Xuyên suốt 2 thế kỷ, các hãng xe đã liên tục làm mới thiết kế một chi tiết ô tô tưởng chừng bị 'đóng đinh' trong hình ảnh quen thuộc, đó là cửa xe.
Cách đây hơn 120 năm, vào năm 1894, khi chiếc ô tô của Karl Benz được sản xuất đã đem lại sự tiện lợi cho con người so với xe ngựa kéo. Nhưng sự tiện ích vẫn thua xe ngựa khi xe không có cửa, ngay cả một số mẫu xe Model T 1909 của Ford sau này cũng vậy. Để khắc phục, tài xế và hành khách phải đeo thêm kính mắt để tránh bụi bẩn.
Đến năm 1923, những cánh cửa mới bắt đầu xuất hiện nhưng lại quá nặng. Những năm sau đó, cửa ô tô được làm nhẹ hơn nhưng lại dễ bị hư hỏng. Chỉ sau thế chiến thứ 2, ngành công nghiệp ô tô mới bùng nổ và sự sáng tạo cửa xe còn kéo dài sang tận thế kỷ 21.
Dưới đây là những thiết kế cửa xe đặc trưng nhất từ quá khứ đến hiện tại.
Ít ai biết rằng kiểu mở cửa ngược sang 2 bên như con sò của Rolls-Royce Phantom lại xuất hiện từ những năm 1930 trên mẫu xe Model B của Ford, sau này những chiếc Dodge, Bugatti Atlantic, Fiat 600. Bất ngờ hơn cả là cửa này còn có tên gọi khá xui xẻo: "cửa tự sát" - Suicide, vì chúng dễ mở bung ra khi gặp va chạm và hành khách dễ bị văng ra khỏi xe do các loại xe thời kỳ này chưa có dây đai an toàn. Vào thập niên 60 của thế kỷ 20, khi dây đai an toàn 3 điểm ra đời, thiết kế "cửa tự sát" không còn đáng sợ nữa mà đã dần trở thành dấu ấn rất riêng của một số hãng xe như Rolls-Royce.
Cửa Butterfly (cửa cánh bướm) ra đời vào năm 1939 bởi Jean Bugatti với hình ảnh cánh cửa mở rộng lên trên như loài bươm bướm. Để làm được như vậy, bản lề cửa được gắn ở phía trên giúp đưa cánh mở rộng ra bên ngoài rồi mới nhấc toàn bộ cánh cửa lên trên. Về sau, thiết kế này rất được ưa chuộng trên các siêu xe như Enzo Ferrari, Toyota Sera và nhất là hãng McLaren với các mẫu F1, 650S, 12C.... Trong ảnh là siêu xe McLaren F1.
Cửa Scissors (cửa cắt kéo) lần đầu tiên vào năm 1968 bởi công ty Alpha Romero, hoạt động tương tự như cửa cánh bướm nhưng có độ nghiêng ra ngoài nhiều hơn. Chúng cũng được sử dụng rộng rãi trên những siêu xe thể thao như Alpha Romero Carabo, Bugatti EB110 và đặc biệt là Lamborghini. Trong ảnh là chiếc Lamborghini Diablo với kiểu mở cắt kéo.
Cửa Gull-Wing (cánh chim hải âu) thiết kế bởi hãng xe Mercedes-Benz vào năm 1952, lấy cảm hứng từ hình ảnh những chú hải âu sải cánh bay đón gió. Loại cửa này dùng bản lề được gắn trên nóc xe giúp cánh cửa được mở lên trên. Ngoài mẫu Mercedes-Benz 300SL, kiểu cửa này còn xuất hiện trên Peugeot 905, Aston Martin Bulldog, DeLorrean DMC-12 và Tesla Model X. Trong ảnh là mẫu xe Mercedes-Benz 300SL.
Cửa Canopy (cửa mái vòm) được lấy cảm hứng từ những chiếc chiến đấu cơ với phần mái xe tách rời, bản lề được gắn ở phía trước xe giúp cửa được mở theo chiều dọc. Những mẫu xe đầu tiên sử dụng thiết kế này xuất hiện trong thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, phần lớn dùng cho các xe concept như Holden Hurricane, Nissan 126X, Ferrari Modulo. Thậm chí sang thế kỷ 21, thiết kế này vẫn tồn tại nhưng chủ yếu vẫn trên xe concept do tính khả thi đưa vào sản xuất thấp. Ảnh: mẫu Opel RAK e với cửa mái vòm tại Frankfurt Motor Show 2011.
Cửa Swan doors (thiên nga) ra đời từ thập niên 50 của thế kỷ 20 với những mẫu xe concept, về sau đã dần phổ biến ở một số dòng xe thể thao. Loại cửa này mở ra bên ngoài giống như cửa thông thường hoặc cửa tự sát, nhưng bản lề hơi hướng lên trên để giải phóng không gian bước ra tốt hơn. Ảnh: Xe thể thao Aston Martin Vantage với kiểu của thiên nga.
Cửa trượt – Sliding doors giống kiểu cửa truyền thống trong ngôi nhà người Nhật Bản. Được mở bằng cách kéo/đẩy theo chiều ngang dọc hoặc vào bên hông xe. Loại cửa này khó phổ biến trên các xe minivan, xe chở người 9 đến 16 chỗ, xe buýt nhỏ. Thậm chí sang thế kỷ 21, các nhà sản xuất còn áp dụng kiểu cửa này cho xe 4 chỗ ngồi như chiếc Volkswagen ID Roomzz concept. Ảnh: Volkswagen ID Roomzz concept tại triển lãm ô tô Thượng Hải 2019.
Cửa Dihedral (vuông góc 90 độ) là một loại cửa được tìm thấy trên tất cả các xe của Koenigsegg (hãng siêu xe Thụy Điển. Chúng mở giống kiểu cánh bướm nhưng khác biệt ở chỗ xoay 90 độ ở bản lề, khiến chiếc cửa gần như vuông góc với bậc lên xuống của xe. Ảnh: siêu xe Koenigsegg CCX
Đình Quý (theo Top Gear, Wikipedia, Netcarshow)
Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!