Những lão ngư nặng tình với biển
Sinh ra dưới chân sóng, những người đàn ông làng biển đã được đại dương trui rèn thành những kình ngư lão luyện. Nếu có ai đó hỏi họ: 'Biển là gì!', họ sẽ đáp: 'Biển là nhà. Biển là cuộc sống'. Câu trả lời có tình yêu biển cả lớn lao. Dù biển có khốc liệt đến đâu, họ vẫn bám biển, ấp ủ ước mơ một ngày được vươn khơi.
70 tuổi, lão ngư Nguyễn Xuân Cự vẫn còn giữ được thân hình rắn rỏi, chắc nịch.
Cả cuộc đời nhìn mây, đoán gió
Biển Hậu Lộc một ngày cuối thu nhẹ nhàng yên ả, những con thuyền nối đuôi nhau cập bến, một vài đứa trẻ miệng cười toe toét trên chiếc xe đạp, hăm hở đạp xe từ trường về nhà.
Hỏi đường vào nhà ông Bích Nghiển (tên thật là Tăng Văn Nghiển), 83 tuổi, thôn Hưng Phú, xã Hưng Lộc không ai là không biết. Lớp trẻ phục ông về nghề, lớp già nể ông về sức khỏe. Trong căn nhà mặt đường, vợ ông đang ngồi nhặt rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều, bà bảo: “Ông đi ra đê chơi rồi, chắc cũng sắp về. Cô ngồi chơi một lát, ăn quả bưởi cô con gái vừa mang vào cho”. Theo lời bà, hằng ngày, ông vẫn ra biển xem những chuyến thuyền ngược xuôi, gợi nhớ một thời trai tráng tung hoành sóng gió với những mùa đánh bắt bội thu. Cũng nhờ biển mà vợ chồng ông nuôi được 8 người con ăn học, trưởng thành.
Thấy tôi nhấp nhổm định phóng xe máy đi đón ông về thì bà ngăn lại: “Ông ấy thích đi bộ cho khỏe”. Quả thật, chốc lát đã thấy ông Nghiển khoan thai bước về. Dáng người ông cao gầy, lưng thẳng, ngón chân cái tõe ra như mũi tên, khó có đôi dép nào vừa được nên ông thường đi chân đất. Ông bảo: “Ngón chân tõe ra đi dép nó cọ vào đau lắm, nếu đi phải đi dép cỡ đại mới thoải mái”. Nói rồi ông quay sang vợ bảo: “Hôm nay trời nhiều sương, chắc là nhiều cá lắm”.
Hỏi chuyện đi biển, ông giơ bàn tay có những ngón tay sần sùi nổi chai, nổi ngấn do những vòng cước ăn mòn lên, rồi thủng thẳng đọc mấy câu thơ “Tháng ba trong nước em ơi/ Bớt cơm anh lại mà nuôi mẹ già”. Theo ông, tháng ba trong nước, cá xót mắt không ăn câu. Rồi “Tháng bảy nước chảy lo le” làm hai dòng nước xoắn vào nhau khó thả lưới; “tháng chín nhịn đi buôn” vì tháng chín hay bão gió, khó đánh bắt. Nhìn lên bầu trời xuất hiện những “mống” mây đỏ, cong vòng như đàn én bay thì trời sẽ đổ mưa như ông cha từng nói: “Ráng xanh thì gió, ráng đỏ thì mưa”, “Mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa”. Khi đang lênh đênh ngoài khơi, nếu thấy mặt biển đột ngột đùn từng đợt sóng, gió đẩy thuyền lướt nhanh, ráng đỏ một vùng trời, mây thấp vùn vụt đổi màu đỏ đậm... thì ngư dân phải tìm đến bờ gần nhất để cập bến, trú bão. Vào ban đêm, nhìn con nước nếu nổi sáng, lấp lánh tựa sao rải đều mặt biển thì đây là thời tiết thuận lợi nhất cho việc vươn khơi. Tuy nhiên, khi kéo lưới thấy vẩn đục, nhiều bùn, rêu vướng ở mắt lưới, nước biển đang bình thường lại đột ngột chảy xiết là dự báo cho thời tiết diễn biến bất thường, nhiều khả năng trời sắp có bão.
“Mà kể trời có yên, biển có lặng cũng đừng chủ quan. Dưới mặt nước có bao biến đổi đến giật mình. Bởi có lớp nước mặt phía trên, lại có nước sâm dưới đáy. Bốn dòng nước chạy chéo nhau như dấu cộng, lưới thả xuống là xoắn bện vào nhau. Chỉ có một thời điểm, thời gian nào đó là lúc cả bốn dòng đều thuận một chiều thì ta đánh lưới”, ông Nghiển giải thích.
Biển yên lành thì những chuyến thuyền đi suôn sẻ, còn những ngày biển động thì vất vả muôn bề. Ngày nào ngư dân cũng phải đối mặt với nắng gió, với sóng dữ, với những cơn bão biển, với những bữa ăn không thể ngồi yên vì sóng biển đang chầu chực cướp mất; với những giấc ngủ mà mùi hôi tanh của cá mực luôn sộc vào đến nghẹt thở; với những lúc nằm hay ngồi cũng không thể yên thân vì sóng biển luôn khuấy động... Hỏi ông: “Biển khắc nghiệt như vậy, tại sao ông vẫn nguyện cả đời gắn bó”. Ông trầm ngâm, cái trầm ngâm của một lão ngư cả đời chỉ quen ăn sóng nói gió, quen nhìn mây, đoán gió... rồi nói: “Nếu trên rừng có đại ngàn, tiếng cồng chiêng vang vọng thì dưới biển có đại dương bao la, tiếng sóng rì rào. Thiếu rừng, đồng bào vùng núi cô đơn. Vắng biển, ngư dân lạc lõng... Sinh ra và lớn lên ở biển nên với tôi biển là tuổi thơ, là tương lai và hy vọng”.
Những phận đời chịu ơn biển
Sinh năm Canh Dần (1950) nhưng lão ngư Nguyễn Xuân Cự, thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc vẫn còn giữ được thân hình rắn rỏi, chắc nịch với nước da rám nắng. Thấy chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ, ông cười lớn đầy vẻ tự hào: “70 tuổi rồi còn trẻ trung gì nữa”. Giọng âm vang, hào sảng, đúng chất của người dân làng biển.
Hỏi chuyện, ông bảo phải đi ra biển “nói mới sướng”. Nói đoạn, ông Cự xách xe máy rồ ga hướng về biển. Ở độ tuổi của ông, nhiều ngư dân đã lui về bờ nhưng tình yêu với biển trong ông vẫn rất mãnh liệt, không mấy khi ông bỏ chuyến ra khơi. Ông bảo: “Nghề nào nghiệp nấy, phải biết trân trọng, chắt chiu học hỏi, đoàn kết, tương trợ để cùng nhau phát triển. Cũng may, ngư dân chúng tôi luôn được Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện, hỗ trợ để chúng tôi vươn khơi, bám biển, vừa phát triển kinh tế gia đình vừa khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Hít một hơi gió biển căng lồng ngực, ông Cự kể, tuổi thơ gắn với sóng biển nên khi lên 5 tuổi, ông Cự đã bơi lội thuần thục. Nhà nghèo, không có điều kiện đi học chữ như chúng bạn, cuộc sống cứ ngược xuôi theo con nước nên khi mặt còn “búng ra sữa”, ông Cự đã là một ngư dân thực thụ.
Theo ông Cự, hồi ấy mỗi thanh niên làng biển lớn lên chỉ tầm 16, 17 tuổi là đều “lận lưng” nhiều kinh nghiệm đi biển. Thường ông sẽ lấy điểm cao nhất của ngọn núi trên đảo Nẹ làm “điểm chuẩn”. Ra càng xa, điểm chuẩn ấy càng mờ nên chỉ nhìn được “chóp núi”. Canh một đường thẳng với điểm cao nhất, ông sẽ biết cách đưa tàu đến nơi mình cần đến. Những ổ mực, ổ cá thu được ngư dân ban ngày đặt phao ở các rạn đá, khe nước trước. Khi ra biển vào ban đêm để câu, dù trời tối nhưng nhờ cách nhận biết như thế nên ông chèo thuyền ra là “đúng phóc”! Nếu nước êm, thuyền ra vài chục hải lí, không còn nhìn thấy đất liền thì ông dựa vào vị trí các chòm sao, con nước để tìm đúng nơi mình cần đến.
Ở cái thời mà ngư dân chưa có máy dò cá như bây giờ, thì việc nhận biết đàn cá qua các dấu hiệu tăm nước, số lần, độ cao cá vọt lên mặt biển hoặc sự đổi màu nước biển, sự di chuyển của các khối màu dưới biển... bí quyết về cách lấy cá làm sao không bị xé lưới khi gặp mẻ cá đàn; thời điểm nào xuất hiện cá đàn, loại cá... rất cần thiết, đảm bảo cho những lần ra khơi thắng lợi, cá tôm đầy khoang.
Ông Cự chia sẻ: “Tháng 3, 4 thì hay gặp mực; tháng 9, 10 thì hay có cá rìa số lượng nhiều lắm; cá song, cá mú thì có quanh năm nhưng ít đóng đàn. Mực khi quần tụ thì rất hung hăng, làm cá sợ, nên thường khi đón được đàn mực thì không đánh được cá. Hầu như các loại hải sản nói chung đều ưa sáng, vì ăn đèn nên dễ bị dụ vào lưới, thế nhưng khi cất chúng lên khỏi mặt nước thì nhất định phải giảm sáng, tránh việc chúng nhận thấy sự thay đổi của môi trường mà bất an, tìm cách đâm đầu xuống đáy lưới, vừa làm cá thương tích vừa có thể bị vỡ lưới...”.
3 người con trai của ông Cự đều nối nghiệp cha, ngày ngày ngụp lặn trên khắp các ngư trường. Họ vẫn luôn coi ông là người thầy, là “thủ lĩnh tinh thần” của mình. “Từ nhỏ cả ba anh em chúng tôi được ông dạy dỗ, kèm cặp, cuộc sống lênh đênh trên biển đã quen có ông rồi. Nhiều lần vào sinh ra tử, dựa vào kinh nghiệm mà ông đã đưa mấy anh em tôi thoát chết, giờ ra khơi mà không có ông, lòng tôi không yên, cứ thấy thiếu vắng cái gì đó”, anh Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1981, con trai ông Cự, chia sẻ.
Những năm gần đây, thấy cha đã có tuổi, anh em vận động ông Cự ở nhà nghỉ ngơi nhưng ông nhất quyết không chịu. “Ở nhà buồn tay buồn chân lắm, không ngâm mình được trong nước biển, tay không buông cần câu, không hít được mùi cá tươi là bệnh. Không đi với con cả thì tôi đi với con út, anh em nó không cho đi thì tôi đi với bạn. Từ nhỏ tôi đã dựa vào biển để sống, giờ già cũng bám biển để kiếm niềm vui”, ông Cự vui vẻ phân trần.
Cả đời gắn bó với biển, cả ông Nghiển và ông Cự đều hiểu biển cả vẫn rất giàu có, rất bao dung, cái chính là cần phải thay đổi tư duy, phương thức khai thác. Bởi, biển luôn thay đổi, biển chiều thì dân ấm no, biển giận thì dân vất vả. Càng làm nghề biển phải càng chọn lọc phương thức khai thác, gắn với bảo vệ, tái tạo môi trường; ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao tính an toàn... Nếu làm được như vậy, chỉ khoảng vài ba năm, nguồn lợi của ngư trường sẽ được phục hồi, người đi biển sẽ lại có những vụ mùa ấm no.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-lao-ngu-nang-tinh-voi-bien/128088.htm