Những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Đoàn Khuê

Với đồng chí Đoàn Khuê, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, về cương vị lãnh đạo Đảng - Nhà nước và Quốc phòng, tôi không có điều kiện am hiểu nhiều để có những cảm nghĩ lớn lao, sâu sắc về vai trò cống hiến của đồng chí trên các cương vị và lĩnh vực ấy. Mặc dù gần gũi với đồng chí Đoàn Khuê một thời gian ngắn, giúp việc cho đồng chí không thường xuyên, nhưng trong tôi vẫn còn mãi ấn tượng tốt đẹp và là những kỷ niệm sâu sắc nhớ mãi.

TRƯƠNG NGỌC ỨNG, Nguyên UVTVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thư ký Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khóa IX

Đang công tác tại Huyện ủy Triệu Phong, cuối năm 1992 tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động về làm Thư ký chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đây là lần đầu tiên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có Thư ký chuyên trách. Việc mới mẻ, tâm trạng cũng có những lo lắng, nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ.

Chưa xong thủ tục chuyển công tác, tôi phải lên đường ngay để kịp phục vụ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa IX. Ba đại biểu của Đoàn ở địa phương chưa phải thường xuyên gần gũi, thân quen, nhưng tôi đã từng biết, từng gặp; riêng đồng chí Đoàn Khuê, cán bộ Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương tôi từng nghe, chứ chưa gặp trực tiếp lần nào, đến khi ra chỗ lưu trú và họp Đoàn tại Nhà khách Trung ương Đảng, số 8 Chu Văn An - Hà Nội, tôi mới gặp trực tiếp đồng chí.

Có người lần đầu gặp đồng chí với cảm nhận đó là người nghiêm khắc, có phần lạnh lùng; riêng tôi thì hoàn toàn khác, ngay từ đầu tôi cảm nhận đồng chí là một con người nhân hậu và dễ gần. Qua những lần dự họp Đoàn quốc hội, giúp việc cho đồng chí ở địa phương, tiếp xúc, chuyện trò với đồng chí trong công việc cũng như sinh hoạt đời thường, tôi càng khẳng định về cảm nhận của mình là hoàn toàn đúng, hơn nữa, tôi càng thấy rõ hơn phong cách giản dị, tình cảm tinh tế, sâu sắc ở con người đồng chí.

Trong nhiều lần phục vụ đồng chí tiếp xúc cử tri ở địa phương trong nhiệm kỳ, có 2 lần tôi cảm nhận sâu sắc và nhớ mãi... Đó là, lần tiếp xúc cử tri ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa và Đồn Biên phòng Cù Bai (nay là Đồn 605, đã di chuyển đến bản khác của xã Hướng Lập). Hướng Lập là một xã miền núi, chủ yếu dân là người dân tộc Vân Kiều, xa tít ở cực Tây Bắc của tỉnh Quảng Trị, giáp biên giới Việt-Lào và trên Giới tuyến quân sự tạm thời từ năm 1954, nơi chịu đựng đạn bom vô cùng khốc liệt, đến năm 1968 thì được giải phóng hoàn toàn cùng với chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hướng Hóa. Xã cách thị xã tỉnh lỵ Đông Hà khoảng 130 km, Khe Sanh huyện lỵ khoảng 70 km.

Lúc đó, đường từ huyện lỵ đến xã nhiều đoạn phải đi qua đất bạn Lào, chủ yếu là đường còn lại trong chiến tranh, đoạn đường khoảng 40 km vào đến xã xe con không đi được, kể cả xe con quân sự, mà phải đi xe tải cao cầu. Sáng sớm hôm đó xuất phát từ thị xã Đông Hà di chuyển bằng hai loại xe, thì đến chiều mới đến đồn Cù Bai.

Ngồi cùng đồng chí Đoàn Khuê trên chiếc xe tải quân sự (GAT66), đi qua những đoạn đường chênh vênh vô cùng nguy hiểm, lái xe phải vững vàng tay lái mới vượt qua an toàn; không nói ra, nhưng nhìn đường và di chuyển lắc lư vặn mình của xe, tôi rất ái ngại và lo lắng; nhưng rồi cũng được thở phào, khi xe vượt qua ngầm đoạn sông đầu nguồn sông Sê Băng Hiên rồi đến đồn Biên phòng.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri của xã và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng, đồng chí Đoàn Khuê lắng nghe ý kiến của bà con và cán bộ, chiến sĩ đồn, ghi nhận những khó khăn, vất vả của Nhân dân, cũng như lực lượng vũ trang đóng quân ở đây. Nhắc lại những kỷ niệm cuối những năm 1950, khi đồng chí làm Chính ủy Trung đoàn 270 (sau đổi lại là Lữ đoàn 341) đóng quân dọc giới tuyến và có dịp đến nơi này, và đồng chí rất cảm động sau bao nhiêu năm đi khắp mọi miền đất nước, nay mới có dịp trở về thăm. Đồn Cù Bai anh hùng trong chiến tranh, có sự đóng góp rất lớn của người dân ở đây, trước sau luôn một lòng theo Đảng, quyết tâm bám đất, giữ bản làng, bảo vệ biên cương, xây dựng quê hương.

Nhưng vì địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, đất nước, quê hương còn nghèo, nên đời sống bà con vẫn rất khó khăn; đồng chí căn dặn anh em cán bộ chiến sĩ trong việc bảo vệ biên giới, công tác dân vận; gợi ý cho bà con trong việc làm ăn, chú trọng chọn cây trồng gì, chăn nuôi phù hợp với địa hình, tập quán, chăm lo bảo vệ sức khỏe... Bà con cử tri, cán bộ, chiến sĩ rất vui mừng, ở nơi đây có vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đến thăm, đến động viên...

Sau chuyến công tác khảo sát thực tế, ý kiến của đồng chí mà nhà nước đã đầu tư xây dựng tuyến đường biên giới hiện đại, gọi là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, từ miền Tây Quảng Bình qua miền Tây Quảng Trị. Tuyến đường mới đã góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc Quảng Trị, cụ thể là việc đi lại của bà con và lực lượng vũ trang dọc biên giới cơ động rất thuận lợi.

Trong cuộc thăm, làm việc và tiếp xúc cử tri ở đây, có chuyện vui, thú vị mà anh em biên phòng nhắc mãi trong thời gian dài. Tối hôm ở lại đồn, anh em muốn thịt dê của đồn chăn nuôi để mời Đoàn công tác. Biết được chuyện này, đồng chí Đoàn Khuê ngăn lại và nói với các đồng chí Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh và lãnh đạo đồn: hôm nay, chúng ta ăn cơm bình thường thôi, còn anh em mời thịt dê tôi đã nhận, nhưng tặng lại cho đồn; đề nghị anh em tiếp tục chăn nuôi cho sinh sản thêm nhiều lên, rồi lo cho việc cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ, vì nơi này xa xôi, không có chợ búa. Anh em có mặt vỗ tay cười vui vẻ và từ đó có câu chuyện: “Dê của Đại tướng Đoàn Khuê”.

Một lần tiếp xúc cử tri khác đáng nhớ ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Triệu Vân là xã ven biển, cạnh xã Triệu Lăng - quê hương của Đại tướng Đoàn Khuê. Chiều hôm đó, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo xã và ý kiến của bà con cử tri, đồng chí đã dành thời gian dài thông tin chung, phân tích tình hình, giải đáp, tiếp thu ý kiến của bà con.

Cuối ý kiến, đồng chí phát biểu có tính chất chuyện trò tâm sự; đồng chí kể chuyện với bà con về gia đình mình, việc đồng chí tham gia cách mạng lúc 16 tuổi và năm 17 tuổi bị địch bắt, tra tấn, bị giam cầm tại nhà tù đế quốc; việc đồng chí ra tù sau khi về thăm gia đình rồi đi qua đây để ra Quảng Bình năm 1945 làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh, rồi theo đoàn quân Nam tiến vào khu 5..., về số người, số năm của gia đình hoạt động cách mạng tham gia quân ngũ, về sự đóng góp, hy sinh và vinh danh của Nhà nước đối với gia đình về sự đóng góp hy sinh đó, về con cháu trong gia đình được trưởng thành trong xã hội, trong quân đội.

Rồi đồng chí nói rằng: bà con mình thấy rằng người kẻ biển mình cũng làm cách mạng được đấy, cũng trưởng thành, đóng góp cho xã hội đấy; bà con mình đừng tự ti mà phải vươn lên, nỗ lực nhiều hơn nữa, để bà con miền biển, vùng biển mình khác đi. Tôi cảm nhận hôm đó, đồng chí như trút hết bầu tâm sự để nói ra những lời tâm huyết với bà con quê hương.

Lời tâm sự của đồng chí lãnh đạo cấp cao, người con quê hương miền biển đã khích lệ bà con nơi đây vượt qua khó khăn, phấn đấu xây dựng miền biển quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp. Hiện nay, việc khởi động và đang xây dựng Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh là niềm hy vọng. Tôi đâu có biết, lần ấy là lần tiếp xúc cử tri cuối cùng của đồng chí ở địa phương mà tôi phục vụ.

Sau cuộc tiếp xúc cử tri ấy, đồng chí đã trao đổi với lãnh đạo địa phương và tác động với Trung ương về tầm chiến lược ven biển cũng như đời sống khó khăn của bà con hiện tại, cơ sở hạ tầng được quan tâm, đẩy nhanh đầu tư xây dựng. Tuyến đường quốc phòng ven biển được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt các xã vùng biển, đời sống của bà con ngày nay đã khác xưa rất nhiều.

Thoát ly xa gia đình từ lúc còn trẻ, đi khắp mọi miền đất nước và nước bạn để hoạt động cách mạng, nhưng đồng chí rất sâu nặng nghĩa tình với gia đình, với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Tuy không còn thân nhân sinh sống ở quê hương, nhưng những lần về tỉnh nhà công tác - tiếp xúc cử tri, hầu như lần nào đồng chí cũng dành thời gian về thăm nhà thờ - lưu niệm của gia đình, viếng mộ người thân, bạn bè, đồng chí...

Việc về quê của Đại tướng Đoàn Khuê cũng là chuyện đặc biệt. Theo lịch trình được thông báo trước, chiều ngày đó đồng chí Đoàn Khuê đến tỉnh để ngày hôm sau thực hiện chương trình làm việc, tiếp xúc cử tri. Anh em phục vụ chúng tôi thường đón đợi ở Nhà khách Ủy ban tỉnh, nơi đồng chí thường lưu trú khi về tỉnh; nhưng nhiều lần chúng tôi thấy rằng, đồng chí không phải từ Hà Nội vào Nhà khách Ủy ban tỉnh, mà thường là từ quê ngược ra tỉnh.

Làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, quê đồng chí cách tỉnh lỵ gần 40km về phía Đông Nam. Thường lệ, đồng chí rời Hà Nội rất sớm, đến trưa thì đã về gần đến quê, bên đường vào làng, có những rừng phi lao, đồng chí Đoàn Khuê, cận vệ và lái xe dừng lại dưới tán rừng, trải bạt che mưa, đưa cơm mang theo ra ăn...

Người dân đi qua, cũng chỉ biết có 3 chú bộ đội đang ngồi ăn trưa, không ai biết đó là Đại tướng Đoàn Khuê. Sau ăn trưa xong, đồng chí vào thăm nhà thờ gia đình, thắp hương các phần mộ người thân, chiều đồng chí đến Nhà khách Ủy ban tỉnh nơi có chúng tôi phục vụ và các đoàn tùy tùng tháp tùng đồng chí đang đón chờ để ngày mai thực hiện công việc theo lịch trình. Có anh em đem điều băn khoăn nói với tôi: sao để đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đi về quê như vậy, lỡ có chuyện không an toàn thì sao?

Với sự thân tình, gần gũi, tôi đem điều băn khoăn nói với đồng chí; đồng chí tâm tình: mình về thăm nhà, làm gì mà phải phiền người khác, có gì không an toàn thì ông Hoan (đồng chí Nguyễn Đức Hoan, Bí thư Tỉnh ủy), ông Bường (đồng chí Nguyễn Bường, Chủ tịch UBND tỉnh) sao an toàn được. Trong chuyện trò thân tình, đồng chí thường xưng với tôi là mình.

Việc tiễn đồng chí về lại Hà Nội sau những chuyến công tác cũng tương tự như những lần đón đồng chí về địa phương, bữa cơm hôm trước ngày về, đồng chí nói: mấy ngày ở đây cậu phục vụ tốt, anh em lo chu đáo rồi, còn việc mình đi lúc nào là do mình chủ động, không phải tiễn đưa gì cả, không phải ăn sáng đâu, lúc nào ngủ dậy là thầy trò lên đường. Đồng chí nói thêm: bất ngờ cũng là an toàn, anh em yên tâm không phải lo gì cả. Phục vụ đồng chí như vậy, nhiều lần chúng tôi cũng thành quen và ít lo lắng hơn. Tôi nghĩ rằng: đó là tính cách của Đại tướng Đoàn Khuê.

Cũng bất ngờ về lịch trình, có lần về quê lên Đông Hà, đồng chí ghé thăm nhà tôi, lúc này đang ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Sắp đến nhà tôi, đồng chí cận vệ có điện thông báo, nhưng lúc này, tôi đang ở Nhà khách Ủy ban tỉnh cũng không vào kịp. Nhà tôi lúc đó gọi là nhà, nhưng thực chất chỉ một phòng chưa đầy 20 m2, không có phòng khách.

Đồng chí vào thăm mẹ, vợ và con nhỏ tôi, hỏi han về đời sống, sức khỏe và sinh hoạt của gia đình. Tôi rất cảm động về sự ân cần của đồng chí, dù trăm công nghì việc to lớn, thế mà đồng chí dành thời gian động viên gia đình, bản thân tôi là một cán bộ giúp việc bình thường lúc ấy. Tôi thầm nghĩ rằng: mình phải làm sao sống và công tác thật tốt để đáp lại sự quan tâm, tình cảm quý báu đó.

Không chỉ quan tâm bản thân tôi, mà đồng chí còn quan tâm đến các mối quan hệ, tình cảm trong cuộc sống. Có lần, đồng chí tâm sự với tôi: về Quảng Trị nhiều lần, mình tìm dò, hỏi han gia đình nuôi mình ở lúc đi học Tiểu học ở thị xã xem ai còn không, nhưng tìm mãi mà không có manh mối gì. Tôi nói: cháu ở đây, sao bác không nói cho cháu sớm để có thể giúp thêm cho bác.

Đồng chí nói: mình tìm dò hỏi lâu lắm rồi, trước khi gặp cậu, nhưng vẫn không có kết quả gì, chắc gia đình chuyển đi nơi khác rồi. Thời gian và chiến tranh, không biết gia đình còn ai không, hơn nữa, thị xã là người tứ xứ, nên khó tìm. Nghe câu chuyện này, tôi càng trân quý tình nghĩa ở con người đồng chí.

Một tối trong chuyến công tác về địa phương, tôi vào phòng ở thăm đồng chí. Vừa uống nước, chuyện trò thân tình, đồng chí có cho tôi biết, sắp tới đồng chí sẽ chuyển công tác khác. Tôi nghe vậy, cũng mừng khi đồng chí được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tin tưởng, tín nhiệm phân công việc quan trọng. Sau một thời gian, thì biết đồng chí được Bộ Chính trị phân công công việc mới, thôi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng không phải công việc như đã được nghe trước đó; rồi biết tin đồng chí bị trọng bệnh, vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 108.

Tôi đến thăm đồng chí tại phòng bệnh vào một buổi chiều cuối mùa hè, sức khỏe đồng chí lúc này cũng đã yếu, giọng nói nhỏ và khàn, không nói chuyện được nhiều. Tuy vây, đồng chí cũng hỏi han đến tình hình quê hương: “trong quê nghe tin hạn hán nhiều, bà con mình có đủ nước dùng không, súc vật và cây trồng bị ảnh hưởng nhiều không...”.

Tình cảm của đồng chí đối với quê hương lúc nào cũng sâu nặng. Rời phòng bệnh, tôi rất buồn và thương đồng chí, kỷ niệm những ngày phục vụ đồng chí lên Trường Sơn, xuống biển, những tình cảm thân thương mà đồng chí giành cho tôi, không bao giờ quên.

Sau này, mỗi lần ra Hà Nội có điều kiện tôi đến nhà thăm bác gái - bác Sương và thắp hương cho đồng chí bày tỏ sự thành kính, tri ân một con người mình quý trọng.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/nhung-ky-niem-sau-sac-voi-dai-tuong-doan-khue/180890.htm