Những lầm tưởng trong phòng ngừa lây nhiễm Covid-19

Nhiều người đồn thổi cho nhau những biện pháp phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 như ngậm kháng sinh, xông nhà bằng bồ kết, ăn tỏi, uống vitamin C hay tamiflu… Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này không có tác dụng.

Đợt dịch cúm vừa qua nhiều người đã săn lùng mua tamiflu và dự trữ cho những lần tiếp sau. Tuy nhiên, đây là loại thuốc có tác dụng điều trị trong cả cúm A và cúm B. Thuốc có tác dụng điều trị và dự phòng cúm ở những người đã tiếp xúc với người bệnh mà chưa có triệu chứng. Thuốc có thể giúp rút ngắn thời gian mắc cúm khoảng 1 ngày, giảm tỉ lệ mắc cúm trong điều trị dự phòng cúm mùa.

Tác dụng của thuốc chỉ được phát huy khi sử dụng sớm, trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Nếu sử dụng muộn, thuốc không những không có hiệu quả điều trị mà còn làm gia tăng sự kháng thuốc.

Bộ Y tế khẳng định, không có bằng chứng về việc tỏi có tác dụng bảo vệ mọi người khỏi Covid-19.

Bộ Y tế khẳng định, không có bằng chứng về việc tỏi có tác dụng bảo vệ mọi người khỏi Covid-19.

Các tác dụng phụ của việc dùng thuốc có thể bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu, mất ngủ và co giật... Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, lạm dụng thuốc tamiflu sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, đặc biệt khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng.

Còn với những lời truyền miệng về sử dụng kháng sinh, vitamin C cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo WHO cảnh báo: Cho đến nay, không có thuốc cụ thể được khuyến cáo để dự phòng hoặc điều trị chủng mới của Covid-19.

Đối với việc dự phòng lây nhiễm Covid-19, các biện pháp sau đây không được khuyến nghị vì không hiệu quả để bảo vệ bạn và thậm chí có thể gây hại: Sử dụng vitamin C; Hút thuốc; Sử dụng trà thảo dược truyền thống; Đeo nhiều khẩu trang để bảo vệ tối đa; Tự dùng thuốc như kháng sinh. Kháng sinh không có tác dụng diệt virus và chỉ có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Chủng mới của virus Corona là virus, do đó không sử dụng kháng sinh như một biện pháp dự phòng hoặc điều trị.

Ngoài ra, trong mùa Covid-19, những biện pháp dân gian cũng được truyền miệng nhau như: Đốt bồ kết ở nhà, bôi dầu tràm vào khẩu trang, ngâm muối vào khẩu trang có diệt virus Covid-19… Tuy nhiên, theo GS-TS. Lê Ngọc Thành, GĐ BV E (Hà Nội), cho đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu và kết luận chính thức nào về việc phòng chống Covid-19 theo các phương pháp này.

“Những kinh nghiệm dân gian của ông cha ngày xưa như đốt bồ kết, ăn tỏi, bôi dầu tràm… giúp bảo vệ niêm mạc, có tác dụng tăng sức đề kháng trước các bệnh do virus chứ không có bằng chứng khoa học có thể diệt được Covid-19”, GS. Lê Ngọc Thành khẳng định.

Để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, biện pháp được khuyến cáo hiện nay vẫn là tăng cường vệ sinh cá nhân-đặc biệt là rửa tay; tăng cường khử khuẩn môi trường, vệ sinh bề mặt; hạn chế đến nơi đông người; tránh tiếp xúc với người trở về từ vùng dịch, người tiếp xúc với người lây nhiễm…

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-lam-tuong-trong-phong-ngua-lay-nhiem-covid-19-180018.html