Những kinh nghiệm trong đổi mới giáo dục tại Bắc Giang
Ngày 21/6, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế', nhiều ý kiến tham luận chia sẻ kinh nghiệm hay trong quá trình triển khai.
Ông Dương Ngọc Chiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Quan tâm quy hoạch, bảo đảm chuẩn diện tích trường, lớp học
Quy hoạch phát triển GD&ĐT, huy động các nguồn lực cho đầu tư là hai nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. 10 năm qua (từ năm 2013 đến 2023), ngân sách tỉnh đã đầu tư gần 1,1 nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất các trường THPT và giáo dục thường xuyên; xây mới hơn 1,3 nghìn phòng học bậc mầm non; mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng xây dựng trường chất lượng cao, tăng quy mô đào tạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác quy hoạch, đầu tư vẫn còn một số hạn chế như: Mạng lưới trường học có nơi chưa hợp lý; việc triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu hạn mức đất giáo dục; nhiều trường học ở địa phương còn chưa đạt chuẩn về diện tích trường, lớp học; ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu...
Để tạo đột phá, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29, trong công tác quy hoạch và đầu tư thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh phương án phát triển GD&ĐT trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác có liên quan.
Trong đó đặc biệt quan tâm đến hoàn thiện mạng lưới trường học và nhu cầu sử dụng đất đạt chuẩn theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư để huy động và định hướng nguồn lực đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học theo hướng đạt chuẩn, nhất là đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án đầu tư ngoài công lập, góp phần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Việt Yên
Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục
10 năm qua, huyện Việt Yên đã huy động nguồn lực xã hội hóa để xây mới 331 phòng học, phòng chức năng, mua mới gần 1,3 nghìn máy tính, máy in, thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 245,2 tỷ đồng.
Nguồn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho công tác tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt 4,3 tỷ đồng.
Nhờ đó, tỷ lệ kiên cố hóa, trường lớp học của huyện đã đạt 100%, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lớp học mầm non trong điều kiện quá tải của khu vực công nghiệp trọng điểm. Giai đoạn 2015-2020, toàn huyện đã thành lập mới 9 trường mầm non tư thục và 40 cơ sở độc lập tư thục với 89 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Để đạt được những kết quả này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã áp dụng nhiều giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất trường học. Trước hết, quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương tới đội ngũ cán bộ chủ chốt huyện, các xã, thị trấn, cán bộ, đảng viên, MTTQ và các hội, đoàn thể. Từ đó, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, huy động tối đa các nguồn đóng góp, tài trợ cho GD&ĐT.
Căn cứ vào thực trạng, nhu cầu tại các cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của địa phương, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch vận động phù hợp, phát huy hiệu quả nguồn lực. Để bảo đảm tính công khai, minh bạch, huyện chú trọng vai trò giám sát của các cơ quan chức năng, của người dân, doanh nghiệp đối với các nguồn vốn xã hội hóa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của lực lượng lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Ông Trần Duy Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Giang
Tập trung tạo nguồn, nâng chất lượng bồi dưỡng HSG quốc gia, quốc tế
Nhiều năm gần đây, kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) của Trường THPT Chuyên Bắc Giang thường xuyên nằm trong tốp 15/63 tỉnh, TP về số lượng giải, có học sinh đoạt giải Olympic khu vực và quốc tế, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao.
Nhà trường xác định phát hiện sớm và tuyển chọn học sinh năng khiếu là khâu quan trọng. Để tạo nguồn HSG cho công tác bồi dưỡng, Trường THPT Chuyên Bắc Giang và các trường THCS trọng điểm chất lượng cao đã quan tâm xây dựng chương trình giảng dạy liên thông đối với các môn chuyên; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảng dạy; chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn lựa chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm đảm nhận nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng HSG.
Trong quá trình đào tạo, trường xác định giáo viên đóng vai trò là người đồng hành vừa trang bị kiến thức, kỹ năng, vừa động viên, tư vấn, định hướng cho học sinh chuẩn tốt nhất về kiến thức, kỹ năng và tâm lý trước mỗi kỳ thi.
Hiện nay, trường xây dựng quy chuẩn của một giờ dạy, tổ chức đa dạng hình thức học tập, trong đó đánh giá cao việc tạo hứng thú và phát triển tư duy, hình thành phương pháp tự học, tự nghiên cứu của người học.
Thực tế, các hình thức học tập trên được học sinh tích cực hưởng ứng, mang lại hiệu quả. Trường quan tâm xã hội hóa, huy động các nguồn lực để kịp thời khen thưởng, động viên học sinh đạt thành tích cao trong học tập.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng bồi dưỡng HSG đạt kết quả cao. Riêng năm 2022-2023, trường có 59 học sinh đoạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia, gồm 4 giải Nhất, 14 giải Nhì, 16 giải Ba, 25 giải Khuyến khích; có 3 học sinh đoạt huy chương trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Mai Toan - Đỗ Quyên (thực hiện)