“Đi tìm Tết” là cuộc thi do các sinh viên khóa 23 Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II tổ chức thực hiện, thu hút đông đảo sinh viên các trường Đại học, cao đẳng tham gia.
Cuộc thi thu hút hơn 100 tác phẩm, trải qua 2 vòng thi online, tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, BTC đã lựa chọn ra 5 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải nhất, nhì, ba và tác phẩm được yêu thích nhất với tổng trị giá giải thưởng hơn 50 triệu đồng.
Tác phẩm "Vội" ghi lại hình ảnh người phụ nữ tất bật làm việc phục vụ nhu cầu của người dân mỗi dịp Tết. Ảnh: ĐỖ CÔNG KHANH
Cô Lê Thị Hạ Viên - Giảng viên môn tổ chức sự kiện - cho biết, hiện nay, môn học Tổ chức sự kiện được nhiều trường đại học, cao đẳng quan tâm, đào tạo. Tuy nhiên để các sinh viên hiểu và ứng dụng thực tế thì đòi hỏi các bạn phải làm quen với các bước thực hiện một sự kiện là như thế nào, các yếu tố cần có của một chuyên viên tổ chức sự kiện chuyên nghiệp…
“Với sự kiện thực tế như “Đi Tìm Tết”, các bạn sinh viên phải trải qua rất nhiều bước lựa chọn nội dung, phác thảo kế hoạch, tự lập dự án, ngân sách, thuyết trình trước hội đồng… để được lựa chọn triển khai và thực hiện. “Đi Tìm Tết” vừa là một phần của môn học, vừa là sân chơi bổ ích, thỏa niềm đam mê sáng tạo cho các bạn sinh viên trong dịp Tết” - Cô Viên chia sẻ.
Cùng ngắm bộ ảnh "Đi Tìm Tết" qua lăng kính sinh viên:
Tác phẩm "Vũ điệu mùa xuân" với những màn múa lân đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết. Ảnh: LÊ PHẠM HOÀNG HUY
Tác phẩm "Sắc Xuân" ghi lại hình ảnh các cô chú dậy thật sớm để ra chợ hoa chọn những cây mai, cây đào đem về nhà của mình với mong ước rằng một năm mới sẽ thêm nhiều may mắn. Ảnh: TRỊNH NGỌC TRÍ
Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, em như hóa thành một nàng xuân dịu dàng, mang theo hơi thở của Tết đang đến thật gần. Chiếc áo yếm hồng phớt hòa cùng tà váy trắng tinh khôi, tựa đóa mai đầu mùa, nhẹ nhàng mà rực rỡ. "Nụ cười Xuân" như lời chào năm mới, ấm áp và tràn đầy hy vọng. Ảnh: NGUYỄN PHI HÙNG
"Liễn Tết" - những câu đối mực đen giấy đỏ treo trong nhà là vật trang trí không thể thiếu mỗi dịp Tết không chỉ là nét văn hóa truyền thống ngàn năm ở Việt Nam, mà còn là những lời chúc tụng, mong ước an lành, thịnh vượng cho gia đình. Ảnh: TIÊU THANH THƯ
Tác phẩm "Lặng giữa Xuân" mang đến hình ảnh chú bảo vệ ngồi lặng lẽ trên chiếc xe cũ để chờ những vị khách đi chơi Tết. Ảnh: NGUYỄN NHẬT NAM
Những chuyến tàu cuối cùng của năm đưa những người con trở về quê hương đoàn viên với gia đình được thể hiện qua tác phẩm "Chuyến tàu đoàn viên". Ảnh: LÊ QUANG HUY
"Tết bên lề đường" với hình ảnh người đàn ông đầy nghị lực đang vất vả mưu sinh bên đường chỉ mong một cái Tết ấm no. Ảnh: TẠ PHƯƠNG NAM
"Hương khói ngày Tết" - mùi hương của ký ức, nhắc nhớ những giá trị sum vầy và ấm áp của một mùa Tết đang đến gần. Mỗi nén hương được thắp lên như một lời cầu nguyện gửi đến ông bà tổ tiên, cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc. Ảnh: NGUYỄN VĂN AN
Chú ong nhỏ say sưa tạo "Mật Xuân". Ảnh: NGUYỄN THÚY VY
Tác phẩm "Hồng bao" - hình ảnh được mong chờ nhất mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đây cũng là tác phẩm được trao giải Nhất của cuộc thi "Đi Tìm Tết". Ảnh: HOÀNG KHÁNH LY
"Sắc Xuân rực rỡ" qua hình ảnh vườn hoa hướng dương ở TP Thủ Đức và lời nhắc nhở về sự trân trọng vẻ đẹp mùa Xuân. Ảnh: TRẦN CHẾ LINH
"Tết Bà" đem đến khoảnh khắc một bà lão đang tranh thủ ăn vội bữa trưa giữa chợ hoa những ngày cận Tết. Ảnh: PHAN CAO LÂM
28 Tết, dòng người vội vã trên mọi nẻo đường mong sớm được về nhà đón Tết. Ảnh: NGUYỄN THÚY VY
"Tết trong em là anh - Tết trong anh là Đất Nước". Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG KHOA
"Chạm" là thành quả sau những nỗ lực của tập thể thầy cô và sinh viên khóa 23 Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II "Đi Tìm Tết". Ảnh: NGUYỄN NHẬT NAM
HUỲNH TRƯỜNG GIANG