Những lá đơn đặc biệt xin ra khỏi hộ nghèo
Bên cạnh những gia đình khá giả thoát nghèo thì rất nhiều người dân là người dân tộc thiểu số, người già tại Nghệ An và Hà Tĩnh dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn sẵn sàng viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Không còn tâm lý ỉ lại
Xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) cách trung tâm huyện hơn 20km, cách trung tâm tỉnh hơn 100km, bên kia dãy Trường Sơn là đất bạn Lào lại có những lá đơn đặc biệt đó. Người phải nhắc đến đầu tiên là bà La Thị Tín ở bản Xiềng, hơn 10 năm liên tục là hộ nghèo của địa phương, được hưởng các chính sách của nhà nước và chăm chỉ làm lụng nên cuộc sống có phần đỡ vất vả hơn.
Vừa qua, gia đình bà đã quyết định làm đơn ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho những gia đình khó khăn khác trong bản, trong xã. Việc làm của bà La Thị Tín đã tiên phong cho những hộ khác trong bản Xiềng, nhiều gia đình trẻ hơn bà cũng đã làm đơn xin rút tên khỏi danh sách hộ nghèo năm 2019.
Chị Hà Thị Nhàn cũng là một trường hợp tương tự, hơn 8 năm là hộ nghèo của bản, được vay vốn chính sách diện hộ nghèo, được cấp pháp bảo hiểm y tế, được hỗ trợ mỗi năm… Đặc biệt năm 2018 đã được hỗ trợ xây mộ căn nhà tình thương nên gia đình có ngôi nhà kiên cố, không tạm bợ như trước nữa. Đến nay kinh tế đã phần nào ổn định nên quyết định làm đơn xin thoát nghèo.
Trong lá đơn viết tay có đoạn: “…Gia đình chúng tôi cũng đã được hưởng nhiều chế độ về chính sách ưu đãi của cấp trên. Và gia đình chúng tôi cũng làm thêm có mức thu nhập tạm ổn. Cuối năm 2018, sau khi bình xét hộ nghèo, gia đình chúng tôi đã tình nguyện xung phong thoát nghèo”….
Ông Lương Văn Hoa – Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết, những lá đơn thoát nghèo thông qua vận động người dân, thông qua tình hình thực tế của các hộ và những người dân nhìn vào nhau để có kết quả đó. Toàn xã có gần 30 lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã, tất cả đều rất vui vẻ và đồng tình khi làm đơn gửi xã. Người dân từng ngày có ý thức vươn lên thoát nghèo, không còn ỷ lại như trước nữa, kinh tế phát triển trồng rừng cũng là một hướng đi chủ lực của địa phương.
Lan tỏa nỗ lực thoát nghèo
Huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) trong năm 2018 có 80 gia đình viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo khiến ai cũng bất ngờ. Nếu theo như bộ “quy chuẩn” chấm điểm hộ nghèo thì những đơn này còn nằm trong diện hộ nghèo nhưng họ vẫn tự giác làm đơn xin ra khiến nhiều hộ dân khác cảm thấy e ngại, xấu hổ.
Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (xóm Nghĩa Thành, xã Tân Hợp). Năm 2016, gia đình chị được hỗ trợ 6 triệu đồng để mua con giống, số tiền này được trích từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của huyện. Được cán bộ xã hướng dẫn mua 4 con dê sinh sản về nuôi, sau một thời gian đàn dê sinh sôi nảy nở chị đã có thu nhập và đầu tư chuồng trại, phát triển trang trại lớn hơn.
Năm 2018, gia đình chị đăng ký thoát nghèo khiến nhiều người bất ngờ. Hay như hộ anh Hoàng Văn Lợi (SN 1980, trú tại xóm 1 Tân Sơn, xã Kỳ Tân) hai năm liền là hộ nghèo, bản thân anh đau ốm quanh năm, con đông, vợ bệnh tật, nhưng trong đợt bình xét hộ nghèo vừa qua, anh là 1 trong 10 gia đình của xã Kỳ Tân viết đơn xin thoát nghèo.
Không chỉ riêng ở Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh cũng rộ lên phong trào thoát nghèo và những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo ngày càng nhiều hơn. Trong đó, có những lá đơn đặc biệt của gia đình cụ già U90. “Vợ chồng tôi chưa giàu nhưng xung quanh nhiều người còn khổ hơn nên mình xin trả sổ hộ nghèo để nhường cho những gia đình khó khăn hơn”, cụ Nguyễn Văn Lương (90 tuổi, trú tại thôn Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) nói.
Vợ chồng ông Lương và Dương Thị Huệ dù đã 90 tuổi những vẫn rất minh mẫn, tỉnh táo và hoạt bát, là gia đình thuộc diện hộ nghèo từ năm 2016. Sau gần 3 năm được hưởng các chính sách của nhà nước, gia đình ông bà cũng đã cố gắng làm ăn, tiết kiệm nay đã có một căn nhà khang trang hơn trước. “Sướng thì chưa sướng nhưng cũng mãn nguyện rồi, con cái có sức khỏe tự làm ăn không phải phiền hà đến xã hội nữa”, cụ Huệ bày tỏ…
Ông Nguyễn Phúc Bảy - Bí thư Chi bộ thôn Liên Hương, xã Thạch Đài cho biết “Cụ Lương và cụ Huệ tuổi đã cao, sức yếu lại không có lương, chỉ có trợ cấp xã hội hàng tháng được hơn 500 ngàn đồng dù không nhiều nhưng cũng phần nào trang trải cuộc sống lúc về già. Việc làm của cụ khiến chúng tôi rất xúc động và cũng là gương sáng cho những hộ gia đình khác noi theo. Sau khi kiểm tra xem xét, chính quyền đã chấp thuận đề nghị của hai cụ”.
Qua những tấm gương trên để thấy được nhân dân đã ngày càng ý thức được việc chủ động làm ăn, thoát nghèo và không là gánh nặng cho xã hội. Bên cạnh đó cũng làm nhiều trường hợp đang “muốn xin vào hộ nghèo” cảm thấy xấu hổ và tự ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội. Những tấm lòng của những người dân thật đáng trân quý…