Những ký ức không thể phai mờ

Đã 75 năm trôi qua, nhưng ký ức về ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I vẫn không phai mờ trong tâm trí của những người từng gắn bó với thời điểm lịch sử đó. Mỗi khi nhắc đến ngày hội của toàn dân năm ấy, những chứng nhân lịch sử một thời luôn xúc động và tự hào...

Ký ức không quên

Bước vào tuổi 94, ông Đỗ Minh Cảnh, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) vẫn giữ được sự minh mẫn và giọng nói điềm đạm, mạch lạc. Ông Cảnh kể: Ngày 6.1.1946 là ngày hội lớn thứ hai sau khi đất nước giành độc lập. Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 thực sự là ngày hội lớn của cả nước. Ngày đó, đất nước bộn bề khó khăn, 95% dân số mù chữ, mà bầu cử thì đòi hỏi phải biết viết, biết đọc... Thế là, khi thành lập Nhà nước mới, lúc có chủ trương bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thì người dân đi học chữ rất đông. Họ học để biết đọc, biết viết để đi bầu cử. Vì thời điểm đó, cử tri muốn bầu cho thì viết tên những người đó vào phiếu.

Vợ chồng ông Lê Nam Hà, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cẩn thận xem lại thẻ cử tri của mình.

"Trong cuộc bầu cử đầu tiên đó đã cho nhân dân thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước. Đó là, cùng với Đảng, Nhà nước hoàn thành sứ mệnh, chiến lược mà Chính phủ đề ra. Bởi theo Bác Hồ, lá phiếu của cử tri rất cao quý, là một dấu hiệu xác nhận nhân dân ta thật sự làm chủ nước nhà...", ông Cảnh chia sẻ.

Ngày được tham dự cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước cách đây 75 năm có lẽ là một ngày đặc biệt với ông Cảnh. Chỉ sau vài tháng nhập ngũ, ông Cảnh cùng đơn vị tham gia bầu cử. “Trong quân đội tổ chức bầu cử rất trang nghiêm. Trước lúc bỏ phiếu, đơn vị đã nghe quán triệt ý nghĩa của cuộc bầu cử. Danh sách ứng cử viên tôi không nhớ hết, nhưng ở đơn vị Quảng Ngãi có các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong, Phạm Quang Lược... Sau đó, cả Tiểu đoàn tập hợp lại, hết hàng này đến hàng khác lần lượt bỏ phiếu. Phải nói là ý nghĩa vô cùng, mỗi đồng chí cầm lá phiếu trên tay rất tự hào vì mình là công dân một nước độc lập và tự bầu ra những người sẽ đại diện cho mình để xây dựng đất nước".

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày cử tri cả nước đi bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026. Dù tuổi cao, nhưng ngày ngày ông Cảnh vẫn quan sát sự phát triển của đất nước, dõi theo những thông tin về cuộc bầu cử sắp đến. Ông Cảnh mong đến ngày 23.5 để lại được cầm lá phiếu bầu chọn những vị đại biểu đủ đức, đủ tài, hết lòng vì nước, vì dân. 15 lần được đi bầu cử ĐBQH thật sự là niềm vinh dự và tự hào đối với ông Cảnh.

Người đảng viên với 14 lần đi bỏ phiếu

Sau lần Tổng tuyển cử đầu tiên, 15 năm sau đó, vào ngày 8.5.1960 - ngày bầu cử ĐBQH khóa II mới được tổ chức lại. Quốc hội khóa II là Quốc hội hoạt động trong thời kỳ đất nước bị chia cắt. Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử được tiến hành từ Vĩ tuyến 17 trở ra. Tuy nhiên, cử tri đi bầu ĐBQH là cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại diện cho cả miền Nam nên cuộc bầu cử lần thứ hai càng có ý nghĩa đặc biệt.

Ngày đó, ông Lê Nam Hà, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) công tác tại Viện Thiết kế tổng hợp thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Đó cũng là lần đầu tiên ông Hà được cầm lá phiếu đi bầu ĐBQH. “Lần đầu tiên đi bầu cử ĐBQH là lúc tôi 26 tuổi. Tôi tham gia bỏ phiếu tại Thủ đô Hà Nội. Ngày ấy, không chỉ háo hức mà tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc khi được thực hiện quyền của công dân thông qua lá phiếu và tự mình chọn lựa những người xứng đáng bầu vào Quốc hội. Tôi được bỏ phiếu ngay tại Thủ đô nên cảm thấy thiêng liêng lắm!", ông Hà bồi hồi nhớ lại.

Trong ký ức của ông Hà, những ngày đó, khắp nơi trang hoàng rực rỡ. Tại các địa điểm bỏ phiếu rất đông người, nhưng đều trật tự xếp hàng chờ đến lượt mình bỏ phiếu. Ông Hà cũng đã trải qua 13 lần đi bầu cử tại nhiều thời điểm, nhiều bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng cảm xúc về lần đi bầu cử đầu tiên không bao giờ phai trong tâm trí. Ngày 23.5 tới đây sẽ là lần thứ 14 trong đời, ông Hà được cầm phiếu lựa chọn những người đủ đức, đủ tài bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Để lựa chọn đại biểu xứng đáng cho mình, ông Hà theo dõi từng chương trình hành động của ứng cử viên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông cẩn thận ghi ra sổ tay từng ứng cử viên mà mình dự định bầu. Ông xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước.

Bài, ảnh: THANH THUẬN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202105/nhung-ky-uc-khong-the-phai-mo-3057802/