với 2 phương án tăng thuê mà Bộ Tài chính đưa ra, phương án nào mang lại hiệu quả trong thời gian tới?

Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), cả hai phương án đề xuất về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đều thực hiện hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp và bao gồm việc tăng đều đặn về mức thuế tuyệt đối để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá theo thời gian.

Bộ Y tế đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để giảm nhiều hơn số người hút thuốc và chi phí bệnh tật.

Bộ Y tế đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để giảm nhiều hơn số người hút thuốc và chi phí bệnh tật.

“Phương án 2 là vượt trội hơn vì nó phù hợp hơn với thông lệ tốt nhất toàn cầu về việc thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp nên dựa nhiều hơn vào thuế suất tuyệt đối”, bà Hải nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, phương án 2 sẽ làm giảm số lượng người hút thuốc ngay từ những năm đầu giai đoạn 2026-2030, đem lại lợi ích lớn hơn về mặt phòng ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, phương án này vẫn có yếu điểm là mức tăng giá bán lẻ các năm sau 2026 đó chỉ đạt khoảng 4-5%/năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng, chưa đủ mạnh để duy trì ổn định tác động giảm sức mua.

“Với cả 2 phương án này thì mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 mới là 10.000 đồng/1 bao, mới chiếm tỷ trọng khoảng 59,38% giá bán lẻ”, bà Hải cho biết.

Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối đến năm 2030 là 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao), tương đương 65% giá bán lẻ và lộ trình tăng thuế từ năm 2026 đến 2030 như sau: Từ 2026 là 5.000 đồng/bao; từ 2027 là 7.500 đồng/bao; từ 2028 với mức 10.000 đồng/bao; từ 2029 là 12.500 đồng/bao và từ 2030 sẽ là 15.000 đồng/bao

Về ưu điểm của phương án do WHO và Bộ Y tế đề xuất, theo bà Hải sẽ giúp tăng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá lên mức tương đương 65%, gần đạt khuyến nghị của WHO. Đảm bảo tăng cao ngay từ năm đầu (2026) giống như phương án 2 của Bộ Tài chình, đồng thời vẫn duy trì mức tăng giá bán lẻ khoảng 8%/năm trong suốt giai đoạn 2026-2030, có tác động thực sự tới việc giảm sức mua.

Đồng thời giúp đạt mục tiêu quốc gia, nhờ đó giảm nhiều hơn số người hút thuốc và chi phí bệnh tật, vừa huy động thêm được ngân sách phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững.

T.H

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/bo-y-te-de-xuat-phuong-an-lam-giam-so-nguoi-hut-thuoc-la-va-chi-phi-benh-tat-i746932/