Những ký ức khó quên của mẹ Sáu
Mẹ Lê Thị Sáu có chồng tham gia kháng chiến chống Pháp, và rồi hai người con trai cũng tiếp bước theo con đường cách mạng. Hai lần tiễn con đi là hai lần mẹ Sáu nén chặt nỗi đau, khóc thầm lặng lẽ...
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Sáu, sống tại phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An, bước sang tuổi 101. Dù ở tuổi xưa nay hiếm, mẹ còn rất minh mẫn. Mẹ Sáu nhớ rõ từng chi tiết về các con, đặc biệt là những kỷ niệm về hai người con liệt sĩ là Lê Huy Minh và Lê Huy Trường.
Hai lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ
Mẹ Lê Thị Sáu là người gốc Vinh, sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Thủy (nay là phường Bến Thủy). Trong những năm Kháng chiến chống Mỹ, Vinh – Bến Thủy là khu vực thường bị ném bom vì cảng Bến Thủy lúc bấy giờ là điểm tiếp tế và vận chuyển lương thực cho chiến trường miền Nam.
Mẹ Sáu kể: Chồng của mẹ là công nhân cảng Bến Thủy, trước cũng đi đánh Pháp. Con trai đầu là anh Lê Huy Minh nhập ngũ từ năm 1964. Con trai thứ hai của mẹ là anh Lê Văn Trường, vào cuối năm đó, theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương, cũng tham gia vào dân quân tự vệ của xã Hưng Thủy.
Nhiệm vụ hàng ngày của anh Trường là tham gia công tác trực chiến tại cảng Bến Thủy, đảm bảo an ninh và hỗ trợ các đơn vị vận chuyển bom đạn, vũ khí vào miền Nam một cách an toàn.
Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, quân giặc tiến hành các cuộc tập kích vào TP Vinh, trong đó cảng Bến Thủy bị tấn công nhằm khởi đầu cho chiến dịch phá hoại miền Bắc. Vào những ngày đầu tháng 6 năm 1965, cuộc chiến đấu bảo vệ TP Vinh đang diễn ra ác liệt.
Buổi trưa hôm đó, đang ở trong nhà, mẹ Sáu nghe tin "Thằng Trường bị thương, đang được đưa đi cấp cứu tại nhà thương thành phố". Lúc đó, chân tay mẹ rụng rời. Chỉ vài giờ sau khi nhập viện, anh Trường đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Ngày đó, anh Trường chỉ mới 18 tuổi và là tiểu đội trưởng dân quân. Giấy báo tử của anh ghi rõ hi sinh khi "Trực cứu tải thương bộ đội hải quân máy bay Mỹ bắn".
Liệt sĩ Lê Huy Trường là con trai thứ hai của mẹ Sáu, nhỏ hơn anh Minh hai tuổi. Vào ngày anh Trường hy sinh, anh Minh đang tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Nhận tin em trai hi sinh nhưng vì cuộc chiến đang trong thời điểm khốc liệt nên anh Minh cũng không thể về nhà đưa tang em trai.
Đến nay đã gần 60 năm kể từ ngày 2 con trai ra đi trong ký ức của mẹ Sáu, Trường vẫn là một người con chăm chỉ và ham học. Trước khi gia nhập dân quân tự vệ, một buổi Trường đi học, một buổi đi chăn trâu, cắt cỏ và bên nách khi nào cũng kẹp theo một cuốn sách để học bài.
Còn có những năm vì bom đạn loạn lạc, trường học phải sơ tán sang Hà Tĩnh về phía bên kia sông Lam. Không muốn mất buổi học, ngày nào Trường cũng đội sách, đội áo quần bơi qua sông để đến trường. Ký ức ấy khiến mẹ Sáu thẫn thờ mỗi khi nhớ lại.
Ngày các anh đi, mẹ Sáu còn nhớ rõ. Lúc đó, các anh còn trẻ lắm, mới 18, đôi mươi. Các anh động viên mẹ đừng khóc. Mẹ lại động viên các anh yên tâm lên đường, rồi lặng lẽ khóc thầm. Tuổi đã cao, những ký ức, hoài niệm của mẹ thường không còn rõ ràng. Có lúc, mẹ mơ hồ giật mình, tưởng tượng tiếng súng giặc thù bắn trúng con mình ngoài mặt trận, mà như bắn vào tim mẹ nơi quê nhà.
Lửa chiến tranh đã tắt hàng chục năm, đã chôn vùi rất nhiều thứ, nhưng mẹ vẫn ngồi đó đằng đẵng chờ đợi, dù biết rằng hai người con trai sẽ mãi mãi không về. Một mình mẹ vẫn lặng lẽ suốt bao năm qua, ra ngóng vào trông, đôi mắt đã cạn khô dòng lệ vì thương nhớ.
Mẹ nhớ hồi đó, ngày anh Trường hy sinh, suốt 6 tháng ròng, mẹ Sáu không ăn, không ngủ được, thửa ruộng ngày thường được mẹ chăm chút cũng bỏ hoang... Nỗi đau này chưa nguôi thì 7 năm sau, mẹ Sáu lại nhận tin báo tử, người con trai đầu của mẹ hy sinh tại mặt trận phía Nam Quân khu 4.
Trước khi hy sinh, liệt sĩ Lê Huy Minh chưa từng một lần được về thăm nhà. Anh ra đi, để lại người vợ trẻ, và họ chỉ sống vỏn vẹn với nhau được một ngày.
7 năm, với hai nỗi đau quá lớn, mẹ Lê Thị Sáu đã trải qua những tháng ngày chỉ biết "khóc thầm". Còn nỗi đau nào xé lòng hơn khi chưa đến 50 tuổi nhưng đã 3 lần mẹ phải mất con. Ngoài hai người con trai hy sinh, mẹ còn mất đi đứa con gái duy nhất khi chưa đầy 1 tuổi.
Muốn độc lập phải biết hi sinh
Sống hơn một thế kỷ, sức khỏe mẹ Sáu đã yếu, đi lại khó khăn, và những cơn đau tuổi già ngày một nhiều hơn. Năm xưa, người mẹ kiên cường này đã từng nuốt nước mắt tiễn con ra mặt trận. Giờ đây, dù tuổi cao, mẹ vẫn vẹn nguyên, sắt son một lòng vì nước, biết nén nỗi đau riêng vì cuộc đời chung.
Tuổi già thường hay lẫn, nhưng những câu chuyện về chồng, về con, về cách mạng thì mẹ vẫn nhớ như in. Qua lời kể của mẹ, ký ức buồn nhiều hơn vui và có những nỗi đau có thể sẽ mãi mãi không thể xóa nhòa.
Mẹ Sáu hướng ánh mắt lên tường nhà, nơi treo những tấm huân chương chiến công và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Những phần thưởng này ghi nhận công lao và sự hi sinh của mẹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ chậm rãi kể tiếp: “Các anh đi nhiều năm nhưng thi thoảng vẫn về trong giấc mơ của mẹ. Nhiều đêm mẹ mơ thấy anh Minh về, chỉ đứng đó mỉm cười và hỏi mẹ có khỏe không. Tỉnh dậy, nước mắt mẹ giàn giụa vì nhớ thương con”.
"Khi nó đi bộ đội, nó có để lại cái xe Thống Nhất cho vợ đi. Thỉnh thoảng nó về, lại hỏi mẹ xe của con đâu rồi. Có lần, cả hai đứa cùng về, hỏi mẹ có khỏe không, sao mẹ không mắc màn mà ngủ. Mẹ bảo, mẹ để vậy cho mát. Có khi nhớ tụi nó quá, mẹ quàng tay ôm chúng vào lòng. Nhưng khi ngoảnh lại, không thấy đứa nào nữa. Cả giường lạnh tanh...” - mẹ Sáu xót xa.
Mỗi khi nỗi nhớ trỗi dậy, mẹ Sáu chỉ biết lục lại những ký ức đã cũ, những bức ảnh hiếm hoi của gia đình. Bức ảnh đáng quý nhất có lẽ là bức chụp mẹ và vợ chồng con trai cả. Khi ấy, cả hai chuẩn bị cưới nhưng đám cưới cũng vội vã lắm. Vì lẽ, lúc đó con trai mẹ đã nhập ngũ và đang phải huấn luyện ở vùng Bắc. Chuẩn bị cưới nhưng đến chiều 30 Tết, con trai mới kịp trở về.
Hôm đi chụp ảnh, mẹ bảo chồng, hai đứa em cũng đi với hai vợ chồng con trai nhưng mọi người đều từ chối. Em Trường thì đi đến giữa đường rồi về. Lên một hiệu ảnh ở Vinh, ba mẹ con cũng chỉ kịp chụp với nhau đúng một kiểu ảnh. Đám cưới xong ngày mồng 4 Tết thì ngày mồng 5, anh Minh có lệnh lên đường vào Nam và biền biệt cho đến ngày anh hi sinh.
Trong chiếc ba lô mà đồng đội gửi về cho gia đình, có một tấm ảnh nhỏ của anh Minh khi đã gia nhập quân ngũ. Dù tấm ảnh chỉ nhỏ như bao diêm, nhưng qua năm tháng, mẹ vẫn gìn giữ nâng niu. Nhắc đến những bức ảnh cũ, mẹ lại xót xa: "Thằng Minh thì mẹ còn nhớ dáng, nhớ hình. Nhưng em Trường thì đi bất ngờ quá, không kịp chụp một bức hình nào. Đến giờ, mẹ vẫn không có được bức ảnh thờ của con".
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng đối với mẹ Sáu, các anh vẫn mãi là những đứa con bé bỏng, chăm chỉ và ngoan ngoãn của mẹ. Mẹ tiếc nuối vì ngày xưa anh Minh học rất giỏi, đã thi đậu vào cấp 3 nhưng chưa kịp hoàn thành chương trình học thì phải xung phong nhập ngũ. Mẹ cũng nhớ đến em Trường, người luôn sống đầy tình cảm và quý mến.
Mẹ cũng thương cô con dâu, người chỉ được sống với chồng mình vỏn vẹn một ngày. Sau khi anh Minh ra đi mãi mãi, mẹ phải khuyên bảo mãi, cô dâu mới chịu bước tiếp một lần nữa trong cuộc đời…
Nỗi đau trong lòng mẹ sẽ chỉ có thể nguôi ngoai khi người con trai út của mẹ lập gia đình, sinh con và có cháu, có chắt. Trong số những người gần gũi, mẹ xem chị Nguyễn Thị Huệ, vợ của con trai út, như một người con gái. Chị Huệ luôn lo lắng và chăm sóc mẹ từ những việc lớn đến những việc nhỏ, dù mẹ khỏe mạnh hay ốm đau. Chị đảm đương mọi công việc, là người luôn bên cạnh mẹ trong những lúc khó khăn, xoa dịu nỗi đau của mẹ bằng tình yêu thương và sự chăm sóc tận tâm.
Dù cuộc sống vẫn còn khá vất vả, ngôi nhà nhỏ của mẹ nằm ở vùng chiêm trũng, nơi mà "chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn", mẹ vẫn được an ủi phần nào bởi tình yêu thương và sự chăm sóc tận tụy của chị Huệ. Anh con trai út của mẹ đã trải qua ba lần tai biến và nằm một chỗ gần 10 năm nay, nhưng mỗi ngày mẹ đều được chị Huệ chăm sóc chu đáo. Chị không chỉ là người lo lắng cho mẹ từ những công việc lớn đến những việc nhỏ, mà còn là nguồn động viên tinh thần, giúp mẹ vơi bớt nỗi khổ và cảm nhận được sự ấm áp trong những năm tháng tuổi già.
Năm nay, bước qua tuổi 101, dù lưng đã còng, tóc bạc, và gương mặt chằng chịt nếp nhăn, mẹ Sáu vẫn được ông trời ban cho một trí nhớ minh mẫn. Mẹ thường nói: "Cố minh mẫn để chờ ngày đón con trở về." Mỗi ngày, mẹ không nỡ quên hai người con trai của mình, níu giữ từng mảnh ký ức về họ, như một cách để tình yêu và nỗi nhớ của mẹ không bị phai nhạt theo thời gian.
Dù nỗi đau theo thời gian dẫu chưa nguôi ngoai, mẹ Sáu luôn nói rằng: "Muốn độc lập thì phải hi sinh, mẹ chọn mất mát về cho riêng mình. Mẹ đã mất hai con, mọi thứ để ghi nhớ về con cũng bị giặc đốt phá. Mẹ chỉ nhớ con mẹ rất khôi ngô, học rất giỏi, lại hiếu thảo". Mẹ Sáu mỉm cười, nhưng nước mắt vẫn chực rơi trên khuôn mặt đã mỏi mòn, khô héo, như một minh chứng cho tình yêu và nỗi nhớ không bao giờ phai nhạt.
Ông Trần Văn Duẩn, Khối trưởng K13, Phường Bến Thủy, TP Vinh, chia sẻ: "Chúng tôi bày tỏ sự cảm phục và lòng biết ơn vô hạn đối với những mất mát và hy sinh to lớn của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sáu, người đã hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc, cho dân tộc.
Gia đình mẹ Lê Thị Sáu là gia đình giàu truyền thống cách mạng. Chính quyền các cấp, ban ngành luôn quan tâm, động viên, thường xuyên thăm hỏi, an ủi mẹ lúc tuổi già. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức hỗ trợ khi cần, để mẹ có thể an yên lúc tuổi già".
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-ky-uc-kho-quen-cua-me-sau-16924072609233441.htm