Những làng nghề dệt nức tiếng ở An Giang
Rừng tràm Trà Sư - điểm đến “xanh” của An Giang
(HNMCT) - Tuy chỉ có 25/34 làng nghề được công nhận, nhưng nghề dệt ở An Giang chiếm khá nhiều ưu thế với những làng nghề nức tiếng gần xa.
Lụa Tân Châu
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, lụa Tân Châu với “nữ hoàng tơ lụa” - lãnh Mỹ A đã nổi tiếng khắp trong, ngoài nước và là niềm tự hào của người An Giang. Lụa Tân Châu mềm mại, óng ả, hoa văn tinh xảo, màu sắc không phai nhờ nhuộm bằng chất liệu thiên nhiên, còn lãnh Mỹ A lại tơ mịn, màu đen bóng nhờ nhuộm bằng trái mặc nưa, với đặc điểm nổi bật là mùa đông mặc ấm, mùa hè mát.
Để có một vóc lụa đẹp, người thợ dệt phải chọn tơ rất kỹ, sợi tơ phải đều mới cho lụa mịn. Sau khi dệt xong, người ta ngâm rồi xả, phơi khô, ủ nhựa cây, nhuộm màu và phơi nắng. Nhựa cây phải chọn cây rừng đúng mùa, phơi nắng phải chọn nắng dịu, nhuộm phơi ít nhất hai lần thì màu vải mới chắc, bền đẹp.
Sau thời gian bị mai một, nghề dệt lụa Tân Châu nay đã hồi sinh và phát triển với những đơn hàng đến từ nhiều nước châu Âu, châu Á.
Thổ cẩm Văn Giáo và Châu Phong
Thổ cẩm An Giang nổi tiếng từ những làng nghề của dân tộc Chăm và Khmer, tiêu biểu là làng dệt Văn Giáo của người Khmer ở huyện Tịnh Biên và làng Châu Phong của người Chăm ở thị xã Tân Châu.
Thổ cẩm của người dân tộc có nhiều màu sắc, hoa văn sắc sảo, nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú như sà-rông, khăn tắm, khăn đội đầu, khăn choàng, vải, khăn trải bàn, túi xách, hàng lưu niệm...
Hiện nay, các cơ sở vẫn dệt thủ công nhưng cũng đã cải tiến kỹ thuật, kết hợp truyền thống và hiện đại nên các công đoạn dệt nhanh và đẹp hơn. Tuy vậy, để hình thành một sản phẩm, người thợ dệt phải có óc thẩm mỹ, tốn nhiều công sức, qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và công phu.
Người thợ phải hình thành trong đầu những họa tiết hoa văn và màu sắc rồi mới tiến hành nhuộm tơ theo ý mình. Trong lúc nhuộm phải đánh dấu từng đoạn tơ theo từng màu và bọc kín lại thành từng khúc, sau đó nhuộm đoạn nào thì mở ra, khi nhuộm xong phải bọc kín lại để nhuộm tiếp đoạn khác. Có những tấm thổ cẩm nhuộm màu cả tháng mới xong. Màu được lấy từ vỏ cây và nhựa cây nên có màu sắc óng ả, không phai, để lâu càng bóng.
Khâu dệt phức tạp hơn nhiều so với khâu nhuộm. Khăn, sà-rông phải dùng kỹ thuật dệt 3 lớp sợi tơ với 3 màu khác nhau để tạo sự đa sắc như: Nhìn trực tiếp thấy màu xanh, nhìn nghiêng bên phải thấy màu cam, nghiêng bên trái thấy màu đỏ. Còn dệt những tấm có hình họa theo truyện tích thì kỹ thuật phức tạp và mất thời gian hơn nhiều.
Hiện nay, các mặt hàng thổ cẩm ở Văn Giáo và Châu Phong không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.