Những kiến thức cần biết về đường lây, cơ chế tấn công của virus Corona và cách ứng phó
Các chuyên gia cho biết, thời tiết lạnh hoặc ẩm là môi trường thích hợp cho virus Corona phát triển, người cao tuổi và trẻ em, người có bệnh mãn tính dễ bị biến chứng nặng nếu nhiễm virus Corona…
Virus Corona lây lan mạnh trong môi trường nào?
Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời tiết lạnh hoặc ẩm là môi trường thích hợp cho các loại virus phát triển và tấn công gây bệnh. Corona là chủng virus mới nhưng cũng không nằm ngoài quy luật này.
“Khi trời nắng ấm lên, thường nhiệt độ trên 20-25 độ C thì vi khuẩn và virus sẽ kém phát triển, ít lây lan. Do đó, chúng ta có thể dự phòng bằng cách tạo môi trường sống trong nhà và môi trường làm việc được thông thoáng, ấm áp, sạch sẽ, tránh ẩm thấp, đồ đạc bị ẩm mốc dễ gây bệnh” – bà Thanh cho biết.
Người có bệnh lý nền dễ mắc bệnh, biến chứng nặng
Theo các chuyên gia, chủng mới của virus Corona (nCoV) đang bùng phát có những đột biến nên cơ thể con người chưa nhận biết hết để hình thành hệ miễn dịch đầy đủ, do đó dễ gây bệnh nặng.
PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh cho biết, trẻ em, người cao tuổi, nhất là những người có bệnh lý nền (đáng có bệnh mãn tính) dễ mắc bệnh do virus nói chung, virus Corona nói riêng.
Ở những người này, do sức đề kháng của cơ thể kém nên khi virus xâm nhập và tấn công vào đường hô hấp sẽ gây viêm các niêm mạc đường hô hấp và tạo ra các biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi, khó thở, khó chịu... Do đó, những người có bệnh lý mạn tính khi mắc bệnh thì thường dễ tiến triển nặng, nguy cơ tử vong cao hơn.
Với trẻ em, trong thời điểm này, bất kể trẻ ốm vì lý do gì cũng cần phải được cách ly chăm sóc để tránh lây lan trong nhà trẻ, mẫu giáo. Cách phòng dịch cho trẻ em tương tự như cách phòng dịch cho người lớn.
Chăm sóc và điều trị bệnh nhân Corona ra sao cho đúng?
Vẫn theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, để giúp tăng sức đề kháng phòng ngừa bệnh do virus Corona, người dân nên uống nhiều nước, uống nước ấm, ăn nhiều hoa quả tươi, thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Một số loại thức uống trong dân gian như nước ép tỏi, nước chanh, nước cam ép, bưởi... cũng có tác dụng nâng cao sức đề kháng.
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Phó Chủ nhiệm bộ môn Truyền nhiễm - Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, virus Corona lây theo đường hô hấp nên rất khó ngăn chặn sự lây lan của virus khi chúng ta giao tiếp, nói chuyện, hắt hơi, ho... Vì vậy, khi có các bệnh lây qua đường hô hấp xảy ra thì tốt nhất nên hạn chế đến nơi đông người, chú ý rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang…
Về việc đeo khẩu trang, PGS.TS Bùi Vũ Huy khuyến cáo, không nhất thiết phải dùng khẩu trang chuyên dụng mà có thể dùng khẩu trang y tế đang sẵn có ngoài thị trường, thậm chí có thể dùng tạm thời khẩu trang thông thường.
Về điều trị, các chuyên gia cho biết, bệnh do virus không có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng khi cơ thể nhận diện được virus và đủ sức đề kháng thì sẽ tự tiêu diệt được virus gây bệnh. Do đó, người dân cần bình tĩnh điều trị các triệu chứng nếu có như: sốt, ho nhẹ theo đơn thuốc của bác sĩ; kịp thời đến cơ sở y tế khi thấy các triệu chứng nặng lên bất thường.
PGS.TS Bùi Vũ Huy nêu rõ, vì bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới xảy ra ở loài người nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa khuyến cáo thuốc đặc trị cho virus này. Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân mắc bệnh, ngành y tế vẫn có thể áp dụng tất cả giải pháp tốt nhất để cứu sống người bệnh.
Điều quan trọng nhất là phải cách lý và vô trùng tuyệt đối với bệnh nhân để tránh lây lan bệnh cho nhân viên y tế cùng mọi người xung quanh.