Những kiểu hâm mộ The Beatles

Người hâm mộ mua lại tấm ga trải giường mà The Beatles dùng, thậm chí có tin họ mua hộp đựng hơi thở của các thành viên ban nhạc.

Năm ấy, ban nhạc chinh phục thế giới mà không được nhìn ngắm thế giới. Với họ, thế giới thu lại thành căn phòng thay đồ, chìm vào dưới những châu lục của những tiếng gào thét. Hơn một lần, trong những chặng bay chằng chịt giữa hai nửa bán cầu, họ hỏi rằng đây là quốc gia nào vậy.

“Với họ, mọi thứ đều thế cả”, Tony Bramwell nói, “Thêm một sân khấu, thêm một chuyến xe limo, thêm một cuộc chạy đua sống còn”.

Tháng sáu, The Beatles lưu diễn ở Scandinavia, Hà Lan, Đông Á và Australia. Ringo Starr cắt amidan và lỡ mất ba phần tư hành trình; thay thế cho anh là Jimmy Nicol, một tay trống thời vụ đủ vô danh và mờ nhạt để làm tiêu tan mọi nghi ngờ về một sự thay đổi vĩnh viễn. Nicol chơi trống cho ban nhạc tới khi Ringo tái xuất tại show ở Melbourne, lịch sử từ đó không còn liên quan gì tới Jimmy Nicol thêm nữa.

Trong ekip của chuyến lưu diễn qua vùng Viễn Đông và Australia có bác Mimi của John. Quang cảnh Adelaide với 300.000 fan, đám đông hâm mộ The Beatles lớn nhất từ trước tới giờ, là quá sức chịu đựng với bác Mimi.

Vừa liếc thấy New Zealand thì bà liền bay về Woolton. Mimi kể lại: “Tôi gặp rắc rối vì kể với một phóng viên truyền hình Australia rằng John học kém toán khi còn ở trường. Rồi lên TV, anh ta hỏi John là ‘Làm thế nào anh đếm hết tiền anh kiếm được nếu học kém đại số?’. ‘Tôi không đếm mà đem đi cân’, John đáp trả".

Vào tháng tám, họ trở lại Mỹ và chứng kiến Beatles lan tràn đến độ mà nếu đem ra so sánh thì sự hâm mộ của Anh và châu Âu chẳng khác nào Thái Sơn so với viên đá cuội ven đường.

Có một thời điểm vào tháng tư, năm vị trí đầu bảng Billboard 100 là các ca khúc của The Beatles. A Hard Day’s Night mở cửa tại 500 rạp khắp nước Mỹ và thu được 1,3 triệu USD chỉ trong tuần đầu tên. Những buổi chiếu phim cũng đi kèm tiếng la hét chẳng thua gì các buổi hòa nhạc trực tếp.

 The Beatles rời sân bay London năm 1964. Ảnh: AP.

The Beatles rời sân bay London năm 1964. Ảnh: AP.

The Beatles di chuyển trên phi cơ riêng Lockheed Electra, biểu diễn ở 23 thành phố, bay qua lại khắp không vực Mỹ tổng cộng 22.441 dặm hay hơn 600 dặm một ngày. Nhiều khi họ không biết mình đang ở Jacksonville, Baltmore, Denver, Cincinnat, Detroit hay Atlantc City.

Nơi nào cũng có các ngài thị trưởng, nghị sĩ và phu nhân, cảnh sát trưởng và phó; nơi nào cũng xuất hiện ả gái gọi đắt giá nhất thành phố; nơi nào cũng sẽ có hàng dài trẻ em tật nguyền ngồi xe lăn, được đặc cách ngồi gần sân khấu, rồi sau đó được cho vào phòng thay đồ cứ như thể nếu được ngắm họ hay chạm vào họ sẽ tạo nên phép màu cứu rỗi như Đức mẹ xứ Lourdes.

[...]

Tại San Francisco, ngay trước khách sạn Hilton, một người phụ nữ là nạn nhân của một vụ cướp có vũ trang nhưng tiếng kêu cứu của cô bị chìm trong âm thanh hò reo đón đoàn xe của The Beatles. Tại Love Field, Dallas, người hâm mộ vượt qua hàng rào cảnh sát, trèo lên cánh máy bay và đập nát cửa sổ bằng những chai Coca.

Sau đó tại khách sạn, một người hầu gái bị bắt cóc và đe dọa bằng dao, yêu cầu phải tiết lộ phòng của ban nhạc trong khi các fan nữ khác phải được cứu ra từ đường ống điều hòa.

Tại Los Angeles, cuộc đào thoát sau show diễn cần sự hỗ trợ của một xe bọc thép, chỉ có điều bánh xe đã bị phá hoại và chọc thủng. Ở Seatle, khi The Beatles xuống sân khấu, một cô gái rơi từ xà nhà xuống ngay chân Ringo.

Tại Cleveland, ban nhạc bị kéo lê khỏi sân khấu trong khi đoàn tuần mã phải đột kích vào sân vận động, quây lưới tóm lại gần 200 người hâm mộ.

Ở New York, toàn tuyến đường Riverside Drive bị phong tỏa để đoàn xe của ban nhạc có thể di chuyển; ở Toronto, họ xuống sân bay vào ba giờ sáng và phải vượt qua 17 dặm đường la liệt những ôtô đỗ lại. Mỗi ngày cơn điên lại theo một kiểu song vẫn là như thế.

Vẫn là cảnh sát và mồ hôi và những viên kẹo hạt đậu rào rào vang lên thứ âm thanh vô thực; đó là những gương mặt biến dạng vì la hét và những hàm răng nghiến trên bàn tay nắm chặt; đó là những khán phòng khổng lồ ngập ngụa bóng đèn, lô cuốn tóc, khuy áo, huy hiệu hay hàng trăm chiếc quần lót ướt sũng sĩnh.

Giữa lịch trình hỗn loạn đó, có một nhân vật đã trở thành biểu tượng cho chuyến lưu diễn Mỹ năm 1964. Anh ta tên Charles O. Finley, chủ một đội bóng chày, đội Kansas City Athletcs. Anh ta tiếp cận Brian Epstein lần đầu tại San Francisco, ra giá 100.000 USD để mời The Beatles diễn thêm một show tại sân vận động bóng chày ở Kansas City. Anh ta bảo đã hứa với thành phố sẽ mời được The Beatles về. Brian từ chối, tour diễn không thể kéo dài thêm.

Charles O. Finley không bỏ cuộc. Anh ta cứ xuất hiện ở nhiều thành phố, tăng giá lên đến 150.000 đôla nếu The Beatles chịu giúp đỡ anh ta thực hiện lời hứa với thành phố của mình.

Cuối cùng, ở Seatle, khi Brian và Norman Weiss nhận thấy chuyến lưu diễn không thể bù được cho khoản lạm chi, Charles Finley và thành phố Kansas bắt đầu mang một ý nghĩa mới với họ.

“Tùy ban nhạc thôi”, Brian bảo thế, “bốn người có thể từ chối hoặc chấp nhận hy sinh một vài ngày nghỉ ngơi ít ỏi của mình”.

The Beatles đang trong ván bài với George Harrison của tờ Liverpool Echo nên nhờ Brian quyết giùm phi vụ này. Do đó, với giá 1.785 bảng một phút, Charles O. Finley và Kansas City đã được hoàn thành nguyện ước.

Tại New York, có tin những hộp đựng “hơi thở” của The Beatles được bán ra với tốc độ khủng. Ở Denver, ga trải giường mà họ từng dùng ở hai khách sạn nơi họ dừng chân được một hội thương nghiệp mua lại, không giặt lại, đặt vào két ngân hàng an toàn nhất.

Tấm ga được cắt thành những mảnh vuông kích cỡ ba inch vuông, bán với giá 10 đôla một inch, mỗi miếng được gắn lên một tấm giấy da, đi kèm chứng nhận pháp lý đảm bảo rằng nó là một phần của cái giường mà The Beatles đã dùng.

Philip Norman / Sống và NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-kieu-ham-mo-the-beatles-post1165458.html