Những lầm tưởng phổ biến về béo phì
Bên cạnh việc nhận thức về các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì thì vẫn còn có những lầm tưởng xung quanh vấn đề này, dẫn đến những sai lầm trong can thiệp phòng ngừa và điều trị…
Béo phì là một tình trạng ngày càng phổ biến hiện nay, là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh tật, đe dọa cuộc sống khỏe mạnh của bạn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tại Hoa Kỳ, 42,4% người lớn bị béo phì. Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 650 triệu người trưởng thành mắc bệnh béo phì. Hiện vẫn còn có những hiểu nhầm về tình trạng này.
Để giảm béo phì, chỉ cần ăn ít hơn và vận động nhiều hơn
Trong nhiều trường hợp, tiêu thụ nhiều calo hơn mức cơ thể cần trong một thời gian dài là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến béo phì. Và phần lớn các biện pháp để giảm béo phì là giảm lượng cao nạp vào, tăng hoạt động thể chất hoặc cả hai.
Tuy nhiên, có một số yếu tố không liên quan cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong bệnh béo phì. Những yếu tố này bao gồm ngủ không đủ giấc, căng thẳng tâm lý, đau mãn tính, rối loạn nội tiết (hormone) và sử dụng một số loại thuốc…
Các yếu tố này có thể kết hợp với nhau tạo thành một vòng lẩn quẩn của béo phì. Ví dụ, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây mất ngủ, là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh béo phì. Thiếu ngủ cũng làm tăng mức độ căng thẳng. Nồng độ hormone căng thẳng tương quan thuận với việc giảm thời gian ngủ. Bên cạnh đó, thừa cân, béo phì có thể làm tình trạng ngưng thở khi ngủ trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến thiếu ngủ, có thể dẫn đến tăng cân hơn nữa. Đau mãn tính gây mất ngủ, trầm cảm… cũng có mối liên hệ với béo phì.
Như vậy, căng thẳng, mất ngủ và đau chỉ là ba yếu tố liên kết với nhau có thể dẫn đến béo phì. Trong những trường hợp này, nếu chỉ “di chuyển nhiều hơn và ăn ít hơn” có thể không phải là một can thiệp thích hợp.
Béo phì gây ra bệnh tiểu đường
Béo phì không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường, nó là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2, nhưng không phải ai bị béo phì cũng sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2, và không phải ai bị bệnh tiểu đường loại 2 cũng bị béo phì.
Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường thai kỳ, xảy ra trong thai kỳ, nhưng nó không phải là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 1.
Nếu người thân của bạn bị béo phì, bạn cũng sẽ bị béo phì
Mối quan hệ giữa béo phì và di truyền rất phức tạp, nhưng những người có người thân bị béo phì không có nghĩa là sẽ bị béo phì. Tuy nhiên, nguy cơ họ bị béo phì sẽ cao hơn.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã tìm kiếm các gen ảnh hưởng đến khả năng béo phì. CDC cho biết, ở hầu hết những người bị béo phì, không có nguyên nhân di truyền đơn lẻ nào có thể được xác định. Kể từ năm 2006, các nghiên cứu về sự liên kết trên toàn bộ bộ gen đã tìm thấy hơn 50 gen liên quan đến bệnh béo phì, nhưng hầu hết với những tác động rất nhỏ.
Béo phì không ảnh hưởng đến sức khỏe
Đây là một lầm tưởng nghiêm trọng. Có một số điều kiện liên quan đến béo phì. Ví dụ, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, viêm xương khớp, ngưng thở khi ngủ và một số tình trạng sức khỏe tâm thần.
Điều đó cho thấy, ngay cả việc giảm cân khiêm tốn cũng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Theo CDC, giảm 5-10% tổng trọng lượng cơ thể của bạn có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như cải thiện huyết áp, cholesterol trong máu và lượng đường trong máu.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy, biện pháp can thiệp giảm cân có thể làm giảm tỷ lệ tử vong sớm do mọi nguyên nhân ở người lớn với bệnh béo phì.
BS Nguyễn Bích Ngọc
(Theo MNT)
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-lam-tuong-pho-bien-ve-benh-beo-phi-n187451.html