Những lá cờ đầu của ngành giáo dục vùng biên
Xây dựng khối đoàn kết nội bộ, đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục, nỗ lực vì học sinh ở vùng khó… là những yếu tố tạo nên thành công trong dạy và học trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Trong đó có thể kể đến 3 ngôi trường tiêu biểu, gồm: Mẫu giáo Hoa Sen, Tiểu học Lộc Điền A và THCS Lộc Tấn là những lá cờ đầu góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục huyện biên giới.
Vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ
Trường mẫu giáo Hoa Sen ở ấp K’liêu, xã Lộc Thành thành lập từ năm 2015, tiền thân là điểm lẻ của Mẫu giáo Hoa Mai. Ngày đầu thành lập, trường gặp vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu thốn. Song vượt lên tất cả, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.
“Trường đóng trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số . Vì vậy, việc vận động trẻ đến lớp, tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sứ mệnh của giáo viên, chúng tôi không chỉ là người cô mà còn là người mẹ thứ hai của trẻ. Vì thế thời gian qua, chúng tôi không ngừng nỗ lực để đưa các hoạt động của trường ngày càng có chất lượng hơn, đặc biệt là chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, tạo cho phụ huynh niềm tin tưởng đối với nhà trường” - cô Nguyễn Thị Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hoa Sen chia sẻ.
Giai đoạn 2015-2020, Trường mẫu giáo Hoa Sen được đầu tư xây dựng khuôn viên khang trang, cơ sở vật chất và trang thiết bị, đồ dùng học tập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia. Đến năm học 2022-2023, trường có 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 7 lớp học/210 học sinh, trong đó gần 50% học sinh dân tộc thiểu số.
Với sự tâm huyết của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, chất lượng giáo dục được nâng cao qua các năm. Cuối năm học 2021-2022, tỷ lệ chuyên cần của trẻ 5 tuổi đạt trên 90%; trẻ hoàn thành chương trình hằng năm đạt 95% trở lên; trên 50% trẻ đạt bé khỏe, bé ngoan... Mẫu giáo Hoa Sen luôn là điểm sáng thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non của huyện Lộc Ninh. Đặc biệt, các năm học 2020-2021, 2021-2022, trường liên tục dẫn đầu khối thi đua, vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và cờ thi đua.
Ngôi trường giàu truyền thống
Trường tiểu học Lộc Điền A có bề dày 40 năm xây dựng và phát triển. Trường luôn phát huy kinh nghiệm của thế hệ đi trước, khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đạt trình độ chuẩn. Từ năm học 2021-2022, trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 19/19 lớp với hơn 600 học sinh; dạy môn Tin học cho học sinh từ khối 3 đến khối 5, đồng thời bước đầu tiếp cận chương trình dạy tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ với thời lượng 2 tiết/tuần cho tất cả khối lớp.
Kết quả hằng năm, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Ngoài chương trình học, các em được phát huy tốt năng lực, sở trường, năng khiếu thông qua các hoạt động do trường tổ chức như: bóng đá, võ cổ truyền, bóng bàn, đá cầu; hoạt động trải nghiệm “Lồng ghép giáo dục lịch sử địa phương, giáo dục kỹ năng sống thông qua hành trình trò chơi lớn tại di tích lịch sử Tà Thiết dành cho đội viên cấp tiểu học”…
Tháng 3-2022, trường được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hiện trường tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm 2 dãy phòng học lầu, dự kiến bàn giao vào đầu năm 2023. Đây chính là yếu tố quan trọng để thầy và trò nhà trường tiếp tục vươn lên trong phong trào thi đua “hai tốt”; tập thể nhà trường duy trì các danh hiệu thi đua, giữ vững 5 năm liên tục dẫn đầu khối tiểu học, được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen và cờ thi đua.
Cô Nguyễn Thị Kim Xuyến, Hiệu trưởng trường cho biết: “Để đạt được kết quả như hôm nay, đầu tiên phải nói đến vai trò chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo UBND huyện Lộc Ninh, Phòng GD&ĐT, Đảng ủy, UBND xã Lộc Điền để trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, tất cả vì học sinh thân yêu”.
Khơi dậy niềm đam mê, hiếu học
Với mục tiêu “Dạy thật, học thật và học để làm người có ích cho xã hội”, từ khi thành lập đến nay, quan điểm xuyên suốt của Trường THCS Lộc Tấn là tích cực đổi mới phương pháp quản lý, dạy học; coi trọng chất lượng toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Vì thế, trường luôn kết hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Đồng thời, luôn quan tâm, tạo môi trường sư phạm thân thiện, khơi dậy niềm đam mê, sự hiếu học và sáng tạo ở thầy cô giáo cũng như mỗi em học sinh.
“Trải qua 26 năm hình thành và phát triển, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, địa phương, đội ngũ giáo viên của trường đã nỗ lực phấn đấu hết mình trong hoạt động dạy và học. Trường là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ đưa tivi, máy chiếu vào dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục” - cô Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Tấn khẳng định.
Năm học 2021-2022, mặc dù đa số thời gian phải học trực tuyến do dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng của trường đạt 97%; học sinh học lực khá, giỏi chiếm 68%; toàn trường có 37 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.
Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, Trường THCS Lộc Tấn hiện được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang gồm 22 phòng học kiên cố. Các khối phòng học, khối phụ trợ được đầu tư xây dựng thêm sẽ sớm hoàn thành để kịp công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong năm 2022.
Đứng chân trên địa bàn xã Lộc Tấn anh hùng và hiếu học, trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, Trường THCS Lộc Tấn đã đạt nhiều danh hiệu đáng tự hào. 5 năm gần đây, trường liên tục vinh dự được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh, Chính phủ và đạt nhiều thành tích cao quý khác trong sự nghiệp “trồng người”.
Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, các trường học trên địa bàn huyện Lộc Ninh luôn xác định rõ trách nhiệm, phấn đấu không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”.