Những kỷ niệm về người thầy của Truyền hình Thông tấn
Những ngày này, tin buồn nhà báo Nguyễn Văn Vinh về cõi vĩnh hằng sau thời gian lâm bệnh đã để lại niềm thương tiếc vô hạn với đồng nghiệp, khán giả truyền hình. Là nhà báo tâm huyết, yêu nghề, tài hoa, nhà báo Nguyễn Văn Vinh với ống kính máy quay đã có nhiều năm tháng cống hiến tại các cơ quan truyền thông hàng đầu của đất nước và quốc tế: VTV, Reuters…trực tiếp chứng kiến, ghi lại những thời khắc lịch sử, phỏng vấn nhiều nhân vật lịch sử, chính trị gia, người nổi tiếng, góp phần gửi đến công chúng và để lại cho thế hệ mai sau nhiều tư liệu hình ảnh quí giá.
Cách đây 15 năm, trong bề bộn công việc chuẩn bị cho sự ra đời của kênh Truyền hình Thông tấn - Kênh truyền hình chuyên biệt thông tin thời sự chính luận đầu tiên tại Việt Nam , nhà báo Nguyễn Văn Vinh đã góp phần không nhỏ trong công tác đào tạo, truyền dạy kỹ năng làm báo hình cho những phóng viên, biên tập viên truyền hình đầu tiên của TTXVN.
Sau ngày Truyền hình Thông tấn lên sóng chính thức vào ngày 25/8/2010, nhiều bản tin thời sự, chương trình truyền hình đặc biệt được Nhà báo Nguyễn Văn Vinh trực tiếp thực hiện cùng các ekip sản xuất, đã phát sóng thành công, tạo sức lan tỏa với khán giả trong và ngoài nước. Truyền hình Thông tấn xin được trích đăng bài viết của Nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền hình Thông tấn Nguyễn Hoài Dương về những kỷ niệm với nhà báo Nguyễn Văn Vinh.
“Thấy Anh lần đầu cách đây đúng 42 năm, năm 1982, khi Anh là phóng viên quay phim Truyền hình Việt Nam chuyên trách cho cố Chủ tịch nước Trường Chinh trong chuyến thăm Cuba, lúc đang du học và được Đại sứ quán cử ra sân bay vẫy cờ hoa đón Chủ tịch nước. Lúc ấy chỉ nhớ là thấy một anh quay phim gầy gò với chiếc máy quay to đùng trên vai, chạy đi chạy lại xăng xái ghi hình Chủ tịch Fidel Castro ôm hôn chào đón Chủ tịch Trường Chinh. Lúc hai vị nguyên thủ quốc gia đi ra chào công chúng, lần đầu tiên được bắt tay Fidel và được Ông ân cần hỏi: Cháu học ngành gì, trường nào?, thì chỉ mong hình ảnh ấy lọt vào ống kính của “bác” quay phim kia để ở nhà may ra bố mẹ và các em nhìn thấy mình trên ti vi. Bẵng đi, đúng những ngày này 20 năm trước, khi được lãnh đạo ngành cử về Trung tâm Nghe nhìn Thông tấn, qua giới thiệu của anh em, được gặp lại Anh khi đó là phóng viên của hãng tin Reuters thường trú tại Hà Nội để nhờ Anh, với kinh nghiệm dầy dạn của một phóng viên truyền hình, tư vấn về kỹ năng làm tin nghe nhìn. Anh, vẫn với sự năng nổ của hơn 20 năm trước như khi tác nghiệp ở La Habana, đã ngay lập tức nhận lời. Anh rất thích uống bia hơi, nên chiều chiều, sau giờ làm việc anh em lại hẹn gặp nhau tại quán bia vỉa hè để trò chuyện, để nghe Anh nói về kinh nghiệm làm truyền hình. Đây cũng là lúc anh em nghe nhìn nghĩ về việc xây dựng một kênh truyền hình thông tấn. Thế rồi, mong muốn trở thành hiện thực. 15 năm trước, năm 2009, trong chuyến thăm TTXVN đúng vào ngày Báo chí Cách mạng 21/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cho TTXVN xây dựng một Kênh truyền hình chuyên biệt thông tin thời sự chính luận. Guồng máy bắt đầu chạy. Trong bề bộn công việc chuẩn bị cho sự ra đời của kênh, công tác đào tạo nguồn nhân lực có lẽ là một trong những việc khó nhất đối với ngành, vốn chuyên tác nghiệp tin văn bản và ảnh. Tuy nhiên, đã có Anh Vinh. Vâng chính Anh, cùng với thầy Vũ Quang Hào tạo nên cặp bài trùng, giúp đào tạo nên những phóng viên, biên tập viên truyền hình đầu tiên của TTXVN. Chính Anh đã giảng dậy cặn kẽ cho các em phóng viên, biên tập viên xây dựng kịch bản một chương trình thời sự truyền hình như thế nào, cách thức làm forrmat cho một bản tin, cách quay một tin hình hay phỏng vấn nhân vật ra sao, tổ chức truyền hình trực tiếp một sự kiện nổi bật trong nước hoặc quốc tế thì phải làm thế nào...Và căn dặn của Anh: “Comunicate”, nghĩa là phải thường xuyên giữ thông tin với nhau để không bị động, đã trở thành một slogan cho sự kết nối giữa những người làm Truyền hình thông tấn. “Anh Vinh-Thầy Vinh” đã trở thành tên gọi quen thuộc, thân thương của nhiều phóng viên, biên tập viên TTXVN không chỉ ở VNews mà cả tại các Cơ quan thường trú trong và ngoài nước”.