Những khu vực nào trên thế giới có thể sớm phải đối mặt với xung đột liên quan đến nước?

Theo một công cụ cảnh báo sớm do các đối tác An ninh và Hòa bình về Nước (WPS), hàng triệu người ở các khu vực 'bị bỏ quên' có thể sớm đối mặt với xung đột bạo lực vì thiếu nước.

Khan hiếm nước ngọt có thể dẫn tới xung đột, bạo lực

Hạn hán, nắng nóng kỷ lục ở châu Âu và California (Mỹ) mùa hè vừa qua được các phương tiện truyền thông đặc biệt tập trung đưa tin. Trong khi đó, một số khu vực khác lại có xu hướng bị truyền thông "bỏ quên" dù đang trong tình trạng khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng, tới mức có thể dẫn tới xung đột. Đặc biệt là các khu vực mà thế giới quen nhìn thấy phải chịu hạn hán.

Theo một công cụ cảnh báo sớm của Các đối tác an ninh và hòa bình về nước (WPS) - một nhóm các tổ chức chuyên theo dõi sự khan hiếm tài nguyên - hàng triệu người ở các khu vực "bị bỏ quên" có thể sớm đối mặt với xung đột bạo lực vì thiếu nước.

"Công cụ cảnh báo sớm" do WPS phát triển phân tích các yếu tố môi trường, chính trị và xã hội - nhân khẩu học để đưa ra dự đoán liệu tình trạng khan hiếm nước có khả năng dẫn đến xung đột hay không.

Đầm lầy Chibayish ở tỉnh Dhi Qar của Iraq bị khô hạn. Ảnh: Hussein FALEH / AFP

Đầm lầy Chibayish ở tỉnh Dhi Qar của Iraq bị khô hạn. Ảnh: Hussein FALEH / AFP

WPS cho rằng, hạn hán có thể gây mất an ninh lương thực và khiến hàng triệu người phải di cư. Những người ở lại sẽ phải tranh giành những nguồn tài nguyên ít ỏi, nghèo nàn còn lại. Các chính phủ có thể đối mặt với sự sụp đổ, để lại các khoảng trống quyền lực.

Giáo sư Schmeier nói: "Những vùng khô hạn và bán khô hạn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu nước trong một thời gian dài. Biến đổi khí hậu đang làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn". Cùng với nhiều yếu tố khác, thiếu nước có thể dẫn đến xung đột giữa các nhóm sử dụng chung nguồn nước.

Một số quốc gia có nguy cơ cao xảy ra xung đột liên quan đến nước trong 12 tháng tới

Theo tin trên Euronews, WPS đưa ra cảnh báo đối với một số quốc gia đối mặt với nguy cơ cao xảy ra xung đột về tài nguyên nước trong 12 tháng tới.

1. Kenya , Ethiopia và Somalia

Ba nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi mùa hạn hán thứ tư liên tiếp. Báo cáo của WPS cảnh báo khả năng tiếp tục và bùng phát xung đột trong khu vực là rất cao.

2. Nam Phi

Hạn hán kéo dài đang đẩy Vịnh Nelson Mandela ở khu vực Nam Phi tiến tới "Ngày không nước" - một thuật ngữ được sử dụng để mô tả thời điểm mà người dân thành phố bị tắt vòi nước.

Khu vực Đông Cape rộng lớn hơn đã phải hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài nhiều năm từ năm 2015 đến năm 2020. Sau một thời gian ngắn được khắc phục, nó lại rơi vào tình trạng hạn hán vào cuối năm 2021.

Theo báo cáo của WPS, khả năng tiếp tục và bùng phát xung đột trong khu vực là rất cao.

3. Iraq

Mực nước ở sông Tigris và sông Euphrates - huyết mạch của hàng triệu người dân Iraq - đang ở mức thấp nguy hiểm.

Vào cuối tháng 5, mực nước sông đã giảm 60% so với năm ngoái. Tình trạng thiếu nước mặt đã buộc Bộ Nông nghiệp nước này phải cắt giảm một nửa việc trồng trọt ở các khu vực cần được tưới tiêu.

4. Iran và Afghanistan

Iran và Afghanistan có chung sông vùng Helmud, đang cạn kiệt. Căng thẳng đã gia tăng khi hai nước cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung cấp nước hạn chế.

5. Pakistan và Ấn Độ

Mặc dù Pakistan (và một số khu vực của Ấn Độ) đã phải đối mặt với lũ lụt kinh hoàng trong những tuần gần đây, nhưng họ cũng phải đối phó với một đợt nắng nóng "chưa từng có" vào đầu năm nay.

Theo báo cáo của WPS, khả năng tiếp tục và bùng phát xung đột trong khu vực là rất cao.

Có thể làm gì trước nguy cơ xung đột liên quan đến nước?

Giáo sư Schmeier hy vọng rằng bằng việc xác định sớm nguy cơ xảy ra xung đột liên quan đến nước có thể giúp mọi người tìm ra cách để ngăn chặn nguy cơ trở thành hiện thực. Chẳng hạn tạo ra những công nghệ mới, cách thức mới để giảm thất thoát nước.

Người dân có thể thực hiện các biện pháp để giảm lượng nước tiêu thụ, còn các nhà khoa học giúp tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp bằng các công nghệ tưới tiêu mới, tìm ra những loại cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước.

Giảm suy thoái môi trường cũng là chìa khóa quan trọng để ứng phó với tình trạng khan hiếm nước, bởi đất bạc màu có thể biến thành một loại hoang mạc, với chất lượng đất thấp.

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//nhung-khu-vuc-nao-tren-the-gioi-co-the-som-phai-doi-mat-voi-xung-dot-lien-quan-den-nuoc-179220915114837512.htm