Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Cự Đà - Nơi 'gieo' những 'hạt giống' cách mạng đầu tiên

Với nhiều người dân Hoằng Hóa, mỗi khi nhắc đến địa danh Cự Đà, xã Hoằng Đức là nhắc nhớ tới 'địa chỉ đỏ' của vùng quê cách mạng. Nơi đây, vào ngày 1/9/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hữu Lập, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa chính thức được thành lập, với tên gọi Chi bộ Cự Đà - tiền thân của Đảng bộ huyện Hoằng Hóa ngày nay. Vì thế, ngày 1/9 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của Đảng bộ huyện Hoằng Hóa.

Từ TP Thanh Hóa về thôn Cự Đà chỉ mất chừng 10 phút, đường trải nhựa, xe lướt đi êm qua những cánh đồng lúa đang thì ngậm sữa. Đi qua cổng làng Cự Đà, bức tranh làng quê kiểu mẫu hiện lên khanh trang và bình yên, với những thiết chế thân thuộc của làng quê Bắc Bộ là cây đa - giếng nước - sân đình.

Dẫn chúng tôi đến thăm nhà bia tưởng niệm, ghi danh nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Hoằng Hóa và ngôi nhà của đồng chí Lê Viết Phồn, Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của thôn Cự Đà trong con ngõ nhỏ cách đó không xa, bà Lê Thị Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Cự Đà kể lại: "Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng nước ta, phong trào cách mạng phát triển rộng khắp cả nước. Tại huyện Hoằng Hóa, trải qua quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt, ngày 1/9/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hữu Lập, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa chính thức được thành lập tại nhà đồng chí Lê Viết Phồn - người làng Cự Đà. Chi bộ gồm 3 đảng viên là Lê Viết Phồn, Trương Khắc Cần, Trương Khắc Khoan. Đồng chí Lê Viết Phồn được cử làm bí thư chi bộ. Đây là chi bộ thứ 4 trong số 5 chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập sớm tại tỉnh ta.

Ngôi nhà của đồng chí Lê Viết Phồn tại thôn Cự Đà, xã Hoằng Đức.

Ngôi nhà của đồng chí Lê Viết Phồn tại thôn Cự Đà, xã Hoằng Đức.

Ngôi nhà gỗ nhỏ, đơn sơ, mộc mạc của đồng chí Lê Viết Phồn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Tấm Huân chương kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng thưởng hay Bằng có công với nước là minh chứng ghi nhận những công lao của đồng chí Lê Viết Phồn cho Đảng, cho cách mạng. Những kỷ vật ấy được con cháu nâng niu, giữ gìn như báu vật, được treo ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà. Bởi đó là những ký ức đầy tự hào về cuộc đời, sự nghiệp của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Ngược dòng lịch sử, ngay sau khi Chi bộ được thành lập, đồng chí Lê Hữu Lập đã mở lớp huấn luyện chính trị cho đảng viên. Các nội dung về đường lối cách mạng, các hình thức đấu tranh, cách hoạt động bí mật, thành lập các tổ chức cách mạng... được đồng chí truyền đạt đến các đảng viên. Cuối tháng 9/1930, đồng chí Lê Hữu Lập và đồng chí Trương Khắc Khoan lên đường sang Thái Lan để báo cáo tình hình và nhận tài liệu. Nhưng trên đường đi bị địch theo dõi, truy lùng và khám xét gắt gao, đồng chí Lê Hữu Lập vượt rừng sang được Thái Lan, đồng chí Trương Khắc Khoan phải quay về nước.

Tháng 10/1930, Chi bộ Cự Đà tiếp tục tổ chức chuyến đi thứ 2 sang Thái Lan nhưng mọi việc đang xúc tiến khẩn trương thì bọn thống trị đã phát hiện ra Chi bộ Cự Đà. Chúng liền huy động lính tuần sai và bắt ép một số tuần phu đến bao vây thôn Cự Đà, lùng sục, bắt bớ, khám xét và khủng bố phong trào cách mạng. Cả 3 đảng viên bị truy nã gay gắt và bị bắt giam tại nhà tù Thanh Hóa, đồng chí Lê Viết Phồn bị đày đi nhà lao Lao Bảo.

Chi bộ Cự Đà ra đời chưa được bao lâu đã bị kẻ thù khủng bố, song những “hạt giống” cách mạng, tư tưởng cứu nước của Đảng được “gieo mầm” tại đây vẫn được quần chúng Nhân dân, những người con yêu nước của huyện Hoằng Hóa duy trì và phát triển. Đến tháng 6/1944, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Chi bộ Đảng Hoằng Hóa được tái lập. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, Nhân dân Hoằng Hóa đã làm nên sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tỉnh Thanh Hóa, vào ngày 24/7/1945. Ngày này còn được Nhân dân gọi là “Ngày 24/7 kiên cường”

Bà Vinh nhiệt tình kể chuyện lịch sử bằng chất giọng rộn ràng của một người cán bộ năng nổ, tâm huyết và hiểu biết: "Quá trình hoạt động cách mạng của Chi bộ Cự Đà từ lúc có 3 đồng chí đảng viên đầu tiên cho đến bây giờ đã trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, mỗi thời kỳ có mỗi đổi mới. Song phát huy được tinh thần cách mạng của quê hương, sự đoàn kết trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng được nâng lên".

Cổng làng Cự Đà, nay là thôn Cự Đà, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa).

Cổng làng Cự Đà, nay là thôn Cự Đà, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa).

Phát huy tinh thần cách mạng, Nhân dân thôn Cự Đà đã vận dụng bài học kinh nghiệm đoàn kết, sức mạnh lòng dân vào công cuộc xây dựng làng quê kiểu mẫu. Đến nay, thôn Cự Đà đã được công nhận là thôn NTM kiểu mẫu. Kinh tế khấm khá, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới. Nhà có số, ngõ được đặt tên, đường tranh bích họa tô thêm vẻ đẹp của nông thôn ngày mới. Bà con phấn khởi, hồ hởi, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của địa phương, xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Bà Lê Thị Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Cự Đà

Người dân thôn Cự Đà luôn tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương và khí tiết kiên trung của thế hệ cha ông. Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hoằng Hóa tại thôn Cự Đà cũng được Nhân dân địa phương giữ gìn, trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Đồng thời để mỗi người nhìn sâu vào bề dày lịch sử, văn hóa, noi gương viết tiếp truyền thống cha ông, đưa miền quê ấy vươn lên đổi mới từng ngày.

Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-lang-que-cach-mang-xu-thanh-ngay-ay-va-bay-gio-cu-da-noi-gieo-nhung-hat-giong-cach-mang-dau-tien-32678.htm