Bắt đầu từ ngày 10/10, quân đội Nga phát động chiến dịch tấn công mới vào thành phố Avadivka; chiến dịch này đến nay đã kéo dài một tháng rưỡi. Truyền thông phương Tây và Ukraine mô tả, tốc độ tiến công trên thực địa của quân Nga rất chậm, chịu tổn thất nặng nề về quân số và vũ khí.
Tuy nhiên, lãnh đạo quân đội Ukraine cũng phải thừa nhận rằng, các điểm cao chiến thuật ở sườn bắc và nam Avadivka đã nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Nga. Đồng thời, Avadivka chỉ có mặt trận rộng 6 km trước khi bị bao vây hoàn toàn, các kênh tiếp tế từ Avdiivka về hậu phương của Ukraine cũng đang bị quân đội Nga phong tỏa bằng pháo hạng nặng.
Theo tin tức mới nhất từ Ukraine, để duy trì áp lực tấn công trực diện vào Avadiivka, quân Nga một lần nữa huy động lực lượng dự bị tuyến hai với hơn 40.000 quân, cùng một lượng lớn vũ khí trang bị kỹ thuật và đạn dược để chuẩn bị đánh chiếm thành phố.
Theo thông tin được Lữ đoàn Phòng vệ nội địa số 110, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ Avadivka cung cấp, quân Nga có được lợi thế rất lớn về khả năng trinh sát và hỏa lực chính xác trên chiến trường; khi sử dụng một “số lượng lớn” UAV để tiến hành giám sát chuyên sâu lực lượng phòng thủ Ukraine và sẵn sàng tấn công khi phát hiện mục tiêu.
Lữ đoàn 110 bình luận về động thái này rằng, quân Nga đang chơi "trò chơi mèo vờn chuột" và sử dụng UAV để săn lùng những người lính Ukraine “đơn độc”. Vì vậy, dựa trên tình hình chiến trường hiện tại của cả hai bên, có lẽ sẽ thích hợp hơn khi miêu tả, tình hình quân Ukraine ở Avadivka là “bấp bênh”.
Trên thực tế, tình hình hiện tại ở Avadivka không có gì đáng ngạc nhiên, xét cho cùng, quân đội Nga đã áp dụng chiến thuật hiệu quả ở mọi giai đoạn của chiến dịch tấn công Avdiivka; khi các đơn vị thực hiện các mệnh lệnh một cách kiên quyết. Hỏa lực pháo binh và không quân Nga hỗ trợ tương đối kịp thời.
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch Avdiivka (từ 10/10-20/10), Nga đã sử dụng một số lượng lớn quân và vũ khí trang bị, đồng thời tung ra các cuộc tấn công của các nhóm thiết giáp, lần lượt nhằm vào các vị trí phòng thủ bên ngoài của quân đội Ukraine.
Mặc dù quân Nga phải trả giá đắt về thương vong, nhưng họ cũng đã đạt được mục tiêu chiến dịch như dự kiến, đó là tiêu hao đáng kể sức mạnh và đạn pháo dự trữ của quân đội Ukraine, khiến họ không còn khả năng tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn và bị mắc kẹt vào cuộc chiến tiêu hao ở vị trí định sẵn. Đây chính là điều mà quân đội Nga mong muốn.
Trong giai đoạn thứ hai của chiến dịch (từ 20/10-20/11), lực lượng chủ lực của quân đội Nga, sau khi đã kiểm soát các điểm cao có lợi về chiến thuật ở sườn bắc và nam, có thể dễ dàng tổ chức các cuộc đột kích nhanh chóng theo nhiều hướng trên tuyến phòng thủ bên ngoài Avadiivka, dưới sự yểm trợ của pháo binh và không quân.
Quân đội Nga thực hành hỏa lực liên tục, đồng thời tung lực lượng cấp trung đội tổ chức chia cắt tuyến phòng thủ bên ngoài của quân đội Ukraina, bao vây và cắt đứt các tuyến tiếp tế từ tây sang đông.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, quân đội Nga không còn nhu cầu tiến hành tấn công bằng cụm thiết giáp nữa, mà sử dụng kiểu chiến đấu đột phá trận địa phòng ngự bằng các đơn vị nhỏ, kết hợp tấn công đơn vị lớn. Đồng thời sử dụng đào hào, để phát động các cuộc tấn công không ngừng nghỉ.
Dưới các cuộc tấn công liên tục của quân Nga, tuyến phòng thủ bên ngoài của Ukraine đã bị tan vỡ. Hãng tin Anh Reuters đưa tin trực tiếp về trận đánh với tiêu đề, "Quân đội Ukraine giữ vững vị trí tại Avdiivka, nhưng khu vực phía Đông thành phố bị chia cắt".
Theo diễn biến của tình hình hiện nay, quân đội Ukraine có thể không thể cầm cự quá lâu ở Avadivka, khi quân phòng thủ Ukraine trong thành phố đã xuống tinh thần, hết đạn và lương thực. Để ngăn chặn binh lính nổi loạn, quân đội Ukraine đưa những đội giám sát ra chốt giữ ở phía sau, ngăn lực lượng chiến đấu phía trước đào ngũ.
Hiện tại, quân đội Nga sử dụng hỏa lực pháo binh để phong tỏa các đường tiếp tế vào Avadiivka, nên phía Ukraine dù muốn cũng không thể bổ sung quân, vũ khí và nhất là đạn pháo vào trong thành phố. Nếu không tăng cường tiếp viện quân số kịp thời, lực lượng Ukraine phòng thủ trong thành phố, có thể sắp kiệt sức.
Trong giai đoạn 1 của chiến dịch, quân đội Ukraine triển khai 15.000 quân ở thành phố Avadivka, chỉ khoảng một tuần sau khi chiến dịch bắt đầu, tổn thất đã vượt quá khoảng một nửa tổng quân số, chỉ còn lại hơn 8.000 người. Trong số đó, có nhiều đơn vị đã chiến đấu nhiều ngày, mà không được luân chuyển, bổ sung.
Ví dụ, Lữ đoàn 110 chiến đấu ở Avadivka là một lực lượng đã không được nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe trong một năm rưỡi. Theo thông tin của truyền thông phương Tây, Lữ đoàn hiện chỉ có hơn 2.000 quân; vũ khí trang bị rất thiếu phụ tùng thay thế và bảo trì.
Với tình hình lực lượng như vậy, liệu Lữ đoàn 110 có đảm nhận được nhiệm vụ bảo vệ Avdiivka, sau khi Lữ đoàn bộ binh cơ giới 59 và Lữ đoàn phòng thủ nội địa 129, là những đơn vị chủ lực trong hoạt động phòng thủ ban đầu, đã bị tổn thất nặng nề,
Trên thực tế, Ukraine từng hy vọng quân đội Nga sẽ giảm quân và vũ khí ở các hướng tác chiến khác, để tập trung tấn công Avadivka. Tuy nhiên, điều mà quân đội Ukraine không ngờ tới là quân Nga đẩy mạnh tấn công về mọi hướng, khiến chính quyền Kiev khó có thể tự lo liệu.
Vì vậy, để hỗ trợ mặt trận Avadivka, quân đội Ukraine đã phải chấp nhận rủi ro rất lớn là triển khai quân từ nhiều mặt trận về đây. Tuy nhiên, phương pháp “giật gấu vá vai” này, khiến quân đội Ukraine tưởng chừng như đã tập hợp được 10 lữ đoàn, nhưng thực lực và trang bị lại vô cùng thiếu thốn.
Lấy Lữ đoàn bộ binh cơ giới 47 của Ukraine làm ví dụ, theo tờ Forbes của Mỹ, Lữ đoàn 47 được điều đến tiếp viện cho Avadivka. Ngay khi đặt chận đến Avdiivka, Lữ đoàn đã sử dụng nhóm thiết giáp tấn công, nhằm phá vỡ vòng vây của quân Nga ở sườn bắc.
Kết quả là sau khi gặp phải cuộc tấn công ba chiều của quân đội Nga, số xe bọc thép vốn có số lượng hạn chế của Lữ đoàn 47 đã bị tổn thất nặng nề. Vì lý do này, Lữ đoàn 47 đã phải thay đổi chiến thuật, sử dụng xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh, để thành lập cái gọi là "nhóm săn" nhằm quấy rối quân Nga.
Tuy nhiên, kiểu quấy rối này có thể gây thiệt hại cho quân Nga, nhưng lại không thể làm thay đổi thế trận tổng thể của quân Nga tại Avdiivka. Có thể nói, quân đội Ukraine ngày nay đã rơi vào tình thế “bên trong không có lương thực, bên ngoài không có quân tiếp viện”, tạo thời cơ cho quân Nga mở cuộc tấn công ồ ạt vào Avadivka.
Vào ngày 9 tháng 11, quân đội Nga đã tấn công khu vực xung quanh làng Stepove và liên tục củng cố các vị trí mới chiếm được. Đến ngày 10 tháng 11, quân đội Nga đã chiếm Stepove và phát triển chiếm giữ các vị trí trên tuyến đường sắt gần đó.
Vào ngày 11/11, quân Nga từ đầu cầu Stepove, đã vượt qua tuyến đường sắt phía đông nam và tiến vào khu vực rừng phía bắc và mở cuộc tấn công vào làng Berdych và đã tiến ít nhất 2 km trong hai ngày và sau đó, đã tiến thêm khoảng 1 km bên ngoài tuyến đường sắt gần, khu dân cư.
Là mục tiêu tấn công chủ chốt của quân đội Nga ở mặt trận phía bắc, sau Stepove và Berdych bị chiếm, chiến dịch bao vây Avadivka chắc chắn sẽ được đẩy nhanh hơn. Còn ở sườn phía Nam quân Nga cũng tiến không hề chậm, hiện đã làm chủ 80% khu công nghiệp; các mũi trinh sát đã tiếp cận vào trong thành phố.
Dù không thể nói quân Nga sắp tràn ngập Avadiivka hoàn toàn, nhưng có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo một số binh lính của Quân đội Ukraine chiến đấu trực tiếp tại Avdiivka cho biết, sự chịu đựng của họ đã tới “giới hạn”, nếu không có sự tăng cường lực lượng, thì họ không thể giữ Avadivka đến đầu năm 2024.
Tiến Minh (theo Sohu)