Những kỷ niệm không thể quên với Giáo sư Võ Tòng Xuân
Sinh - lão - bệnh - tử, vòng tuần hoàn không một ai tránh được, dẫu biết thế, sự ra đi của Giáo sư Võ Tòng Xuân là sự mất mát quá to lớn...
Ngày này 5 tháng trước, tôi cùng một số đồng nghiệp Báo điện tử VTC News từ TP.HCM về Cần Thơ thăm Giáo sư Võ Tòng Xuân. Lần gặp ấy, ông đón chúng tôi tại phòng làm việc của trường Đại học Nam Cần Thơ, lúc vừa xong cuộc họp trực tuyến.
Lần này, vẫn là chuyến xe về Cần Thơ, nhưng chỉ còn được gặp ông qua di ảnh...
Tôi may mắn được gặp Giáo sư Võ Tòng Xuân gần 10 năm trước, hồi còn là phóng viên tập sự.
Ngày đó, đề xuất ăn Tết Nguyên đán theo dương lịch của ông nhận rất nhiều tranh cãi từ dư luận. Trên mạng xã hội, người ta không ngần ngại dùng nhiều lời chê bai. Thậm chí, nhiều bình luận nói rằng, ông là giáo sư "giấy", rảnh rỗi chỉ biết đề xuất những thứ vô nghĩa, vô lý và vô bổ.
Bản thân tôi lúc đó, với góc nhìn của một sinh viên mới ra trường, cũng cho rằng đề xuất của ông chưa phù hợp. Thật trùng hợp, tôi lại được cơ quan giao nhiệm vụ phỏng vấn ông, về chính đề tài đang gây tranh cãi.
Mang tâm thế của một người phản đối đề xuất, tôi được ông nhận lời trả lời phỏng vấn. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông. Trong ông, hòa lẫn cùng cái chất của một lão nông miền Tây thân thuộc với ruộng lúa là sự uyên thâm của một nhà bác học với kho tàng kiến thức vô hạn. Và, tôi bị ông "thôi miên" sau chỉ 15 phút trò chuyện.
"Với những độc giả trẻ không đồng tình, thậm chí phản đối gay gắt quan điểm của tôi, tôi mong các bạn trẻ hãy tiếp tục nghiền ngẫm, chiêm nghiệm. Khi đã có đủ sự trải nghiệm nhất định, các bạn trẻ đọc lại thư phản hồi mình viết để xem mình có thay đổi gì không. Quan điểm của chúng ta trong giai đoạn này còn khác biệt, không thể gặp nhau được, chưa thấy được những lợi ích mà người khác hưởng được", ông nói.
Từ vô lý, tôi dần cảm thấy đề xuất của ông có lý, thấy việc ăn Tết Nguyên đán theo dương lịch không làm mất bản sắc dân tộc, mà còn giúp đất nước hội nhập tốt hơn. Và tôi chắc chắn rằng, bất cứ ai ở trường hợp của tôi đều sẽ bị "xoay chuyển" như thế.
Nhiều giáo sư, tiến sĩ sau đó cũng đã có những bài phân tích, ủng hộ đề xuất của ông. Dĩ nhiên, việc thực hiện ngay, thay đổi ngay là không thể, cần có thời gian.
Sau lần gặp đó, ông trở thành chuyên gia "đinh" trong danh sách của tôi. Không chỉ về nông nghiệp, bất cứ vấn đề gì trong đời sống, xã hội, kinh tế... ông đều có thể phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan.
Tháng 11/2019, gạo ST25 của Việt Nam đạt giải quán quân cuộc thi Gạo ngon thế giới. Ngay sau sự kiện này, các luồng ý kiến tranh luận lại nổ lên. Loạt dấu chấm hỏi xung quanh việc vì sao nhiều lần đoạt giải ở các cuộc thi quốc tế nhưng gạo Việt vẫn không được giá.
Lần ấy, tôi lại được tòa soạn chỉ đạo phải phỏng vấn bằng được ông. Bởi, mặc dù "cha đẻ" của gạo ST25 là kỹ sư Hồ Quang Cua, nhưng trên thực tế, người đứng sau và đóng vai trò dẫn dắt, nâng tầm cho ông Cua không ai khác chính là Giáo sư Võ Tòng Xuân.
Một cuộc gọi lúc chiều tối, ông bắt máy, nói vội: "Ông đang ra sân bay đi Philippines, hội thảo 2 ngày, xong rồi lại qua Ấn Độ. Sẽ khó gọi cho ông, có gì con gửi email đi, ông sẽ tranh thủ xem!".
Nghe lịch trình công việc của ông, tôi dự là đề tài của mình khó mà hoàn thành. Tuy nhiên, cơ quan lại yêu cầu muốn Giáo sư Xuân trả lời, vì chỉ có ông mới có thể đánh giá chính xác nhất vấn đề này ở thời điểm đó.
Và thế, tôi vẫn gửi email với bảng câu hỏi hơn 10 câu tới ông. Cuối thư, không quên xin lỗi vì phiền ông và vẫn chờ đợi sự hồi đáp.
Sau 4 giờ đồng hồ, tôi nhận được phản hồi với thông báo ông đã nhận được thư gửi và sẽ sắp xếp trả lời. Hai ngày sau, tôi nhận được bản trả lời đầy đủ, hơn 5.000 chữ từ ông.
Đầu năm 2020, khi gặp lại ông tôi mới biết, để "cứu nguy" cho tôi trong đề tài lần đó ông đã phải chạy đua thời gian từng chút.
"Hứa trả lời nên phải có trách nhiệm trả lời cho đàng hoàng, qua loa thì thông tin lại sai lệch. Đợt đó ông phải tranh thủ lúc hội thảo giải lao, tranh thủ giờ nghỉ trưa, rồi cả lúc ngồi trên máy bay để hoàn thành bộ câu trả lời cho con", ông nhắc lại khi được tôi hỏi đến.
Gặp và làm việc nhiều lần, tôi càng quý mến và kính trọng ông hơn. Năm nào cũng vậy, tôi đều đặn ghé thăm ông sau dịp Tết, tại phòng làm việc ở Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Tuổi 84, ông vẫn nghiên cứu, vẫn làm việc. Những trăn trở về đổi mới giáo dục, về hội nhập quốc tế, về phát triển nông nghiệp... của ông dường như chưa bao giờ thôi.
Cuộc gặp mới nhất, cách đây 5 tháng, tôi chúc mừng ông đã trở thành người Việt đầu tiên giành giải thưởng VinFuture với công trình phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Bất ngờ hơn, ông thông báo đã dành toàn bộ giải thưởng để thành lập Quỹ học bổng chăm lo con em nhà nông. Ngoài ra, ông cũng bán căn nhà của mình và chuyển vào ở hẳn tại khu nhà dành cho giảng viên của trường để thực hiện dự án giáo dục.
Những sáng kiến, đóng góp của ông không chỉ dành cho Việt Nam, mà còn giúp nhiều nước trong khu vực. Cũng chính lẽ đó, sự ra đi của ông là sự mất mát vô cùng to lớn.
Xin được nghiêng mình tiễn biệt ông - Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân!
Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ qua đời vào hồi 7h27 ngày 19/8/2024 tại TP.HCM.
Ông từng là đại biểu Quốc hội liền 3 Khóa: VII, VIII, IX; Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ (1982 - 1997); Hiệu trưởng trường Đại học An Giang (1999 - 2007); Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam (1996 - 2006); Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông Thủy Sản Việt - Phi (2008 - 2010); Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo (2010 - 2013); Hội đồng Sáng lập và quyền Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ (từ 2013 - nay).
Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản quyết định trao huân chương “Mặt trời mọc” cho Giáo sư Võ Tòng Xuân vì có nhiều đóng góp trong sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản ở lĩnh vực nông nghiệp.
Năm 2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân là người Việt đầu tiên giành giải thưởng VinFuture. Giải thưởng đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển sau 3 mùa tổ chức.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-ky-niem-khong-the-quen-voi-giao-su-vo-tong-xuan-ar890647.html