Những khoảng lặng thanh xuân: Chông gai thăng tiến
Việc học tập nâng cao tay nghề để thăng tiến hoặc chuyển đổi nghề khi đã luống tuổi được xác định là một trong những điều hết sức cần thiết đối với công nhân. Tuy nhiên, chỉ một số ít công nhân nhận ra và có bước chuẩn bị cho tương lai...
Không ít công nhân vẫn lãng phí thời gian, tiền bạc cho những buổi ăn nhậu sau giờ làm
“Không còn hơi sức để học”
Chiều tối, khu chợ My Điền (thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang) sáng rực ánh đèn. Quán bia vỉa hè chật kín người ngồi, tiếng cốc chén leng keng, tiếng người zô zô, vang cả một vùng. Cạnh đó, mấy quán trà đá cũng đông kín.
Từ Lạng Sơn xuống Bắc Giang làm công nhân được 3 năm, đã thành thói quen, chiều nào cũng vậy, sau giờ tan ca, Hùng cùng với mấy bạn công nhân dây chuyền ngồi tán chuyện.
20 giờ tan ca nhưng 22 giờ, Hùng mới về phòng trọ. Mệt nhoài, tắm rửa xong, có hôm Hùng không ăn uống đã lăn ra ngủ. Ngày nhận lương, Hùng với đám bạn rủ nhau đi ăn uống, nhậu nhẹt thâu đêm. Ngỏ lời mời Hùng tham gia một lớp đầu bếp buổi tối đề phòng khi chuyển việc, Hùng giật mình: “Ui anh ơi, em học hết lớp 9, làm công nhân cũng tốt lắm rồi. Em tiếp thu chậm, có đi học cũng chẳng vào đầu”. Nói xong, cậu lại quay sang lũ bạn cười đùa.
Tại Khu nhà trọ thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang), hơn 20 giờ tối, tôi gặp Lý Thị Yêu mới đi làm về. Gương mặt Yêu bơ phờ, dáng điệu mệt mỏi, mí mắt như muốn sụp xuống vì buồn ngủ. Nhưng cô bạn cùng phòng hôm nay tăng ca về muộn hơn nên Yêu vẫn phải xắn tay vào chuẩn bị cơm nước cho bữa tối. Bữa tối quá đơn giản, ngoài mớ rau có sẵn đã héo, Yêu chỉ mua thêm bìa đậu phụ trên đường làm về.
Vừa nhặt rau, Yêu vừa than thở: “Công nhân vất vả lắm anh ơi, quanh năm suốt tháng chẳng có ngày nào nghỉ ngơi, việc ít thì lương thấp, đói. Công ty nhiều việc thì lại tăng ca suốt. Cả ngày đi làm về mệt rã rời, tắm giặt, cơm cháo xong là lăn ra ngủ, nhiều lúc người yêu hẹn đi chơi em cũng chẳng muốn”.
Yêu nói, nhiều lúc cũng nghĩ đến việc đi học thêm nghề nail (làm móng tay, chân), tranh thủ kiếm thêm thu nhập, nhưng vừa mệt, vừa không có thời gian nên thôi.
Trò chuyện với những công nhân khác trong khu nhà trọ, không ít bạn cũng muốn học thêm ngoại ngữ. Bởi có tay nghề rồi thêm ngoại ngữ nữa dễ được cất nhắc lên làm tổ trưởng, chuyền trưởng. Có bạn muốn học thêm nghề phụ như cắt tóc, làm nail để tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Chị Vũ Thị Hồng, công nhân một công ty điện tử trong KCN Quang Châu tâm sự, dự định là vậy nhưng rất ít các bạn thực hiện được, phần lớn bỏ cuộc ngang chừng.
Nhiều bạn trẻ, trong đó có nhiều công nhân tranh thủ học ngoại ngữ để tìm kiếm cơ hội
Những ca trưởng, trưởng chuyền chắt chiu cơ hội
Qua lời giới thiệu của một bạn công nhân, chúng tôi tìm đến khu nhà trọ Nam Đương gần chợ My Điền tìm gặp Hoàng Văn Tuyên - một ca trưởng lâu năm trong nhà xưởng. Đầu trọc, tay xăm hình rồng nhưng khi tiếp xúc, chàng tổ trưởng này lại vui tính, dễ gần. Rót xong cốc nước mời khách, Tuyên cười nói: “Tối nay vợ chồng em lên ca, em xin phép vừa nấu cơm vừa nói chuyện anh nhé”.
Chuyện về “đời công nhân” của Tuyên quả là suôn sẻ. Tuyên sinh năm 1994, quê Lục Nam, Bắc Giang. Năm năm trước, anh xin vào làm Công ty TNHH Vina solar Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang). Chỉ sau 1 tháng làm công nhân, anh được cất nhắc lên tổ trưởng. Niềm vui không dừng lại ở đó, qua tháng thứ 3 anh lại được cất nhắc vị trí chuyền trưởng, đến tháng thứ 5, anh lên ca trưởng.
Tại cuộc “Ðối thoại công nhân với Thủ tướng”, Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung nêu: Tỷ lệ lao động của nước ta được đào tạo là 70%, tuy nhiên thực chất chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2026, Việt Nam có khoảng 40% người lao động sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc, 30% người lao động buộc phải chuyển nghề.
Thấy chúng tôi tỏ ra bất ngờ, khó tin, anh lập tức chứng minh: “Gia đình em hoàn cảnh khó khăn, bố không còn, mẹ đi làm xa, vài năm mới về một lần, nhà chỉ có 2 anh em nương tựa vào nhau. Trước đây, em cũng từng qua Trung Quốc làm thuê, vất vả trăm bề. Ngay từ khi đi làm công nhân, em đã xác định gắn bó lâu dài và phải học hỏi, phấn đấu trong công việc. Em luôn để ý tìm hiểu, nắm bắt những công việc khác trong chuyền. Tan ca, khi các bạn ra về, em tranh thủ ở lại luyện tay nghề và dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc. Thấy em chịu khó, lại biết ít tiếng Trung nên quản lý đã cất nhắc em. Khi được làm tổ trưởng, em luôn xác định phải làm thật tốt vì quyền lợi luôn đi liền trách nhiệm. Tối về nhà, em tranh thủ học thêm tiếng Trung trên mạng, giao tiếp với ông chủ ngày càng tốt hơn, công việc cũng thuận lợi hơn. Cứ thế lãnh đạo công ty liên tục cất nhắc lên làm chuyền trưởng rồi ca trưởng.
Câu chuyện kết thúc cũng là lúc hai vợ chồng Tuyên ăn xong bữa cơm tối tốc hành và chuẩn bị đi làm.
Hơn 3 năm làm tổ trưởng bộ phận đóng gói thành phẩm Công ty TNHH Công nghệ Lens, KCN Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang), anh Đào Ngọc Cương luôn xác định phải liên tục phấn đấu học tập không ngừng để hoàn thiện bản thân. Cương cho biết, hàng năm công ty anh đều có khóa đào tạo ngoại ngữ tiếng Trung cơ bản khoảng 2 tháng cho các cấp quản lý từ tổ trưởng trở lên. Mệt mỏi sau mỗi giờ tan ca nhưng Cương chưa bỏ qua khóa đào tạo nào. Kết quả, vốn tiếng Trung của Cương kha khá và được Công ty đưa sang Trung Quốc tập huấn 1 tháng.
Hà Tuấn Anh, quê Hiệp Hòa (Bắc Giang), tuyến trưởng tại Công ty Newing Hồng Hải đã chọn cho mình một lối đi riêng. Trước kia, Tuấn Anh từng làm công nhân một công ty Trung Quốc, trong quá trình làm việc, nhận thấy để phát triển bản thân, ngoài làm tốt công việc được giao thì phải có ngoại ngữ, bởi vậy cậu mạnh dạn quyết định xin nghỉ làm và đăng kí tham gia khóa học tiếng Trung lập nghiệp cho người đi làm do Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế ICO, thuộc Tập đoàn ICO Group đào tạo tại thành phố Bắc Giang. Sau 3 tháng, với vốn tiếng Trung kha khá, Tuấn Anh tự tin nộp đơn phỏng vấn làm nhân viên Công ty Newing Hồng Hải. Không uổng công học tập, ngoài thông báo trúng tuyển, cậu còn được đảm nhiệm luôn vị trí trưởng tuyến (tương đương tổ trưởng).