Những lần thay đổi địa giới Hải Dương từ thế kỷ 15 đến nay
Trải qua các thời kỳ lịch sử, địa giới Hải Dương có nhiều thay đổi. Bài viết này biên soạn từ sách Địa chí Hải Dương, giới thiệu những lần thay đổi địa giới Hải Dương từ thế kỷ 15 đến nay.

Năm 1490, cả nước định lại bản đồ, tên thừa tuyên Hải Dương được đổi thành xứ Hải Dương, biệt danh là xứ Đông. Trong ảnh: Mô tả bản đồ vị trí xứ Đông trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long
Tên gọi Hải Dương có từ bao giờ?
Đời Lê Thánh Tông, năm 1466, đất nước được chia làm 12 thừa tuyên, Hải Dương thuộc Nam Sách thừa tuyên. Năm 1469, cả nước định bản đồ, Nam Sách thừa tuyên đổi thành thừa tuyên Hải Dương, gồm 4 phủ, 18 huyện. Trong đó, phủ Thượng Hồng có 3 huyện: Đường Yên (An), Đường Hào và Cẩm Giàng. Phủ Hạ Hồng có 4 huyện: Trường Tân, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại và Thanh Miện. Phủ Nam Sách có 4 huyện: Bình Hà, Tân An, Thanh Lâm và Chí Linh. Phủ Kinh Môn có 7 huyện, còn gọi là thất quận, gồm: Hiệp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Thủy Đường, Kim Thành và An Dương.
Như vậy, tên gọi Hải Dương bắt đầu xuất hiện từ năm 1469.
Năm 1490, định lại bản đồ, đổi thành xứ Hải Dương, biệt danh là xứ Đông. Đời Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận (1509 - 1516), gọi là trấn Hải Dương.
Năm Minh Mạng 12 (1831), đổi trấn thành tỉnh, cả nước có 31 tỉnh. Trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương, còn gọi là tỉnh Đông.
Đời vua Tự Đức, địa giới tỉnh Hải Dương như sau: từ đông sang tây dài 66 km, từ nam sang bắc dài 50 km. Phía đông đến địa giới huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên; phía tây đến địa giới huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Phía nam đến hai huyện Phượng Nhỡn, Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh. Phía đông nam đến cửa biển Văn Úc (tên cũ là Dương Úc), huyện Tiên Minh; phía đông bắc đến địa giới huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên; phía tây nam đến địa giới huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; phía tây bắc đến địa giới huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Thời Pháp thuộc (từ tháng 8.1883 đến tháng 8.1945), địa danh, địa giới Hải Dương có những thay đổi lớn. Khi Nguyễn Cảnh Tông lên ngôi, năm Bính Tuất (1886), trước tiên ra đạo dụ kiêng chữ Đường, Hải Dương phải đổi tên ba huyện: Thủy Đường thành Thủy Nguyên, Đường An thành Năng An, Đường Hào thành Mỹ Hào. Ngày 11/9/1887, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lấy các huyện An Dương, An Lão và 4 xã thuộc Thủy Nguyên của Hải Dương thành lập tỉnh Hải Phòng.
Ngày 10/1/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập đạo Đông Triều, gồm các huyện Đông Triều, Chí Linh, Trúc Động (thuộc đất Đông Triều và Yên Hưng). Ngày 23/11/1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo Đông Triều, các huyện cũ trả về Hải Dương.
Ngày 24/8/1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lấy một số tổng của Đông Triều, Chí Linh, Lục Nam thành lập Khu quân sự Phả Lại; sáp nhập những tổng còn lại của huyện Đông Triều vào huyện Hiệp Sơn, những tổng còn lại của huyện Chí Linh vào huyện Thanh Lâm.
Ngày 22/9/1891, huyện Thủy Nguyên sáp nhập vào tỉnh Hải Phòng.
Ngày 20/4/1893, huyện Tiên Lãng sáp nhập vào tỉnh Hải Phòng; một số xã thuộc 4 tổng của huyện Kim Thành sáp nhập vào huyện An Lão, tỉnh Hải Phòng; một số xã thuộc huyện Hiệp Sơn sáp nhập vào huyện Thủy Nguyên và huyện An Dương, tỉnh Hải Phòng.
Ngày 31/1/1898, TP Hải Phòng tách khỏi tỉnh Hải Phòng, tỉnh lỵ đóng tại Phù Liễn. Ngày 5/8/1902, tỉnh Hải Phòng đổi thành tỉnh Phù Liễn. Ngày 17/2/1906, đổi tỉnh Phù Liễn thành tỉnh Kiến An.
Theo sách “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” của Ngô Vi Liễn, xuất bản năm 1926, địa giới của tỉnh Hải Dương lúc đó như sau: phía đông giáp tỉnh Quảng Yên, TP Hải Phòng, tỉnh Kiến An; phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang; phía tây giáp tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; phía nam giáp tỉnh Thái Bình. Diện tích đất tự nhiên khoảng 2.200 km2, dân số khoảng trên 590 nghìn người.
Địa giới, địa danh từ Cách mạng Tháng Tám đến nay

Vị trí Hải Dương trong vùng đồng bằng sông Hồng
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa đến việc thành lập bộ máy chính quyền trong cả nước từ Trung ương đến cơ sở. Ban đầu, về mặt hành chính, chính quyền ở địa phương gồm các cấp kỳ (sau đổi thành bộ), tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, thị xã và cấp xã.
Ngày 22/11/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 63/SL quy định tổ chức, quyền hạn và chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp xã, tỉnh, huyện và tương đương. Theo Sắc lệnh số 63/SL, chính quyền ở các cấp tỉnh, cấp xã và tương đương có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Riêng cấp kỳ (bộ) và cấp huyện, hoặc tương đương chỉ có Ủy ban hành chính, không có Hội đồng nhân dân. Đầu năm 1946 các huyện tiến hành xác định địa giới các xã. Ngày 26/4/1946, nhân dân tỉnh Hải Dương đã đi bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng nhân dân cấp xã.
Ngày 9/7/1947, các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách, Đông Triều được chuyển về tỉnh Quảng Yên. Ngày 25/8/1948, huyện Nam Sách được chuyển từ tỉnh Quảng Yên trở lại tỉnh Hải Dương.
Ngày 10/1/1949, huyện Kinh Môn thuộc Quảng Yên chuyển về thuộc tỉnh Hải Dương. Ngày 7/11/1949, cắt các huyện Thủy Nguyên của tỉnh Kiến An và các huyện Nam Sách, Kinh Môn của tỉnh Hải Dương về tỉnh Quảng Yên.
Ngày 2/5/1952, huyện Vĩnh Bảo từ tỉnh Hải Dương được chuyển về tỉnh Kiến An. Ngày 22/2/1955, chuyển các huyện Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn thuộc tỉnh Quảng Yên trả về tỉnh Hải Dương.
Từ năm 1961, địa giới tỉnh Hải Dương giữ nguyên cho đến khi hợp nhất với tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Đơn vị hành chính gồm thị xã Hải Dương và 11 huyện: Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang. Toàn tỉnh có 247 xã, 6 khu phố, 4 thị trấn.
Ngày 26/1/1968, thực hiện Nghị quyết 504-NQ/TVQH của Thường vụ Quốc hội, 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Địa giới tỉnh Hải Hưng, phía bắc giáp tỉnh Hà Bắc; phía nam và tây nam giáp tỉnh Thái Bình và tỉnh Hà Nam Ninh; phía đông giáp thành phố Hải Phòng. Hải Hưng có diện tích 2.554,72 km, đơn vị hành chính gồm 2 thị xã (thị xã Hải Dương, thị xã Hưng Yên) và 20 huyện: Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành, Thanh Hà, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang (thuộc tỉnh Hải Dương cũ) và Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ (thuộc tỉnh Hưng Yên cũ).
Ngày 6/11/1996, Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa IX ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hải Hưng thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên từ ngày 1/1/1997.
Đến nay, tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên 1.668 km², quy mô dân số hơn 2,15 triệu người, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện. Theo dự thảo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ tham mưu, Hải Dương là 1 trong tổng số 52 tỉnh, thành phố khác thuộc diện phải sáp nhập thời gian tới.