Những kho tàng 'sống' về văn hóa dân gian
Theo dòng chảy của thời gian, những giá trị văn hóa truyền thống ở Yên Bái không bị mai một mà ngày càng được bảo tồn phát huy, với sự đóng góp quan trọng của người cao tuổi - những kho tàng 'sống' ở cộng đồng. Đây chính là hành trang, là nền tảng để xây dựng một Yên Bái 'xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc'.
Để gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời trao truyền cho con cháu những tinh hoa văn hóa của cha ông, lớp lớp người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền dạy những bản sắc văn hóa như: tiếng nói, chữ viết, lời ca, điệu múa của dân tộc mình. Những hoạt động này càng có ý quan trọng hơn trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay.
Ở tuổi gần 70 nhưng giọng hát của nghệ nhân ưu tú Nịnh Quang Thanh, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vẫn trầm bổng, ngân nga theo những làn điệu Sình ca. Sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ đều đam mê hát Sình ca, “máu” nghệ sĩ trong ông đã được nuôi nấng từ thơ ấu. Kỷ niệm tuổi thơ của ông là những đêm cùng cha mẹ và các liền anh, liền chị đi hát Sình ca mỗi dịp lễ hội, thâu ngày thâu đêm.
Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh nói: "Thường thường hát vào tháng Giêng và tháng 2, hết tháng 2 là tạm dừng không đi hát nữa. Từ tháng 8 bắt đầu lại tiếp tục, thời điểm đó thời tiết bắt đầu mát mẻ, thời gian rảnh rỗi, khi làm lúa ngô, khoai xong mới đi".
Theo nghệ nhân Nịnh Quang Thanh, Sình ca Cao Lan là lối hát đối đáp độc đáo theo thể thơ tứ tuyệt. Cái hay, cái đẹp của Sình ca không chỉ ở giai điệu, âm thanh mà còn bởi nội dung phong phú, mang nhiều ý nghĩa, ca ngợi sản xuất, phản ánh thiên nhiên, hát về tình yêu đôi lứa, về tình cha nghĩa mẹ… Cũng bởi vậy mà nghệ nhân Nịnh Quang Thanh luôn cố gắng để gìn giữ tiếng hát Sình ca cho muôn đời. Ông sưu tầm các bài hát Sình ca, dày công nghiên cứu từ cách hát, nghệ thuật hát, các điệu múa đến các loại đạo cụ phục vụ nghệ thuật Sình ca như: đàn bầu, sáo đệm, trống, chiêng chẹ... Tất cả được ông tỉ mỉ ghi chép thành từng cuốn sổ tay. Ông Thanh chia sẻ, tiêu biểu nhất có thể kể đến là: làn điệu Sình ca đêm thứ nhất, đêm thứ 2 rồi đêm thứ 7, khúc hát mừng xuân, mừng sức khỏe, mừng hạnh phúc, cầu mùa màng tươi tốt…
"Các lĩnh vực đều có bài hát theo hết, ca ngợi làng xóm, ca ngợi quê hương; gắn liền với sản xuất thì chúng tôi đi làm nương làm rẫy hát ca ngợi cây lúa, ca ngợi cây sắn, cây ngô, cây khoai...", nghệ nhân Nịnh Quang Thanh nói.
Không chỉ trực tiếp biểu diễn các điệu hát Sình ca, nghệ nhân Nịnh Quang Thanh còn luôn đau đáu làm sao gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình cho thế hệ mai sau. Chính vì vậy, năm 2012, ông bàn với một số người đam mê Sình ca của thôn thành lập Câu lạc bộ Sình ca Đá Cháy. Từ chỗ chỉ vẻn vẹn 7 người, nay câu lạc bộ đã phát triển lên hơn 50 hội viên. Chị Mế Thị Vân, thành viên CLB Sình ca Đá Cháy, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên chia sẻ: Ở câu lạc bộ, nghệ nhân đóng vai trò là người truyền dạy các bài hát, biên dựng các điệu múa và truyền cảm hứng về niềm say mê những câu hát Sình ca đến thế hệ trẻ...
Chị Vân chia sẻ: "Điệu hát của dân tộc mình rất hay và phong phú. Tôi ý định theo học các cụ để về có thể dạy cho các con, cháu mình để các cháu nhận biết được văn hóa của dân tộc mình".
Nếu như Sình ca là biểu tượng văn hóa của người Cao Lan thì Khắp Coọi là làn điệu trữ tình đặc sắc của người Tày ở huyện Lục Yên. Đóng góp vào việc bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian đó có dấu ấn của lớp người cao tuổi. Họ chính là kho tàng "sống” lưu giữ và truyền thụ làn điệu Khắp Coọi cho lớp trẻ. Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn, nhà sưu tầm văn hóa dân gian Khắp Coọi ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên là một trong số đó.
Khách đến nhà, bên chiếc bàn nhỏ, nghệ nhân Hoàng Quang Nhạn thường lật dở từng trang giấy đã nhuốm màu thời gian mà ông đã dành cả cuộc đời sưu tầm và biên tập. Mỗi trang là một làn điệu Khắp Coọi được ông dày công ghi chép tỉ mẩn và biên soạn từng câu, chữ. Hiện bộ sưu tập của ông Nhạn đã có hơn 200 bài hát cổ với những làn điệu khác nhau, là một tài sản vô giá.
"Trong quá trình sưu tầm tôi tìm thấy những quyển sách viết bằng chữ Hán Nôm, ghi lại những bài hát Khắp. Chúng tôi đã nhờ người phiên dịch lại thì thấy những bài này rất hay và đã được chép tay từ những năm 1912 đến những năm 1920...", ông Nhạn chia sẻ.
Ông Nhạn cho biết thêm, văn hóa dân gian vốn sống trong lòng dân, bởi vậy để làm dày cho “bộ sưu tập” của mình, ông Nhạn đã lặn lội đến gặp gỡ từng người có am hiểu về Khắp Coọi. Chắt lọc từ những câu chuyện kể, từng câu hát của thế hệ cha ông rồi sắp xếp, biên soạn lại thành từng bài, từng làn điệu hoàn chỉnh nhất. Cứ như vậy, ngày này qua tháng khác, hàng chục năm dày công, tâm huyết của ông cũng đã tạo nên một kho tàng Khắp Coọi ngay trong chính ngôi nhà của mình.
"Trong dân gian thì chỉ có lưu truyền với nhau bằng cửa miệng thôi, không có sách vở gì thế nên mình nghĩ mai mốt sẽ mất đi, mà nhiều các cụ già, nhiều người tài giỏi về hát Khắp cũng đã mất đi. Vì vậy mình cũng nghĩ phải sưu tầm lại, ghi chép lại truyền cho con cháu sau này", ông Nhạn nói.
Sâu lắng, mượt mà, tiếng Khắp Coọi như những lời tâm sự về cuộc sống, lao động sản xuất, đưa mỗi người trở về với nguồn cội dân tộc. Khắp Coọi đã trở thành món ăn tinh thần, là niềm tự hào của người Tày ở Lục Yên nói riêng và cộng đồng dân tộc Tày ở Yên Bái nói chung. Chính vì lẽ đó mà nghệ nhân Hoàng Quang Nhạn không chỉ lưu giữ, bảo tồn mà còn trở thành “hạt nhân” truyền dạy hát Khắp Coọi cho thế hệ trẻ ở địa phương. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ ở thôn, xã hay trường học, ông Nhạn trở thành người truyền thụ những tinh hoa văn hóa cho các thế hệ.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 96.000 người cao tuổi, trong đó rất nhiều người là những “cây đa, cây đề”, am hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương. Ngoài đảm nhiệm các vai trò quan trọng trong các ban lễ nghi, thực hiện các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng ở cộng đồng, các ông, các bà còn trực tiếp tham gia gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, các nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái được bảo tồn, phát triển, ngày càng phong phú như: nghệ thuật Xòe Thái; hát Khắp Coọi và hát Then của người Tày; Sình Ca của dân tộc Cao Lan; lễ cấp sắc của dân tộc Dao; múa khèn của người Mông,… Trong đó, nhiều loại hình văn hóa đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bà Vũ Thị Mai Oanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: "Yên Bái đang xác định bản sắc văn hóa đang là một tài sản hết sức lớn và các nghệ nhân chính là nhân tố cốt lõi để giữ hồn bản sắc văn hóa. Chính vì thế thời gian qua chúng tôi cũng đã tham mưu cho tỉnh các chính sách về bảo tồn bản sắc văn hóa, trong đó có chính sách thành lập các đội văn nghệ và trong đó phải có nghệ nhân, đánh giá cao vai trò của nghệ nhân trong việc truyền dạy. Chúng ta cũng thấy rằng thời gian vừa qua các nghệ nhân của tỉnh Yên Bái cũng phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa".
Theo dòng chảy của thời gian, những giá trị văn hóa truyền thống ở Yên Bái không bị mai một mà ngày càng được bảo tồn phát huy, với sự đóng góp quan trọng của người cao tuổi - những kho tàng "sống" ở cộng đồng. Đây chính là hành trang, là nền tảng để xây dựng một Yên Bái “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nhung-kho-tang-song-ve-van-hoa-dan-gian-post1087345.vov