Những lao động nữ ở làng nghề đá Ninh Vân

Nghề đá mỹ nghệ ở Ninh Vân (huyện Hoa Lư) vốn là một công việc rất vất vả, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, thậm chí có khả năng chịu khổ một cách bền bỉ. Thế nên rất ngạc nhiên, khi tôi đã có dịp được gặp gỡ những người phụ nữ làm nghề thợ đá. Không những mưu sinh từ nghề đá, họ còn đang nỗ lực để truyền nghề, truyền niềm đam mê của nghề đến với thế hệ trẻ. Sự tiếp nối ấy như một mạch nguồn chảy mãi, tạo nên sức sống bền bỉ cho làng nghề đá mỹ nghệ ở Ninh Vân hôm nay.

Chị Luyên đang chuẩn bị tạo hình trên đá.

Chị Luyên đang chuẩn bị tạo hình trên đá.

Trong câu chuyện mà những người thợ đá nữ chia sẻ, họ nói rằng những giọt mồ hôi mặn chát, những bụi bặm của nghề đã nuôi dưỡng họ trưởng thành. Nghề đã giúp họ no ấm, dệt ước mơ cho con trẻ, bởi vậy, chứa đựng trong từng sản phẩm, không chỉ là kỹ thuật điêu luyện mà còn là cả tình người lắng đọng.

Ngoài 90 tuổi, cụ bà Lê Thị Ghi, thôn Xuân Vũ vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn, minh mẫn. Cụ Ghi hóm hỉnh cho rằng, có lẽ những vất vả trong suốt những tháng năm dài làm nghề đá mỹ nghệ đã rèn luyện cho tôi có một sức khỏe tốt.

"Vài năm trước, mỗi khi nhớ nghề tôi vẫn có thể ra xem các con điêu khắc đá, góp ý với con từng nét vẽ, từng đường đục. Nhưng giờ thì tôi già quá rồi, nhớ nghề cũng chỉ biết hồi tưởng lại chặng đường mà mình đã gắn bó thôi. Tôi có thể ngồi hàng giờ để kể chuyện về đá hoặc chia sẻ kinh nghiệm làm đá với lớp thợ trẻ ở Ninh Vân bây giờ"- cụ Ghi chia sẻ.

Theo lời kể của cụ Ghi, nghề đá ở Ninh Vân đã có từ cách đây hơn 400 năm và là nghề cha truyền con nối. Cụ thân sinh ra cụ Ghi là một thợ đá. Cụ nuôi cả 4 người con bằng những nhọc nhằn, bụi bặm của nghề. Cô bé Ghi khi ấy, mặc dù là nữ nhi song lại rất háo hức và tỏ ra thích thú khi chứng kiến sự kiên trì và bàn tay khéo léo của cha khi biến khối đá thô sơ thành một sản phẩm tinh xảo, được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Lớn hơn một chút, cô bé Ghi bắt đầu phụ cha những công việc nho nhỏ và tập tành dần những thao tác đơn giản. Dần dần, cô được cha chỉ dạy cho những kỹ thuật đơn giản với suy nghĩ chỉ là để con gái biết nhiều hơn về cái nghề đã nuôi sống bao thế hệ người dân Ninh Vân này.

Nhưng khi biết nghề, hiểu nghề, cô gái trẻ lại thấy đam mê và muốn theo đuổi nghề chế tác đá. Những vất vả, khó khăn khi bắt tay vào nghề không làm cô gái nhụt chí mà ngược lại cô gái trẻ tự mày mò, sáng tạo ra những cách làm phù hợp với sức vóc phụ nữ mà sản phẩm vẫn đạt được độ tinh xảo.

Lập gia đình và sinh 4 người con, cụ Ghi miệt mài với nghề đá để nuôi các con trưởng thành. Có ngày, người phụ nữ ấy làm được tới 9 cái cối giã giò, khiến nam giới cũng phải nể phục. Khi các con lớn, tùy theo độ tuổi, khả năng, cụ Ghi lại hướng dẫn và truyền dạy nghề cho con. Giờ, con trai cụ cũng là những thợ đá có tiếng ở Ninh Vân. Sau nhiều năm lăn lộn, nghề đá đã mang lại cuộc sống no đủ, sung túc cho gia đình cụ Ghi.

Theo cụ Ghi, sống gần thế kỷ, nên cụ được chứng kiến sự thay đổi rất nhanh của làng nghề. Thợ đá trẻ bây giờ tài năng không kém gì bậc cha ông trước đây. Họ lại có thêm các điều kiện để trang bị công nghệ, thiết bị, máy móc hiện đại để làm nghề. Thợ đá Ninh Vân thực hiện nhiều công trình lớn và đều để lại ấn tượng tốt. Đời sống của người thợ đá bây giờ cũng được đền đáp bởi sự no đủ. Nên các thế hệ thợ đá Ninh Vân sẽ luôn luôn tiếp nối truyền thống của cha ông, ra sức gìn giữ và phát huy giá trị tinh hoa của làng đá.

Ở Ninh Vân hiện nay, vẫn còn nhiều phụ nữ tham gia làm đá. Những người phụ nữ ấy có đủ mọi kỹ năng cần thiết để có thể cạnh tranh được với thợ nam. Chị Lương Thị Luyên là một trong những người thợ đá như thế. Không chỉ có kỹ năng nghề điêu luyện, chị Luyên còn sẵn sàng tham gia vào các cuộc thi tay nghề thợ giỏi, khi chủ yếu là nam giới tham gia.

Chị Luyên tâm sự, chị làm đá đã được hơn 20 năm, từ khi mới là cô gái tuổi đôi mươi. Nhiều lúc vất vả quá, chị cũng tính bỏ nghề. Nhưng rồi không làm nghề, không được đục, đẽo đá mỗi ngày, chị Luyên muốn… phát ốm. Vì yêu mà chị quay lại với nghề và gắn bó cho tới tận bây giờ. Vừa chuyện trò, chị Luyên vừa nhanh tay thao tác kỹ thuật trên sản phẩm. Nhìn bàn tay chị Luyên đưa nhẹ nhàng, đều đặn trên khối đá trắng toát khiến người xem có cảm giác đá mềm mại như một miếng đậu phụ khổng lồ.

"Nhìn vậy mà không dễ dàng như vậy đâu. Để tạo ra được những nét uốn lượn đẹp mắt trên phiến đá vô tri này, người tạo tác phải ghì máy bào thật chắc, tì mạnh vào đá cứng, liên tục trong nhiều giờ, trong nhiều ngày. Bởi thế mà đôi tay người thợ nào cũng sần sùi, thô ráp.

Thiệt thòi của những phụ nữ "trót" đam mê nghề đá hiện hữu ở đôi bàn tay, cùng với đó là bụi bặm, căng thẳng bởi tiếng ồn. Song, nghề cũng không phụ người. Gia đình tôi no đủ, các con tôi trưởng thành cũng nhờ vào những vết chai sạn ở đôi bàn tay này. Tôi và nhiều thế hệ thợ đá ở Ninh Vân sẽ cố gắng gìn giữ nghề mà cha ông đã truyền lại..."- Chị Luyên vui vẻ cho biết.

Ông Đỗ Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân hiện có 41 nghệ nhân cấp tỉnh, 1 nghệ nhân cấp quốc gia. Đặc biệt là vừa qua, một nữ thợ đá được công nhận nghệ nhân cấp tỉnh. Những năm qua, với ý thức gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của mỗi người thợ đá, của các nghệ nhân mà làng nghề đá mỹ nghệ ở Ninh Vân đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là kể từ khi tái lập tỉnh 1992 cho tới nay.

Hiện nay, toàn xã Ninh Vân có trên 500 hộ, 74 doanh nghiệp làm nghề chế tác đá mỹ nghệ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 3000 lao động địa phương và 1000 lao động của các địa phương khác. Thu nhập bình quân của một thợ chính từ 600-700 nghìn đồng/ngày công; thợ phổ thông trung bình 300 nghìn đồng/ ngày công. Đời sống của người dân vì thế mà được cải thiện rất nhiều.

Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-lao-dong-nu-o-lang-nghe-da-ninh-van/d20220325145529320.htm