Những lá đơn xin thoát nghèo

Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả, nhưng nhiều người nghèo trên địa bàn huyện Bảo Yên đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, bởi họ muốn nhường sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho những người khó khăn hơn.

Chúng tôi đến Bản 5 Vài Siêu, xã Thượng Hà gặp anh Bàn Văn Hị khi vợ chồng anh đang cặm cụi tỉa cành, lá quế, kéo xuống chân đồi bán cho cơ sở sản xuất tinh dầu quế gần đó. Đôi chân anh Hị bị tàn tật bẩm sinh nên việc đi lại khó khăn, dẫu vậy sức làm việc của anh thì chẳng thua kém những người bình thường. Thành quả nỗ lực vượt khó, cần cù lao động của vợ chồng nhiều năm qua là căn nhà mới được xây dựng khang trang. Trong câu chuyện của mình, anh Hị chẳng cho cái việc viết đơn xin thoát nghèo là thành tích, bởi cuộc sống của mình đã bớt khó khăn thì ra khỏi diện hộ nghèo là thường tình.

Bà Hoàng Thị Thinh bảo, còn sức lao động thì không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bà Hoàng Thị Thinh bảo, còn sức lao động thì không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bản 5 Vài Siêu - nơi gia đình anh Hị sinh sống - hầu hết là đồng bào dân tộc Dao, cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng đất lúa, ngô ít nên cái đói nghèo mãi bủa vây. Những năm gần đây, cây quế ở Bảo Yên lên ngôi, nhờ đó những hộ tiên phong trồng rừng cách đây chục năm bắt đầu thu thành quả.

Anh Bàn Văn Hị cho biết: Năm 2010, tôi xem một chương trình truyền hình nói về hiệu quả mô hình phát triển cây quế ở Văn Yên (Yên Bái), nên lặn lội về đó mua giống quế về trồng thử, nay đã đến tuổi thu hoạch. 2.000 cây quế mà tôi vừa bán để xây căn nhà mới chính là lứa quế đầu tiên này. Nhờ cây quế, cuộc sống gia đình đã đổi thay, kinh tế gia đình từng bước ổn định, nên tôi quyết định viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Cũng như anh Bàn Văn Hị, bà Hoàng Thị Thinh (70 tuổi), người dân tộc Tày ở bản Lự 1, xã Yên Sơn cũng làm cái việc mà nhiều người trong bản cho là chẳng giống ai khi viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, có người còn bảo là gàn dở. Nhưng bà Thinh lại suy nghĩ khác, bà bảo mình còn khỏe, gia đình lại có đất, vườn và còn lao động được, sao lại phải trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ suy nghĩ ấy, bà cải tạo diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, màu, trồng cỏ nuôi gia súc. Đất đồi trồng sắn trước đây cũng được thay thế bằng quế, bồ đề, vừa giữ đất không bị xói mòn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Bà Thinh mong từ lá đơn của mình sẽ khích lệ tinh thần vươn lên thoát nghèo của các hộ còn khó khăn trong bản.

Không chỉ viết đơn ra khỏi diện hộ nghèo, bà Thinh còn là tấm gương cho con cháu và bà con trong thôn về việc tích cực phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động, phong trào góp sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đưa thanh niên nông thôn đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… Từ đó, thu nhập người dân từng bước ổn định, đời sống được nâng lên. Qua rà soát, điều tra hộ nghèo vừa qua, xã giảm 14 hộ nghèo (2,24%), 34 hộ cận nghèo (5,44%) so với năm trước, vượt kế hoạch huyện giao. Trong quá trình vận động của các tổ chức đoàn thể, đã có những hộ viết đơn tự xin thoát nghèo và xin không điều tra nghèo nữa. Điều này góp phần cổ vũ, nâng cao ý thức cho các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn do chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, nhưng chúng tôi tin rằng với ý chí, nghị lực của mình, những người như anh Bàn Văn Hị, bà Hoàng Thị Thinh, không chỉ ổn định về kinh tế gia đình, mà còn tiếp tục vươn lên thành hộ khá, giàu ở địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362659-nhung-la-don-xin-thoat-ngheo